Vị tướng 'gánh cả hai vai'

Phạm Quang Đẩu 09/01/2021 09:00

Trong lần đồng chí Chu Huy Mân đến chào Bác Hồ trước khi lên đường vào mặt trận Tây Nguyên(B3), Bác đã động viên, khen ngợi: “Chú chịu khó gánh cả hai vai chính trị-quân sự cho khỏe, càng tốt!”.

Đại tướng Chu Huy Mân (thứ 3 từ trái sang) thăm cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn Tây Nguyên. Người ngoài cùng bên phải là Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (tháng 3/1976).

Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, lúc đó là chủ nhiệm chính trị B3 hiểu rõ hơn ai hết việc “gánh cả hai vai” của người chỉ huy cao nhất ngày ấy. Dưới đây là câu chuyện của Thượng tướng đã kể với người viết bài này lúc đến nhà riêng ở phố Hoàng Văn Thái (Hà Nội) thăm ông, hồi kỷ niệm tròn 30 năm trận đầu thắng Mỹ ở Plây Me-Ia Đrăng (năm 1995).

Anh Chu Huy Mân hơn tôi 15 tuổi, người anh cả về tuổi đời, tuổi quân. Ngay từ ngày đầu thành lập Quân đội anh đã chuyên làm công tác Đảng, công tác chính trị. Thời chống Pháp anh từng là chính ủy Đại đoàn 316; thời chống Mỹ anh là chính ủy Quân khu 4; chính ủy Quân khu 5... Thực ra, hầu hết cán bộ cao cấp của quân đội lứa đầu tiên như anh, làm chính trị hay quân sự, mỗi người được cấp trên phân công trách nhiệm ở vào từng hoàn cảnh chiến đấu cụ thể. Dù sao từ lâu trong suy nghĩ của tôi, anh Chu Huy Mân là một chính ủy bẩm sinh, một vị tướng tính cách mạnh mẽ. Năm 1964, anh vào Quân khu 5 thay anh Nguyễn Đôn, chuyển sang Lào. Việc đầu tiên tướng Mân làm là ra lệnh không lẩn quẩn bám dựa mãi trên núi cao nữa, đưa bộ đội chủ lực xuống đồng bằng, mà đánh giữa ban ngày. Đấy cũng là lúc Mỹ bắt đầu triển khai cuộc chiến tranh cục bộ, bằng chiến thuật trực thăng vận và thiết xa vận rất ác liệt. Đánh giữa đồng bằng trống trải tất phải đào công sự, thiếu xẻng, anh ra lệnh mỗi người lính chặt một khúc gỗ, vót nhọn, đào công sự thay xẻng. Có người tưởng anh khô khan, quân sự đơn thuần, gần anh mới thấy anh rất yêu văn thơ, vào chiến trường còn mang theo cả một tủ sách toàn tác phẩm văn học Nga kinh điển, từ Tolstoi, Dostoievski cho đến Pouchkin, Lermontov…

Giữa năm 1965, sau khi Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở mặt trận Tây Nguyên, có sự phân công mới, anh Chu Huy Mân chính ủy kiêm tư lệnh B3. Một giai đoạn rất cam go khốc liệt, bộ đội chủ lực của ta ở miền Bắc mới vào chiến trường và chưa có nhiều kinh nghiệm đánh với đội quân được trang bị “tận răng” như quân viễn chinh Mỹ. Hồi ở Quân khu 5 tôi là chủ nhiệm chính trị, lên Tây Nguyên tôi cũng là chủ nhiệm chính trị Mặt trận, lại giúp việc anh về công tác Đảng, công tác chính trị. Lúc đó Sư đoàn Kỵ binh bay số 1, đơn vị bộ binh mạnh nhất của Mỹ ở chiến trường miền Nam, chiếm An Khê, mở cuộc hành quân tìm diệt quân chủ lực ta ở Bồng Sơn, Bình Định. Quyết tâm của Quân ủy trung ương và Bộ Tổng tư lệnh là phải thắng Mỹ trận đầu. Trong cuộc họp Đảng ủy mặt trận Tây Nguyên mở rộng, mọi người đều thống nhất cách đánh là “vây điểm diệt viện”, đánh ngụy trước, diệt Mỹ sau, kéo quân Mỹ ra xa căn cứ đi sâu vào vùng rừng núi hiểm trở để diệt chúng. Lúc đó B3 chỉ có 3 trung đoàn là 33, 66, 320, ít hơn hẳn quân số của Mỹ ngụy, làm sao đạt hiệu suất chiến đấu cao lại thương vong ít để còn lực lượng đánh Mỹ lâu dài. Trước hết là xây dựng quyết tâm đánh Mỹ cho bộ đội. Sau hội nghị, anh gọi riêng tôi đến làm việc. Sau khi nghe tôi báo cáo, anh nói: “Ưu thế chính trị, tinh thần đã có sẵn trong mỗi cán bộ chiến sĩ ta và làm thế nào để phát huy cho được ưu thế ấy. Chính vì lẽ đó tôi mời anh đến, chúng ta cùng bàn”. Chúng tôi bàn thảo đến 1 giờ sáng. Anh Mân lúc nào cũng tỏ ra tỉnh táo, hào hứng, anh đã gợi ý cho cơ quan chính trị mặt trận chúng tôi nhiều vấn đề như: xây dựng quyết tâm cho bộ đội, phát huy vai trò tiền phong của cán bộ đảng viên trong chiến đấu, phải xây dựng lòng tin vào quần chúng, phát huy dân chủ, tính chủ động sáng tạo của người lính.

Đầu tháng 10/1965, Mặt trận B3 nhận được điện của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh thông qua quyết tâm và kế hoạch chiến dịch Plây Me. Anh Chu Huy Mân dẫn đoàn cán bộ đi ngay thực địa để quan sát, nghiên cứu tình hình địch và khi đoàn trở về, Bộ Tư lệnh Mặt trận đã có quyết định bổ sung phương án tác chiến. Sau đó chiến dịch diễn ra không ngoài dự kiến của ta. Đợt 1, vây điểm ta thu được thắng lợi lớn: tiêu diệt chiến đoàn 3 thiết giáp và 1 tiểu đoàn, 1 đại đội bộ binh địch, phá hủy gần 90 xe quân sự, bắn rơi nhiều máy bay. Đến đầu tháng 11 năm ấy, Đảng ủy Mặt trận họp mở rộng dưới sự chủ trì của anh Chu Huy Mân, đánh giá đã làm thất bại ý định giải tỏa bằng không quân buộc địch phải điều quân ngụy viện binh đường bộ để ta tiêu diệt. Hội nghị Đảng ủy xác định mục tiêu đợt 2 chiến dịch là, diệt gọn từ 4 đến 5 đại đội Mỹ, bắn rơi 20-25 máy bay, đánh bại một bước chiến thuật trục thăng vận và thiết xa vận của Mỹ. Anh Mân nhấn mạnh, cần quán triệt tới từng chiến sĩ là khi giao chiến với Sư đoàn kỵ binh bay Mỹ, phải đánh mạnh vào chỗ dựa phi pháo của chúng, nhất là hỏa lực từ trên máy bay trực thăng. Trong điều kiện ta không nhiều súng phòng không tầm thấp 12,7 ly, phải phát huy toàn bộ các tay súng bộ binh bắn máy bay địch trong cả bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Ngay sau cuộc họp, chính ủy kiêm tư lệnh Chu Huy Mân đi Đắc Lắc, tỉnh đông dân, giàu có nhất Tây Nguyên lại ở gần mặt trận để vận động nhân dân đóng góp, chuyển lương thực phục vụ chiến dịch. Trước lúc lên đường, anh gọi Phó tư lệnh Nguyễn Hữu An và tôi giao nhiệm vụ lập sở chỉ huy tiền phương mặt trận để chỉ huy các trung đoàn tổ chức đón đánh quân Mỹ. Anh giao chỉ tiêu cụ thể: diệt bằng được một hoặc hai tiểu đoàn Mỹ trong chiến dịch này. Lúc chia tay, anh nắm chặt tay tôi và anh An nói: “Máu xương và sinh mạng của chiến sĩ là vô giá, nhưng khi cần thiết vẫn phải hy sinh để giành thắng lợi. Trận này dù một đổi một cũng phải kiên quyết đánh thắng. Phải diệt gọn tiểu đoàn Mỹ, các anh hiểu ý tôi chứ?”

Thế rồi đúng như ý chí quyết thắng quân Mỹ trận đầu của anh, trận Ia Đrăng kết thúc, khoảng 400 tên của tiểu đoàn 1, trung đoàn 7 và một đại đội thuộc tiểu đoàn 2, trung đoàn 45 lữ đoàn 3 kỵ binh không vận Mỹ chỉ còn vài chục tên sống sót chạy về căn cứ. Như vậy là diệt hơn một tiểu đoàn Mỹ, vượt chỉ tiêu.

Sau chiến thắng Plây Me-Ia Đrăng, do bộ đội hành quân dài ngày từ miền Bắc, đến nơi là chiến đấu ngay, liên tục và ác liệt, thương vong của ta tương đối cao, mỗi đại đội chỉ còn hơn nửa quân số. Ăn uống kham khổ, thiếu thốn, bệnh sốt rét lại hoành hành, trong các bệnh xá trung đoàn, bệnh binh nhiều gấp mấy lần thương binh. Ở hầu hết các đơn vị nảy sinh hiện tượng sinh hoạt rời rạc, kỷ luật nội bộ không nghiêm, thậm chí có những hành động xấu. Lúc này anh Chu Huy Mân lại thể hiện vai trò một chính ủy rất sâu sát, kiên quyết. Anh nói: Đừng ca bài “tuy nhiên”, “quán triệt” nữa! Nhìn thẳng vào sự thật đi, bộ đội đang đau ốm, thiếu thốn trăm bề sinh ra những lấn cấn về tư tưởng. Tôi yêu cầu cả ba cơ quan, chính trị, tham mưu, hậu cần không ai ngồi trên này, dồn xuống đơn vị, không làm tràn lan, tập trung củng cố cho kỳ được từng đại đội, hết đại đội này mới sang đại đội khác, xong từng tiểu đoàn, trung đoàn mới được về…

Tôi nhớ là khi kết thúc lớp chỉnh huấn cho cán bộ trung cao cấp của B3, anh đã có một “động tác” mang tính biểu trưng, là cầm trên tay hai tập giấy khá dày giơ lên, nói: Đây là bản kiểm điểm của các đồng chí. Phần ưu điểm các đồng chí giữ lấy để phát huy, còn đây là phần khuyết điểm, tôi đọc và thấy các đồng chí đã tự phê bình một cách nghiêm túc trách nhiệm chính trị của mình trước Đảng. Tôi tuyên bố đốt tất cả những bản về khuyết điểm. Đợi cho những tờ kiểm điểm cuối cùng cháy thành tro, anh Chu Huy Mân mời chính ủy các trung đoàn 33, 66, 320 lên, rồi trao cho mỗi người một sợi dây thừng để trói tù binh Mỹ trong tiếng vỗ tay vang dậy cả cánh rừng. Chiến thắng Plây Me-Ia Đrăng đã trở thành một cột mốc lịch sử thời chống Mỹ, lần đầu tiên bộ binh ta diệt gọn một tiểu đoàn Mỹ trong một trận đánh, mở ra việc “vây điểm diệt viện” ở quy mô lớn hơn sau này. Người đứng đầu Mặt trận là anh Chu Huy Mân đã có vai trò quyết định cho thắng lợi chung. Qua đây cũng thấy sự sáng suốt trong dùng người của Bác Hồ khi giao anh “gánh cả hai vai” chính trị và quân sự.

Sau ngày nước nhà thống nhất, anh Chu Huy Mân được giao nhiều trọng trách, là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; rồi Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Anh mất ngày 1/7/2006, hưởng thọ 93 tuổi. Tên anh được đặt cho nhiều đường phố ở thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vị tướng 'gánh cả hai vai'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO