Ngày 1/12, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo tổng quan về nghiên cứu và phát triển bền vững về nước giữa Việt Nam và CHLB Đức”.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ sự kiện diễn ra từ ngày 1 đến 5/12, đoàn đại biểu cấp cao của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức dẫn đầu là Tổng vụ trưởng - TS Wilfried Kraus sang làm việc với Bộ KH&CN về chương trình hợp tác trong tương lai. Đây cũng là sự kiện trong khuôn khổ Kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa CHLB Đức và CHXHCN Việt Nam.
Dự án hợp tác Việt Nam - CHLB Đức về xử lý nước thải công nghiệp (gọi tắt là dự án AKIZ) là một dự án nghiên cứu khoa học lớn được tài trợ bởi Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức và Bộ KH&CN, có sự tham gia của 17 trường ĐH và viện nghiên cứu Việt Nam và Đức. Ngoài ra dự án còn nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Văn phòng hợp tác hải ngoại CHLB Đức, Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á.
Dự án AKIZ được hợp thành từ các tiểu dự án nhỏ: Tiểu dự án khử độc nước thải thuốc trừ sâu bằng các phương pháp khác nhau, Tiểu dự án thu hồi rửa trôi từ nước rửa, trường hợp sản xuất dầu gội; Chiến lược quản lý bùn thải… Các giải pháp xử lý nước thải này đã được thực hiện thí điểm ở khu công nghiệp Cần Thơ và cho kết quả thành công bước đầu. Đặc biệt, trong quá trình hợp tác nghiên cứu, trường ĐH Khoa học Tự nhiên cũng đã thành công trong việc tạo ra năng lượng sạch như khí đốt sinh học từ bùn thải và khả năng thu hồi chất có giá trị trong quá trình xử lý.
Theo số liệu đưa ra tại hội thảo, trong quá trình phát triển kinh tế nhanh, Việt Nam hiện đã xây dựng hơn 200 khu công nghiệp nhưng phần lớn các khu công nghiệp này đều chưa có giải pháp xử lý nước thải công nghiệp một cách bền vững. Hàng ngày, hơn một triệu mét khối nước thải được xả thải từ các khu công nghiệp và khoảng 75% trong số này không được xử lý, xả thải thẳng vào môi trường, gây nguy hại cho con người và sinh vật. Tính đến giữa năm 2011 chỉ có 143/232 khu công nghiệp trên toàn quốc có hệ thống xử lý nước thải, 30 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng các trạm xử lý. Nước thải công nghiệp là nguyên nhân gây “chết” nhiều dòng sông như sông Nhuệ, sông Cầu ở miền Bắc, sông Đồng Nai ở miền Nam.
TS Wilfried Kraus chia sẻ: Nước ô nhiễm và việc khai thác quá mức nước ngầm và nước mặt là vấn đề rất nghiêm trọng ở các nước mới nổi ví dụ như Việt Nam. Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Đức đã thiết kế rất nhiều chương trình hành động khắc phục thử thách trong lĩnh vực môi trường. Chúng tôi cố gắng đưa công nghệ cao nước Đức vào sáng tạo trong các ngành khác nhau, thứ hai là chiến dịch phát triển tài nguyên tạo bền vững trong kinh tế xã hội. Chúng tôi làm hệ thống và chi tiết. Chúng tôi đã tiến hành chương trình khung về phát triển bền vững. Chương trình này được đầu tư trên toàn thế giới.
“Nước thải công nghiệp ở Việt Nam là vấn đề có tính ưu tiên cao. Dự án này là dự án đầu tiên liên quan đến xử lý nước thải bị ô nhiễm một cách bền vững. Dự án này theo quan điểm của tôi đã tạo ra nhiều kết quả ý nghĩa. Chúng ta có thể xử lý nước thải công nghiệp bằng những cách rất bền vững, có thể thu hồi các vật dụng tái sử dụng… Dự án đưa lợi ích cao hơn với tính nhân rộng của những công nghệ này, điều đó cho thấy tầm nhìn mới của dự án, đưa hướng dẫn thực hành tốt nhất cho khu vực công nghiệp mới nổi ở Việt Nam. Dự án là ví dụ tốt về sự kết hợp giải pháp trong công nghệ, thực hiện thành công giải pháp bền vững, có lợi thế trong nhiều trường hợp khác nhau, nhiều khu công nghiệp ở các nước khác nhau” - TS Wilfried Kraus cho biết.
TS Wilfried Kraus cũng cho rằng, Việt Nam ở vị trí rất tốt để thu nhận dự án này, và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam, tăng cường hợp tác trong năm tới. Đồng thời trong những ngày tiếp theo cũng sẽ có những buổi họp để bàn luận thêm về vấn đề này.
Trọng tâm của nghiên cứu hàn lâm sẽ được tăng cường về giá trị, coi trọng vấn đề triển khai thực tế. Cả hai Bộ mong muốn đóng góp cho sự phát triển của một ngành kinh tế nước và bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Các chương trình hợp tác song phương được thực hiện với mục tiêu cả hai nước sẽ nâng cao sức mạnh của mình trong cạnh tranh quốc tế. Những dự án tương tự sẽ được mở ra từ sự tiếp nối những thành công của dự án AKIZ, tạo nên những động lực mới cho sự phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững gắn liền với bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Cũng trong hội thảo, GS. TS Karl Ulrich Rudolph - Giám đốc của dự án tổng thể AKIZ cùng với PGS. TS Nguyễn Văn Nội - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cùng trao “Sách hướng dẫn thực hành tốt nhất” về quản lý nước thải công nghiệp bằng 3 thứ tiếng, rất có ích cho các trường ĐH, viện nghiên cứu về nước và nước thải ở Việt Nam. Đây là một thành tựu từ kết quả nghiên cứu của dự án AKIZ.