Dù đã là những ngày cuối năm, cận Tết với bao công việc bề bộn nhưng khi nói về việc VFF sớm chấm dứt hợp đồng với HLV Miura, nhà báo thể thao kỳ cựu Nguyễn Lưu vẫn không thể kìm nổi bức xúc của mình. Việc VFF sớm chia tay HLV người Nhật dù thời hạn hợp đồng chẳng còn bao lâu, cũng như trước mắt chỉ còn 2 trận không quan trọng nhưng VFF vẫn kiên quyết nói lời chia tay khiến ông Lưu cho rằng VFF đã quá nhẫn tâm và không trân trọng đạo lý của người Á Đông.
HLV Miura đã cho thấy cách hành xử chuyên nghiệp của ông.
Theo phân tích của nhà báo Nguyễn Lưu: Hiện nay người Nhật cũng như các nước Á Đông vẫn có phong tục ăn Tết âm lịch như người VN. Việc VFF sa thải ông Miura lúc này cho thấy văn hóa ứng xử kém. Bị sa thải ở những ngày cuối năm, cận Tết thực sự người ta buồn lắm đấy. Người xưa đã nói của cho không bằng cách cho; kiểu phạt không bằng lối phạt, thời điểm phạt… Những người quản lý bóng đá Việt không hiểu truyền thống tốt đẹp của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng để áp dụng khi sa thải HLV Miura ở thời điểm này. VFF như cái làng Vũ Đại, có đầy đủ Chí Phèo, Bá Kiến và gã trọc phú…
Việc sa thải HLV Miura và ông thày người Nhật không thèm nhận số tiền khoảng 30.000 USD đền bù. VFF đề nghị đặt vé cho ông Miura về nước, nhưng HLV người Nhật từ chối và thông báo cho VFF sẽ tự chủ động lên lịch, đặt vé trở về như cái tát vào mặt Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Hành động cắt hợp đồng với ông Miura ở thời điểm này là hành động không thể thấp nước hơn của VFF bởi hợp đồng với ông này không còn bao nhiêu lâu nữa. Cùng với đó, cách hành xử, ứng xử của ông thầy người Nhật trước đó và nhất là sau việc phải chia tay sớm với bóng đá Việt thực sự khiến mọi người càng trân trọng ông hơn.
VFF đã không rút ra được bài học ứng xử sa thải HLV trưởng chỉ bằng một tin nhắn như đã từng áp dụng với HLV Franko Goets trước đây để rồi nhận không biết bao lời chỉ trích cùng những ánh mắt thiếu thiện cảm nơi bạn bè quốc tế. Nếu như ông Franko Goets bị sa thải bởi không hoàn thành nhiệm vụ thì HLV Miura lại hoàn toàn khác. Thành tích của HLV Miura hoàn toàn không phải tệ và không đạt. Cùng với đó, các quan chức VFF khi thấy nhiều thông tin không đồng tình về cách sắp xếp đội hình, lối chơi… của HLV Miura nhưng không hề gặp gỡ, góp ý mà để đến phút cuối hè nhau vào chê bai... rồi sa thải, thật không ra làm sao.
Thực tế, bóng đá VN nhiều năm qua khâu đào tạo rất kém. Vài năm gần đây, chúng ta có những cầu thủ giỏi nhưng chúng ta chưa có đội bóng cừ. Chính bởi vậy, dù có là thầy dậy nào thì bóng đá vẫn không tiến lên và được như mong muốn. Tôi lấy ví dụ như trận đầu tiên của U23 VN với Jordan tại Quatar vừa qua. Hàng chục đường chuyền sai địa chỉ, hàng chục động tác nhận bóng sai… đấy là đâu? Đấy là bởi khâu huấn luyện cơ bản… Bởi vậy, có đưa HLV nào vào cũng không giải quyết được. Bóng đá VN có đưa Mourinho về cũng không khác được và họ đã lập nên kỷ lục sa thải HLV. Trên thế giới, chuyện sa thải HLV không phải là cá biệt nhưng sa thải HLV phải như thế nào? Đơn cử như bây giờ, CĐV, giới truyền thông, các cựu ngôi sao… của Man Utd ầm ầm đòi thay Van Gaal nhưng họ vẫn không sa thải. Bóng đá VN vẫn đang vướng ở cơ chế bổ nhiệm và sa thải chẳng giống ai. Nhiều khi chỉ do không thích hoặc nhận thức của một vài cá nhân không chuyên môn, một bộ phận mang danh NHM… hoặc do tác động của truyền thông mà có thể sa thải HLV. Bóng đá Việt Nam thời gian này đang được ví như các học sinh “Giỏi cấp 1; khá ở cấp 2; đạt yêu cầu ở cấp 3 nhưng… trượt Đại học!”.
Trong cuộc họp với Tổng cục TDTT vừa qua, tôi đã nói thẳng: “Năm 2015 vừa qua, tất cả các môn thể thao của nước nhà đều đạt kết quả đáng khen ngợi nhưng chỉ có bóng đá là không. Dù tiêu tốn rất nhiều tiền nhưng kết quả không đạt. Tôi cũng chẳng thấy môn nào được ưu ái như bóng đá. Bất kể lần tham dự SEA Games nào cũng thế. VN đã có trưởng đoàn thể thao nhưng luôn có trưởng đoàn bóng đá riêng và bóng đá nam được ăn ở, đãi ngộ như ông hoàng. Họ được di chuyển thẳng, ở khách sạn 5 sao trong khi những đồng nghiệp nữ thì phải transit mấy bận và phải ở trong làng thể thao. Nếu bóng đá nam đạt thành tích cao thì không đáng nói nhưng thành tích quá thất vọng so với bóng đá nữ”.
Nội bộ VFF những ngày qua đang lùm xùm, đầy bất an và cho thấy rõ sự không đoàn kết. Tôi rất thích câu nói của một đồng nghiệp “pha vào bóng của Quế Ngọc Hải với Anh Khoa bị nói là triệt hạ, ác ý nhưng nó không ác độc bằng chính những đòn của lãnh đạo VFF đá sau lưng nhau”. Tôi rất thích và ủng hộ PCT VFF Nguyễn Xuân Gụ khi anh ấy đã phát biểu để tất cả nhận thấy sự thật nội bộ VFF. Phát biểu ấy mới khiến cái kim trong bọc lòi ra để mọi người thấy VFF như một công ty TNHH… 2 người. Có thể phương pháp đưa vấn đề của anh Gụ không tốt cho liên đoàn nhưng nó đưa ra cái nhìn rất rõ ràng cho mọi người thấy bộ máy điều hành bóng đá VN.
Với bóng đá VN sau thời HLV Miura, lúc này VFF đang tích cực tìm kiếm cho vị trí HLV trưởng cho các đội tuyển VN, ưu tiên sử dụng HLV nội và nếu được hỏi tôi đánh giá cao HLV Hữu Thắng. Hữu Thắng được chọn sẽ là tốt vì HLV này có bản lĩnh, cá tính, thâm trầm, nhiều kinh nghiệm và bảo được quân. Một HLV xuất thân từ cầu thủ đá tuyến dưới sẽ có cái nhìn bao quát, chặt chẽ hơn.