Việc cô giáo đánh học sinh: Giận cô một, thương cô năm, bảy phần

Nhị Hà 07/12/2015 10:00

Mới đây, Phòng GD-ĐT Thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) đã  có hình thức kỷ luật chuyển công tác đối với cô giáo Phạm Thị Thanh Thảo (giáo viên trường Tiểu học Thuận Hòa, xã Hương Phong, Thị xã Hương Trà) dùng thước gỗ đánh bầm mông nhiều học sinh. 

Tiếp nhận thông tin này, nhiều phụ huynh tỏ ra hả hê, cho rằng kỷ luật phải nghiêm chứ không thì ai còn dám giao con cho những cô giáo như vậy. Nhưng với những người cả nghĩ thì lòng nặng trĩu nỗi buồn. Là người mẹ, trong trường hợp này giận cô giáo một thì thương cô giáo đến năm, bảy phần.

Cứ hình dung những ngày nghỉ trông hai đứa con, thêm hai ba đứa cháu cùng lứa đến chơi, không phải làm việc gì chắc các bà mẹ cũng ngấm sự mệt mỏi, đau đầu và căng thẳng.Vậy thì một mình cô giáo với 40-50 học sinh đang tuổi ăn chưa biết no, nói chưa biết nghe, dọa thì sợ đấy lại quên ngay thì việc cô giáo bắt nằm úp mặt xuống đánh vào mông cùng lúc cả chục học sinh ( tội nói chuyện, không chép bài, viết sai chính tả nhiều…) là cực chẳng đã. Nhớ thời đi học, cũng có một lần nhiều học sinh trong lớp vi phạm khuyết điểm, cô giáo gọi lên nằm trên bục giảng quật cho mỗi trò hai thước kẻ, đứa nào cũng rớm nước mắt, nhưng không phụ huynh nào kiến nghị.

Là người mẹ, ai không thương con nhưng chắc ai cũng từng có lúc phát điên lên mà mắng con đôi câu, đánh con vài cái. Cũng kỳ lạ, đánh con xong, đôi lúc lại tự đánh vào mình, thầm hỏi mình đánh con như thế có đau lắm không, xót con đến nhói lòng. Cũng vì thế mà bất cứ phụ huynh nào đều khó thứ tha cho người khác khi thấy mông con mình hằn những vết bầm tím.

Ở đây cũng phải nghĩ dùm cô giáo, một mình nuôi hai con nhỏ, kinh tế eo hẹp, khó khăn chồng chất đã đành, đến trường lại bị cuốn vào vòng xoáy thi đua. Học sinh yếu kém không tránh khỏi thi đua của cô, trò tụt hạng. Kết quả thi đua liên tục xếp hạng thấp cũng có nghĩa là lương thưởng bị cắt xén, nồi cơm ở nhà của hai con nhỏ vì thế cũng vơi bớt. Là phụ nữ, cùng lúc gánh hai vai, bên nào cũng nặng như đeo đá, không tránh khỏi có lúc nghiêng ngả, thậm chí ngã gục … Đưa cho cô ấy một cánh tay, vực cô giáo vượt qua khuyết điểm để tiếp tục sự nghiệp giáo dục học sinh là việc nên làm.

Cô giáo đã kiểm điểm nghiêm túc, tới các nhà phụ huynh để xin lỗi học sinh và cha mẹ các em. Thiết nghĩ sự ăn năn, hối hận ấy đáng cảm thông và tha thứ. Nghĩ cho người khác một chút, thông cảm với hoàn cảnh và hành động bột phát của họ (tất nhiên với hậu quả không quá nặng nề) sẽ thấy mọi chuyện dễ hiểu và dễ xử lý hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Việc cô giáo đánh học sinh: Giận cô một, thương cô năm, bảy phần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO