Trong khi nước Đức vẫn đang “tìm” Thủ tướng mới sau cuộc bầu cử Quốc hội liên bang ngày 26/9, thì hôm nay, ngày 4/10, Nhật Bản sẽ có tân Thủ tướng: Ông Fumio Kishida - người đắc cử Chủ tịch đảng Dân chủ tự do ngày 29/9 vừa qua. Như vậy, ông Fumio sẽ trở thành vị Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản.
Chiều 29/9, cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida đã vượt qua 3 ứng viên khác trong cuộc bỏ phiếu bầu Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) để trở thành lãnh đạo mới của đảng cầm quyền. Theo kế hoạch, hôm nay ngày 4/10, Quốc hội Nhật Bản sẽ nhóm họp để bỏ phiếu bầu ông Fumio Kishida làm Thủ tướng thay thế ông Suga Yoshihide.
Ông Fumio Kishida sinh ngày 29/7/1957, tốt nghiệp ngành Luật, Đại học Waseda năm 1982. Năm 1993, ông được bầu vào Hạ viện lần đầu tiên. Tháng 12/2012, ông Fumio trở thành Bộ trưởng Ngoại giao và có thời gian ngắn làm Bộ trưởng Quốc phòng. Từ tháng 8/2017 đến tháng 9/2020, ông chủ trì Hội đồng Nghiên cứu Chính sách LDP. Trong thời gian này, ông đã giúp soạn thảo chính sách phản ứng Covid-19 của LDP (dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo).
3 chính sách và 3 cam kết
Ngay sau khi trở thành Chủ tịch LDP, ông Kishida đã cam kết sẽ dốc sức để giải quyết các thách thức mà Nhật Bản đang đối mặt. Vấn đề quan trọng nhất sẽ là nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19, với mục tiêu đến cuối tháng 11 sẽ tiêm vaccine đầy đủ cho tất cả những người muốn tiêm, thúc đẩy hoàn thành các loại thuốc chống virus Corona qua đường uống vào cuối năm nay, đồng thời đưa ra gói kích thích kinh tế hỗ trợ người dân vượt qua khủng hoảng.
“Tôi sẽ dồn hết sức của mình để đối phó với virus SARS-CoV-2. Trong năm nay, tôi sẽ đưa ra một gói kích thích kinh tế trị giá hàng chục nghìn tỷ Yen để mọi người dân Nhật Bản có thể hưởng lợi” - ông Kishida nói.
Trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Kishida đã đưa ra 3 cam kết và 3 chính sách cần phải thực hiện. 3 cam kết là: Lắng nghe đầy đủ tiếng nói của nhân dân; Hình thành xã hội tôn trọng tính cá biệt và đa dạng; Hướng tới xã hội chia sẻ. 3 chính sách là: Dồn sức ngăn ngừa đại dịch Covid-19; Xây dựng chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản; Chính sách đảm bảo an ninh ngoại giao.
Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, một quốc gia có vai trò an ninh hàng đầu tại châu Á - Thái Bình Dương, là thành viên của nhóm G7. Vì thế, quan điểm chính sách mới của Nhật Bản sẽ có ảnh hưởng rất lớn không chỉ ở nước này mà tới cả chính sách an ninh khu vực.
Truyền thông quốc tế cho rằng, nhiệm vụ khó khăn hàng đầu đang chờ ông Kishida chính là sự cân bằng khi vừa tái khởi động nền kinh tế, vừa áp dụng các biện pháp ngăn chặn Covid-19, cũng như chính sách đối ngoại nhằm tạo ưu thế vượt trội thời hậu Covid-19. Trong đó, phục hồi tăng trưởng kinh tế được coi là khó khăn lớn nhất.
Theo tờ The Washington Post, trước mắt, ông Kishida sẽ phải bắt tay ngay vào cuộc chiến ứng phó với Covid-19, đồng thời chấn chỉnh lại nền kinh tế vốn đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch. Các cam kết trong chính sách kinh tế của ông Kishida cũng kỳ vọng được hiện thực hoá, bao gồm việc giảm khoảng cách trong thu nhập người lao động, đồng thời tăng gấp đôi lương cho những người có thu nhập trung bình. “Tôi muốn tăng thu nhập và tiền lương cho càng nhiều người Nhật càng tốt. Đây chính là chính sách kinh tế mà tôi muốn thực hiện” - ông Fumio Kishida khẳng định.
Liên quan đến việc đối phó với Covid-19, ông Kishida cho rằng cơ quan quản lý khủng hoảng y tế đóng vai trò như một bộ chỉ huy. Mọi nguồn lực sẽ được huy động để ngăn chặn rủi ro sụp đổ hệ thống y tế trong nước, hướng tới mục tiêu chung là “khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội tới gần mức bình thường càng sớm càng tốt”.
Hơn 1 năm, 3 Thủ tướng
Trước đây 1 tháng, ngày 3/9, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố sẽ từ chức, sau 1 năm tại vị. Tổng thư ký Đảng LDP Toshihiro Nikai cũng xác nhận trước báo giới rằng Thủ tướng Yoshihide Suga đã nói ông sẽ không tranh cử trong cuộc đua vào vị trí lãnh đạo LDP diễn ra vào cuối tháng 9. Đồng thời ông Nikai bình luận: “Thành thật mà nói tôi ngạc nhiên với quyết định của ông Suga. Thật sự đáng tiếc. Ông Suga đã nỗ lực hết sức, nhưng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, ông đã đưa ra quyết định này”.
Nói với giới truyền thông, ông Suga cho biết ông nhận thấy mình không thể làm cùng lúc hai việc là tái tranh cử ghế lãnh đạo Đảng LDP cầm quyền và xử lý đại dịch Covid-19 vì mong muốn tập trung chống dịch.
Ông Yoshihide Suga, 72 tuổi, người thay thế Thủ tướng tiền nhiệm Abe Shinzo một năm trước. Ông Abe từ nhiệm vì lý do sức khỏe.
Như vậy là chỉ trong vòng chưa quá 1 năm, Nhật Bản đã có tới 3 Thủ tướng (ông Abe từ nhiệm tháng 8/2020, ông Suga nhậm chức tháng 9/2020 và giờ là ông Kishida). Theo tờ The Mainichi, ông Suga đã nhận nhiệm vụ Thủ tướng Nhật bản vào giai đoạn khó khăn nhất khi mà đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài khiến cho kinh tế đất nước rơi vào khó khăn, cuộc sống của một bộ phận người dân do đó cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
Vì thế, nếu như “cơ nghiệp” ông Abe để lại cho ông Suga khá tốt thì nay, ông Kishida sẽ phải gánh vác nhiều khó khăn hơn khi ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Ngày 25/9, Thủ đô Tokyo thôi áp dụng các biện pháp y tế nghiêm ngặt. Đến ngày 30/9, kể từ tháng 4, lần đầu tiên toàn bộ 47 địa phương tại Nhật Bản không còn duy trì các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt. Nhà chức trách Nhật Bản cho biết, cuộc chiến với Covid-19 sẽ bước sang một giai đoạn mới khi việc tiêm chủng tiến triển với tốc độ nhanh chóng, bằng cách kiểm soát các tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao, số người mắc bệnh đã giảm đáng kể. Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu trong thời gian sớm nhất sẽ hoàn thành mũi tiêm thứ hai cho tất cả những người đã đăng ký vào khoảng cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm nay.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét việc sử dụng giấy chứng nhận hoàn thành tiêm chủng và giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 như một trong những điều kiện quan trọng để nới lỏng các quy định về đi lại, nhất là đối với người nước ngoài nhập cảnh vào nước này.