Đầu tư ra nước ngoài, mạnh dạn “mang chuông đi đánh xứ người” cũng là một trong những phương pháp mà các doanh nghiệp Việt đang chọn để khẳng định thương hiệu và vị trí của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận được quả ngọt.
Nhiều ngân hàng đang nỗ lực đổi mới công nghệ.
Viễn thông ấn tượng
Trong một báo cáo mới nhất từ Tổ chức đánh giá thương hiệu toàn cầu Brand Finance công bố đánh giá thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông và ngân hàng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2017, có một điểm rất đáng lưu tâm. Việt Nam có 3 đại diện viễn thông nằm trong danh sách 20 thương hiệu viễn thông có giá trị nhất ASEAN gồm Viettel Telecom, Vinaphone và Mobifone với vị trí lần lượt xếp hạng là thứ 2, thứ 10 và thứ 17. Tổng giá trị thương hiệu của 3 nhà mạng đạt hơn 4,1 tỷ USD.
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, đây là một bước chuyển đáng mừng, cho thấy sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt. Việc chủ động mạnh dạn vươn ra thị trường thế giới, đầu tư vào các quốc gia khác cũng là một cách để doanh nghiệp khẳng định được thương hiệu. Thời gian qua, cũng có thể điểm tên một số doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đặt chân sang xứ bạn như Viettel, BIDV, Thành Thành Công…
Trở lại với bảng xếp hạng Brand Finance cũng như chiến lược phát triển của Viettel, Viettel khẳng định sẽ tiếp tục đầu tư ra nước ngoài, mở rộng thị trường. Viettel đặt mục tiêu trở thành một tập đoàn toàn cầu, nằm trong 20 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới...
Và sau 10 năm tham gia hoạt động đầu tư quốc tế, Viettel nay đã xuất hiện tại 11 quốc gia với quy mô dân số 320 triệu dân, gấp 3 lần dân số Việt Nam. Trong đó 9/10 thị trường nước ngoài đã đi vào kinh doanh ổn định, còn dự án Myanmar đang trong giai đoạn chuẩn bị. Đến nay, tại 5/9 nước Viettel đã giữ vị trí số 1; tất cả các nước đã kinh doanh trên 3 năm đều có lãi và đều nằm trong top 2 công ty lớn nhất.
Làn sóng đầu tư ra nước ngoài ngày càng mạnh mẽ không chỉ giúp doanh nghiệp viễn thông khẳng định được tên tuổi mà kèm theo đó định hướng phát triển trong tương lai. Từng doanh nghiệp trong ngành viễn thông dồn dập lên kế hoạch mở rộng thị trường ra nước ngoài. VNPT, Mobiphone đang toan tính lên lịch muốn khai thác nước cờ xa bờ.
Ông Samir Dixit- Giám đốc điều hành của Tổ chức đánh giá thương hiệu toàn cầu Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương cho biết, giá trị thương hiệu ngày càng tăng phản ánh mạnh mẽ sự sẵn sàng của các nhà khai thác viễn thông trong nước khi đối mặt với những mối đe dọa từ những công ty nước ngoài.
Hiện nay Việt Nam được nhắc đến là quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu về viễn thông ở mức cao nhất khu vực.
Ngân hàng mải cạnh tranh, ít chăm thương hiệu
Các doanh nghiệp nếu có thể nói, đã chọn cách đầu tư ra nước ngoài để tăng nhanh về quy mô cũng như số lượng đơn vị tài chính, đã tạo cơ hội không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chiến lược phát triển thương hiệu. Tuy nhiên, không phải cứ “mang chuông đi đánh xứ người” là thuận lợi, do ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới suy thoái, và quan trọng hơn cả là môi trường kinh doanh khác biệt. Thách thức ấy cần được tính toán kỹ.
Ở bảng công bố thương hiệu của Brand Finance tại mảng ngân hàng, năm 2017 Việt Nam cũng có 3 ngân hàng lọt vào top 500 thương hiệu, đó là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) xếp vị trí 26 và 27, trong khi Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có thứ hạng 33. So với năm trước (năm 2016), chỉ duy nhất giá trị thương hiệu của BIDV giữ vị trí không đổi trong khi VietinBank giảm 3 bậc và Vietcombank giảm 5 bậc. Tổng giá trị thương hiệu của 3 ngân hàng này đạt 686 triệu USD.
Như vậy nếu so với ngành viễn thông, thì tổng giá trị thương hiệu ngành ngân hàng Việt Nam có sự thua kém hơn rất nhiều.
Ông Samir Dixit cho biết, xếp hạng sức mạnh thương hiệu của các ngân hàng Việt Nam vẫn thuộc mức thấp nhất của khu vực, khiến họ không thể cạnh tranh ngay cả trong ASEAN, chưa tính đến phần còn lại của thế giới. Các thương hiệu ngân hàng Việt Nam chỉ tăng trưởng 8%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng giá trị thương hiệu trung bình của ASEAN 25% nhưng tương đương với mức tăng trưởng thương hiệu trung bình toàn cầu 8,7%.
Theo ông Samir Dixit, các ngân hàng Việt Nam đang bị “mắc bẫy” ở thị trường trong nước, chỉ biết đóng cửa để cạnh tranh lẫn nhau mà chưa biết đầu tư phát triển thương hiệu để mở rộng thị trường, mở rộng tầm ảnh hưởng, tìm cơ hội mới.
Giới chuyên gia cũng đưa ra một hình ảnh so sánh, các ngân hàng lớn của Việt Nam hiện giống hình ảnh của những “ông già”. Trong khi đó, nhiều ngân hàng trong khu vực đang làm mới mình với hình ảnh năng động, thích ứng với cách mạng công nghệ lần thứ tư.