Hiện các địa phương đang bắt đầu đại hội Đảng bộ cấp tỉnh, thành phố để tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, vì thế vấn đề đặt ra là làm sao đạt được tỷ lệ nữ tham gia vào cấp ủy như cơ cấu định ra.
Qua Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 cho thấy, tỷ lệ nữ cấp ủy cấp cơ sở tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt gần 20%, tuy nhiên cấp tỉnh và cấp huyện không đạt chỉ tiêu 15%. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiều địa phương không đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Chỉ thị 36 như Hòa Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hà Giang, Quảng Trị, Đăk Nông, Kon Tum, Cà Mau, Ninh Thuận. Đặc biệt thấp là 2 tỉnh Thái Bình (5,56%) và Khánh Hòa (3,85%).
Một số địa phương, tỷ lệ cấp ủy viên là nữ đã giảm so với nhiệm kỳ trước. Ví dụ như Thái Bình nhiệm kỳ trước đạt 11,1%, nhiệm kỳ này chỉ đạt 5,56%; Khánh Hòa nhiệm kỳ trước đạt 10,5%, nhiệm kỳ này chỉ đạt 3,85%. Đảng bộ Thái Bình và Khánh Hòa không có cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ.
Từ thực tế trên, Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị yêu cầu: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ”.
Vậy làm sao để đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt được như mục tiêu cơ cấu đề ra?
Từng là Bí thư cấp ủy, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: Khi làm quy trình cơ cấu nhân sự, các nơi giới thiệu đều đạt tỷ lệ nữ, từ đại hội Đảng bộ các cấp cho đến bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Tuy nhiên, thực tế khi bầu cử tại đại hội thì đại biểu nữ lại trượt nhiều hơn nam.
Ông Hòa cho rằng một phần vì chúng ta vẫn còn suy nghĩ “trọng nam, khinh nữ”, nên khi đưa nam và nữ lên “bàn cân” thì họ chọn nam. Trong khi hiện tỷ lệ dân số lẫn tỷ lệ cử tri thì nữ giới lại cao hơn nam. Do đó để đạt tỷ lệ nữ tham gia vào cấp ủy, theo ông Hòa, bên cạnh việc nâng cao trình độ, bồi dưỡng cho cán bộ nữ thì bản thân cán bộ nữ cũng phải mạnh dạn thể hiện mình nhiều hơn nữa trong giao tiếp và xử lý công việc. Bởi nhiều người có trình độ, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao song lại ít thể hiện bản thân mình trước tập thể. Cho nên ít người biết đến và không bầu cho họ.
Bà Bùi Thị An, ĐBQH khóa XIII cũng cho rằng, tỷ lệ, số lượng cán bộ nữ trong tất cả các cấp ủy từ Trung ương tới địa phương có nhiều nơi vẫn chưa đạt. Bà An nhìn nhận, nữ giới không thiếu người tài, nhưng quan trọng làm sao lựa chọn được những người có tài để tham gia vào cấp ủy. Do đó theo bà An, nên có sự đánh giá, rà soát việc tăng tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy, chính quyền cả về số lượng cũng như chất lượng. “Bên cạnh đó, cần kiểm tra, kiểm điểm, ở đâu không đạt tỷ lệ cũng như chất lượng thì cần xem xét. Đặc biệt cùng với việc đổi mới về tư duy, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới thì công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo cơ hội để những cán bộ nữ thực sự có năng lực được lựa chọn cũng cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa”, bà An nói.