Vì sao Thủ tướng Anh từ chức sau 44 ngày nắm quyền?

THẾ TUẤN 23/10/2022 07:00

Ngày 7/7/2022, ông Boris Johnson, Thủ tương Vương quốc Anh tuyên bố từ chức. Ngày 6/9/2022, bà Lizz Truss - nguyên Ngoại trưởng, tuyên bố nhậm chức Thủ tướng Vương quốc Anh. 44 ngày sau, ngày 20/10 (giờ địa phương), bà Truss từ chức. Vì sao?

Ngày 6/9/2022, trong bài phát biểu nhậm chức Thủ tướng Anh thay ông Boris Johnson, bà Liz Truss, 47 tuổi - Thủ tướng thứ 56 trong lịch sử Vương quốc Anh và cũng là nữ Thủ tướng thứ 3 (sau bà Macgaret Thatcher và bà Theresa May) tin tưởng có thể đưa đất nước vượt qua cơn bão của các vấn đề kinh tế và biến nước Anh trở thành “quốc gia khát vọng”.

Bà Liz Truss.

Buông tay trước sóng gió

Mở đầu bài phát biểu nhậm chức, bà Truss đã dành sự ca ngợi tới người tiền nhiệm Boris Johnson về những thành tựu mà ông đã đạt được khi còn tại nhiệm như thỏa thuận Brexit, vaccine Covid-19 và lập trường về cuộc chiến Nga - Ukraine. Nhận định thế giới đang phải đối mặt với những cơn sóng gió vô cùng khốc liệt gây ra bởi cuộc xung đột tại Ukraine và đại dịch Covid-19, bà Truss nhấn mạnh “đây chính là lúc để giải quyết các vấn đề đang kìm hãm nước Anh” mặc dù điều đó không hề dễ dàng.

“Chúng ta sẽ biến nước Anh thành một quốc gia đầy khát vọng với công việc được trả lương cao, đường phố trở nên an toàn và mọi người ở khắp mọi nơi đều có cơ hội mà họ xứng đáng có” - bà Truss nói và tuyên bố “Tôi sẽ hành động ngay hôm nay, hành động mỗi ngày để biến điều đó thành hiện thực”.

Trong lúc Thủ tướng Anh Liz Truss đang đứng trước nhiều thách thức buộc từ nhiệm thì Tổng thống Mỹ Joe Biden nói ông không phải là người duy nhất nghĩ rằng kế hoạch kinh tế ban đầu của Thủ tướng Anh Liz Truss là một sai lầm, theo Reuters. Chiến lược kinh tế của bà Truss được công bố không lâu sau khi bà nhậm chức Thủ tướng đầu 9 trước, tập trung vào việc cắt giảm thuế và tăng vay mượn của chính phủ. Kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích gay gắt, cũng như khiến đồng bảng Anh mất giá và thị trường tài chính Anh chao đảo suốt nhiều tuần qua. Việc ra đi vội vã của bà Truss một lần nữa cho thấy sóng gió chính trường nước Anh sẽ vẫn còn rất dữ dội, khó lường.

Trong bài phát biểu ngày 6/9 với cương vị tân Thủ tướng, bà Truss đề ra 3 ưu tiên trước mắt, đó là: Biến nước Anh năng động trở lại với việc thông qua cắt giảm và cải cách thuế. Hai là ưu tiên cho việc giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, “sẽ hành động ngay trong tuần này để giải quyết các hóa đơn năng lượng và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng trong tương lai cho nước Anh”. Và thứ ba, sẽ đảm bảo người dân có thể đặt lịch khám và dịch vụ y tế mà họ cần.

Về chính sách đối ngoại, bà Truss nhấn mạnh tới sự đoàn kết với các đồng minh, đồng thời lưu ý rằng nước Anh không thể có an ninh trong nước mà không có an ninh ở nước ngoài.

“Tôi tin tưởng rằng cùng nhau chúng ta có thể vượt qua cơn bão, xây dựng lại nền kinh tế và trở thành một nước Anh hiện đại rực rỡ. Đây là sứ mệnh quan trọng của chúng ta để đảm bảo cơ hội và sự thịnh vượng cho tất cả mọi người và các thế hệ tương lai. Tôi quyết tâm thực hiện điều đó” - bà Truss kết lại bài phát biểu đầu tiên khi trở thành Thủ tướng nước Anh.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 44 ngày, những ý tưởng của vị tân Thủ tướng nước Anh đã tan thành mây khói.

Trong phát biểu từ chức ngày 20/10, bà Truss nói: “Tôi đã bước vào Văn phòng Thủ tướng Anh trong bối cảnh kinh tế đất nước và quốc tế đang trong trạng thái bất ổn lớn. Nước Anh đã bị kìm hãm quá lâu bởi tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, và tôi đã được đảng Bảo thủ bầu ra với nhiệm vụ phải thay đổi điều này. Chính phủ của tôi đã giải quyết các hóa đơn năng lượng, cắt giảm bảo hiểm quốc gia cũng như đặt ra tầm nhìn cho một nền kinh tế tăng trưởng cao với mức thuế thấp khi tận dụng được các quyền tự do của Brexit. Nhưng tôi nhận ra rằng bản thân không thể hoàn thành nhiệm vụ mà đảng Bảo thủ đã giao phó cho mình. Do đó, tôi đã nói chuyện với nhà vua để thông báo bản thân sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ”.

Điều đó cũng có nghĩa là bà Truss rời khỏi vị trí Thủ tướng sau khi đảng Bảo thủ của bà chọn được người kế nhiệm chỉ trong vài ngày tới.

Thủ tướng Anh Liz Truss đột ngột thông báo từ chức trong bài phát biểu bên ngoài số 10 phố Downing, ngày 20/10. Ảnh: Xinhua.

Ai sẽ thay bà Truss?

Vương quốc Anh, đồng minh “cứng” nhất của Mỹ, cũng là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Vì vậy, việc Thủ tướng chỉ cầm quyền được 44 ngày đã xin từ chức gây cú sốc rất lớn. Vì sao bà Truss phải từ chức? Đó là câu hỏi cần có thêm thời gian để có câu trả lời thỏa đáng, tuy nhiên hiện thời cũng có thể thấy được một số nguyên nhân.

Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là kinh tế. Nước Anh đã rơi vào khủng hoảng khi chỉ số lạm phát lên gần 2 con số (cho đến giữa tháng 9), cao nhất trong vòng 40 năm. Ông Boris Johnson ra đi cũng vì lý do này, và bà Truss thay thế cũng là nhằm đáp ứng kỳ vọng đưa nước Anh khỏi khủng hoảng, hóa đơn tiền điện của người dân giảm.

Nhưng, thời gian quá ngắn để tân Thủ tướng xoay chuyển tình thế, cho dù ngày 14/10 bà đã sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng. Điều đó cũng không dập tắt được những áp lực đòi bà từ nhiệm. Ngày 19/10, bất ngờ Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman lại từ chức nhằm bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với đường lối lãnh đạo của bà Truss, đã thực sự khiến ghế Thủ tướng rung lắc.

Trong khi đó,các đối thủ chính trị của bà không bỏ lỡ thời cơ. Lãnh đạo Công đảng Keir Starmer phát biểu trước hạ viện nói rằng, Truss bị Starmer là người không có khả năng giữ nổi lời hứa, vậy thì “sao bà ấy vẫn còn ở đây?”.

Chưa hết, Thủ tướng còn phải nhận nhiều chỉ trích từ các bộ trưởng trong nội các, các nghị sĩ Quốc hội cũng như sức ép truyền thông, kêu gọi hay nói trắng ra là ép buộc bà từ chức. “Rút củi đáy nồi”, ngoài việc sa thải Bộ trưởng Tài chính, bà Truss còn đình chỉ công việc của Jason Stein - một trong những trợ lý lâu năm nhất của bà mà không đưa ra bất cứ lý do nào.

