Viêm dạ dày là bệnh đường tiêu hóa thường gặp kể cả ở trẻ nhỏ. Thế nhưng, do triệu chứng bệnh ở trẻ có nhiều khác biệt so với người lớn và sự chủ quan của các bậc phụ huynh, nhiều trẻ đã gặp các biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.
Bệnh viện đa khoa Medlatec vừa tiếp nhận trường hợp bé trai N.G.N. (9 tuổi, Hà Nội) mắc viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản. Khai thác tiền sử, gia đình bé cho biết, khoảng 1 tháng nay, trẻ xuất hiện mệt mỏi, chán ăn, đau bụng. Bố mẹ nghĩ rằng con bị rối loạn tiêu hóa nên cho uống men vi sinh, nhưng tình trạng trẻ không thuyên giảm mà có dấu hiệu tăng nặng hơn. Sau đó, gia đình đưa con đến Bệnh viện để thăm khám. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhi loét hang vị dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản...
Mẹ bé chia sẻ: “Chúng tôi rất bất ngờ khi con còn nhỏ mà đã bị loét dạ dày. Bởi trước đây tôi nghĩ bệnh đau dạ dày chỉ gặp ở người lớn, nên khi con có bất thường vẫn chủ quan nghĩ đó là do ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa, gây mệt mỏi và chỉ cho uống men tiêu hóa”.
BS Lưu Tuấn Thành - chuyên khoa tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết: “Bệnh lý dạ dày phổ biến nhất trong các bệnh đường tiêu hóa hiện nay. Đáng lo ngại, bệnh có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa, chúng tôi đã gặp không ít các trường hợp bệnh nhi dưới 10 tuổi mắc bệnh dạ dày. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh lý dạ dày ở trẻ là vi khuẩn H.p, ngoài ra còn do thói quen ăn uống. Theo nhiều nghiên cứu tại Việt Nam, có tới 70-80% dân số có vi khuẩn H.p trong dạ dày. Đặc biệt, những gia đình có con nhỏ cần cảnh giác nguyên nhân lây nhiễm vi khuẩn H.p có thể do thói quen như mớm đồ ăn cho trẻ, ăn chung bát đũa, đồ chấm trong bữa ăn”.
Đáng lo ngại hơn khi các bậc phụ huynh thường hay nhầm lẫn những cơn đau bụng thường hay đau bụng giun với những cơn đau dạ dày, để rồi chủ quan không đưa trẻ đi khám. Theo số liệu thống kê, trong 60% trẻ nhập viện do viêm dạ dày, có 1/2 trẻ đau bụng kéo dài trên 3 tháng mà chưa được điều trị, dẫn đến tình trạng viêm loét dạ dày, thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày...
Theo BS Thành, nếu cha mẹ thấy con có những dấu hiệu bất thường, như biếng ăn, đặc biệt là nôn trớ thường xuyên, hay đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, da mặt xanh xao, sụt cân, hoặc tăng cân chậm... trong thời gian dài, cần đưa trẻ đi khám kịp thời.
Đối với trẻ bị viêm loét dạy dày, TS.BS Đoàn Huy Cường - Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khuyến cáo, cha mẹ nên cho trẻ dùng thức ăn giảm tiết dịch vị, không nên cho trẻ ăn quá nhiều thịt, cá. Tránh dùng các thực phẩm kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị như ớt, tiêu, giấm, cà ri, mù tạc, trái cây chua, sữa chua, dưa hành, dưa cà muối chua, nước dùng thịt, thức ăn lên men như mắm, tương, chao; thịt nguội chế biến sẵn…
Đồng thời thức ăn cho trẻ phải mềm, nhừ hoặc nếu cần thì cắt nhỏ, nghiền nhuyễn, cần cho trẻ ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày. Tránh dùng thức ăn sống, thô, cứng, nhiều chất xơ như gạo lứt, đậu đỗ, một số rau trái… trong thời gian đau cấp tính.
Nên chọn rau lá non, mềm như rau đay, rau mồng tơi, rau dền. Hạn chế các loại rau sinh hơi như súp lơ xanh, bắp cải, củ hành, cải hoa, dưa leo, tiêu xanh, bắp, củ cải, dưa cải… Không nên để thức ăn nóng quá hay lạnh quá vì làm cho dạ dày co bóp mạnh. Nhiệt độ thức ăn, nước uống thích hợp là 40- 50 độ C.
Cần cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ, có thể ăn thêm các bữa phụ vào lúc 10, 15 và 22h vì ăn số lượng ít sẽ làm giảm sự căng dạ dày nên giảm tiết acid dạ dày. Không ăn quá nhiều canh cùng bữa cơm vì làm căng dạ dày gây tiết acid. Nên ăn thường xuyên, đều đặn, không ăn quá no và không để bụng quá đói. Khoảng cách giữa các bữa ăn ngắn giúp trong dạ dày luôn có thức ăn để trung hòa acid và giảm đau. Sau khi ăn xong không nên chạy nhảy ngay mà cần có chế độ nghỉ ngơi.