Ngày 29/5/2023, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị chia sẻ thành quả dự án "Vì sông Mekong không rác – Thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi ở Cần Thơ".
Đây là cơ hội nhìn lại hành trình nỗ lực của tất các bên liên quan, chia sẻ những kết quả và kinh nghiệm thực tế mà Dự án đã thực hiện, đồng thời cũng là dịp để địa phương chính thức tiếp nhận và thể hiện cam kết tiếp tục duy trì các thành quả đạt được của Dự án.
Chợ nổi Cái Răng và Cồn Sơn - một hòn đảo nhỏ trên sông Hậu là hai điểm triển khai các hoạt động của dự án Vì sông Mê Kông không rác do Công ty TNHH Dow Chemical Vietnam (Dow Việt Nam) tài trợ.
Với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu rác thải từ sông ra biển và tạo sự thay đổi hành vi trong quản lý rác thải đối với các cộng đồng địa phương sống trên sông, Dự án được thực hiện bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub) và Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Phát triển Nông thôn (RECERD), với sự ủng hộ và đồng hành của người dân địa phương, UBND thành phố Cần Thơ, Sở Tài Nguyên và Môi Trường Cần Thơ và chính quyền địa phương hai quận Bình Thủy và Cái Răng.
Trong suốt quá trình triển khai dự án, Dự án đã phối hợp hiệu quả với chính quyền địa phương và các đối tác, thúc đẩy việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải một cách hiệu quả. Đặc biệt, những biện pháp như tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng, bước đầu xây dựng thói quen phân loại, thu gom rác và xử lý rác hữu cơ hiệu quả đã đạt được những kết quả đáng kể.
Người dân địa phương đã dần quen với các giải pháp giảm thiểu và xử lý rác thải hiệu quả tại hộ gia đình, như tận dụng rác hữu cơ để ủ phân với mô hình Vòng tròn chuối; ủ nước tẩy rửa sinh học bằng vỏ trái cây; tận thu nông sản cho bếp ăn từ thiện; hay tận dụng phụ phẩm nông sản để chăn nuôi, vỏ dừa để làm chất đốt,… Đến nay, đã có hơn 30 tấn nông sản được đưa đến các bếp ăn; khoảng 13 tấn vỏ dừa được thu gom làm chất đốt, và 150 tấn phụ phẩm nông sản đã được thu gom và sử dụng hiệu quả cho chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Dự án đã tổ chức hệ thống thí điểm thu gom, vận chuyển rác từ các ghe dân sinh trên chợ nổi Cái Răng và ở Cồn Sơn. Chỉ trong vòng hơn nửa năm, 338 tấn rác có giá trị thấp đã được thu gom, vận chuyển tới điểm xử lý rác của thành phố.
Dự án cũng thực hiện nhiều khảo sát, xây dựng dữ liệu phục vụ nghiên cứu. Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Nam Huân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Cần Thơ nhận định: “Dự án đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, như việc hoàn thành Bộ dữ liệu về hiện trạng quản lý rác thải, nhận thức, thái độ và hành vi của người dân cũng như thông tin về các cơ sở tái chế nhựa, là cơ sở quan trọng cho thành phố Cần Thơ trong quá trình lựa chọn các giải pháp quản lý và xử lý rác thải hiệu quả; Xây dựng và vận hành thành công các mô hình thí điểm về phân loại, thu gom rác thải và xử lý rác thải tại cồn Sơn và chợ nổi Cái Răng; đặc biệt là kêu gọi được sự phối hợp của chính quyền địa phương, người dân và các đơn vị liên quan, hình thành cơ chế hợp tác công tư trong hoạt động thu gom và xử lý rác thải. Các hoạt động của dự án góp phần giúp thành phố Cần Thơ nâng cao ý thức bảo vệ môi trưởng của cộng đồng, cải thiện chất lượng môi trường ở khu vực Chợ nổi Cái Răng, Cồn Sơn - những điểm nhấn du lịch của thành phố”.
Dự án cũng tích cực làm việc với chính quyền địa phương đề xuất các giải pháp nhằm tiếp tục duy trì và mở rộng các mô hình quản lý và xử lý rác thải tại địa phương. Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND Quận Bình Thủy, thể hiện sự quyết tâm duy trì kết quả dự án: “Ở Cồn Sơn, Dự án đã giải quyết khó khăn trong việc thu gom rác thải, vận chuyển rác, đồng thời làm thay đổi tư duy, thói quen người dân trong việc xử lý rác. Đây là những hỗ trợ rất thiết thực cho môi trường cũng như cho đời sống người dân địa phương. Chúng tôi cam kết rằng khi Dự án kết thúc, địa phương sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động và lan tỏa kết quả dự án”.