Lập tức, nghị sĩ Charles Walker nói với truyền thông rằng “không thể dung thứ” cho toàn bộ việc này, vì đó là sự hỗn loạn. “Tôi tin rằng bà Truss không còn lựa chọn nào ngoài từ chức”.

Truyền thông Anh cho rằng ngày 19/10 (trước khi bà Truss tuyên bố từ chức) là ngày khó khăn nhất trong cuộc đời của nữ Thủ tướng. Nhưng thực ra, “ngày khó khăn” đã bắt đầu ngay từ 6/9 khi bà nhậm chức, “kế thừa di sản” của ông Boris Johnson. 44 ngày trên cương vị Thủ tướng cũng là ngần ấy ngày bà Truss phải vùng vẫy trong áp lực bủa vây.

Tuần tới, đảng Bảo thủ sẽ bầu người kế nhiệm làm Chủ tịch đảng thay bà Truss, cũng có nghĩa là kế vị ghế Thủ tướng. Hiện thời, các nhà lãnh đạo của 3 đảng đối lập lớn nhất gồm Keir Starmer của Công đảng; ông Ed Davey của Đảng Dân chủ Tự do và Nicola Sturgeon của Đảng Quốc gia Scotland đều đã kêu gọi tiến hành một cuộc tổng tuyển cử ngay lập tức.

Theo kế hoạch, cuộc bầu chọn người kế nhiệm bà Truss của đảng Bảo thủ sẽ phải tổ chức trước ngày 28/10, trước khi công bố báo cáo tài chính vào ngày 31/10 tới. Tờ The Times của Anh đưa tin, rất có thể cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak - người đã bị bà Truss đánh bại trong cuộc đua vào ghế Thủ tướng sẽ một lần nữa trở lại đường đua vào ngôi nhà số 10 phố Downing.

Áp lực nặng nề đối với người kế nhiệm

Nước Anh đang ở tâm điểm cuộc lạm phát khi mà hết tháng 9, chỉ số lạm phát lên tới 9,1%; cao hơn Mỹ (8,3%).

Một khảo sát của tổ chức từ thiện Food Foundation được công bố cho thấy cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh ngày càng sâu sắc, khi mà gần 1/5 gia đình có thu nhập thấp ở nước này đã phải hứng chịu tình trạng mất an ninh lương thực. Hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn để bảo vệ các hộ gia đình dễ bị tổn thương đang được thúc đẩy, bao gồm yêu cầu cung cấp bữa ăn miễn phí tại trường học cho thêm 800.000 học sinh.

Giám đốc điều hành Food Foundation, Naomi Duncan, cho biết: “ Tình hình đang trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Chúng tôi kêu gọi chính phủ khẩn trương mở rộng điều kiện nhận bữa ăn học miễn phí cho tất cả các gia đình đang nhận tín dụng phổ thông, qua đó hỗ trợ đến được với những trẻ em cần nhất”.

Mùa đông đang đến, nhiều gia đình nước Anh lại phải đứng trước lựa chọn “năng lượng cho sưởi ấm hay là đồ ăn”. Vẫn theo Food Foundation, hơn 18% hộ gia đình ở Anh cho biết họ đã giảm khẩu phần ăn. Đặc biệt tình trạng mất an toàn thực phẩm diễn ra ở các gia đình đông người.

Bà Liz Truss - người đã chính thức từ nhiệm ghế Thủ tướng nước Anh được cho là đã “thừa hưởng” di sản quá nặng nề từ người tiền nhiệm, ông Boris Johnson. Trong đó, khủng hoảng kinh tế với nạn lạm phát kỷ lục là gánh nặng “ngàn cân”. Điều đó không thể có bất cứ phép màu nào giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng đa số mọi người không chịu hiểu điều đó, nhất là những đối thủ chính trị của bà Truss.

Vì vậy, “di sản” để lại của bà Truss cũng sẽ là áp lực cực lớn đối với bất cứ tân Thủ tướng nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao Thủ tướng Anh từ chức sau 44 ngày nắm quyền?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO