Kinh tế

Vì sao tín dụng đầu năm tăng trưởng thấp?

T.Hằng 04/03/2024 07:02

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, tín dụng 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng chậm hơn so với cùng kỳ các năm trước do yếu tố mùa vụ và nền kinh tế chưa khởi sắc.

Theo ông Hà, tăng trưởng tín dụng chậm so với cùng kỳ các năm, nguyên nhân là do yếu tố mùa vụ. Thường vào quý IV, hoạt động kinh tế sẽ sôi động hơn, từ đó kéo theo hoạt động cho vay, nên tín dụng trong tháng 12/2023 đã tăng trưởng rất mạnh khoảng 4%. Còn 2 tháng đầu năm thường vào dịp lễ, Tết nên hoạt động tín dụng sẽ giảm và hoạt động vay vốn cũng không được tăng trưởng như quý cuối của năm trước.

Ngoài ra, nền kinh tế thế giới thực sự chưa khởi sắc mà các thị trường chính của chúng ta cũng chưa phát triển mạnh mẽ nên ảnh hưởng đến yếu tố đầu ra là xuất khẩu, trong khi đó thị trường trong nước còn khó khăn nên cầu về tín dụng cũng có sự suy giảm.

Tại hội nghị mới đây về đẩy mạnh tín dụng 2024, NHNN thông tin, tính đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,71% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên bước sang tháng 1/2024, tín dụng toàn hệ thống giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Còn theo phản ánh của các ngân hàng thương mại, dù thực hiện nhiều giải pháp và giảm lãi suất nhưng tín dụng vẫn giảm, thậm chí giảm tới 2-3% so với cuối năm 2023. Nguyên nhân được đưa ra chủ yếu do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa đủ, ngân hàng thiếu khách hàng vay.

Đại diện ngân hàng Quân đội (MB) cho hay, nguyên nhân tăng trưởng tín dụng đi xuống là cầu tín dụng thấp, sức hấp thụ vốn kém.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng Giám đốc VPBank nhận định, nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển nhưng tập trung ở các doanh nghiệp nước ngoài, nhóm các dự án lớn, đầu tư công. Khu vực kinh tế tư nhân chỉ có 1 - 2% có sức chịu đựng và tiếp tục phát triển, còn lại cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, các ngân hàng, nhất là các ngân hàng cổ phần cho vay phân khúc chính là khu vực tư nhân.

Tại Agribank, đại diện ngân hàng này cho biết, Agribank có dư nợ cho vay cá nhân chiếm 70% nên thường vào đầu năm thì dư nợ tín dụng sẽ giảm mạnh, nhưng cuối năm vào vụ sẽ tăng. “Nợ cho vay trong tháng 1 tăng khoảng 1%. Khả năng tới quý III và quý IV, tăng trưởng tín dụng mới có sự phục hồi rõ rệt” - ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank dự báo.

Để thúc đẩy tín dụng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Theo ông Hà, từ cuối năm 2023, NHNN đã xác định mức tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát với mức tăng trưởng tín dụng khoảng 15% năm 2024.

Ngay từ đầu tháng 2, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung đẩy mạnh giải pháp tăng trưởng tín dụng, tăng cường rà soát, đơn giản hóa các thủ tục cho vay để tăng khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; tập trung tăng cường công tác chuyển đổi số áp dụng vào quy trình tín dụng để tăng khả năng tiếp cận vốn và phổ cập rộng hơn hoạt động tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, NHNN cũng tiếp tục rà soát các văn bản theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) mới được thông qua, để bảo đảm chỉnh sửa các quy định, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng vay.

Phó Thống đốc NHNN nêu rõ, thanh khoản rất dồi dào và phía ngân hàng sẵn sàng nguồn vốn cho nền kinh tế, nên cần có sự phối hợp chính sách của các cơ quan một cách đồng bộ hơn. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ như quỹ bảo hiểm tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao tín dụng đầu năm tăng trưởng thấp?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO