Việt Nam có nhiều triển vọng phát triển năng lượng mặt trời và đây là một trong những giải pháp lý tưởng trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt năng lượng và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu.
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Dantri.
Đó là đánh giá của giới chuyên gia trong và ngoài nước tại Hội thảo "Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030" do Tổ chức Hợp tác phát triển điện gió Đức (GIZ) hợp tác với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển liên bang Đức, tổ chức ngày 14/9.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, đây là những đánh giá ban đầu sau khi sử dụng phần mềm và phân tích công nghệ ứng dụng các tiến bộ khoa học, áp dụng các tiêu chí như bức xạ nhiệt, sử dụng đất, cơ sở hạ tầng đường xá và kết nối lưới. Việc đánh giá tiềm năng điện mặt trời là một bước quan trọng để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Quá trình này sẽ giúp xác định được danh sách các dự án điện mặt trời đến năm 2020 và các vùng thuận lợi để phát triển cho giai đoạn đến năm 2025 và 2030, các tiêu chí để phát triển dự án. Quá trình đánh giá cũng sẽ đem lại những thông tin chuyên sâu về tiềm năng điện mặt trời và thực trạng phát triển hiện nay tại Việt Nam.
Trưởng dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng của GIZ, bà Sonia Lioret nhận định: Việt Nam có tài nguyên điện mặt trời khá dồi dào. Bức xạ mặt trời ở mức tương đương với các nước trong khu vực, bao gồm những thị trường điện mặt trời đang phát triển như Trung Quốc, Thái Lan và Philippines cũng như những thị trường đã rất phát triển như Italy, Tây Ban Nha.
Vì vậy, năng lượng mặt trời có thể là giải pháp đối với nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng ở Việt Nam. Bà Sonia Lioret đánh giá, tiềm năng phát triển và đầu tư của điện mặt trời trong các khu thương mại và công nghiệp của Việt Nam là rất lớn. Các chỉ số đều cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5-6% hằng năm.
Tuy nhiên, một số ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, việc đầu tư cho năng lượng tái tạo không hề đơn giản và gặp nhiều hạn chế tại các nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt về vốn đầu tư và công nghệ. Đối với các nước nghèo, nhìn chung vấn đề không chỉ nằm trong yếu tố tài chính. Để giải quyết có hiệu quả, điều cần thiết là vấn đề chính sách phát triển năng lượng mặt trời và phát triển ứng dụng công nghệ.
Hiện Chính phủ Việt Nam đã đề ra mục tiêu đưa điện mặt trời thành một trong những nguồn năng lượng tái tạo chủ chốt. Công suất lắp đặt điện mặt trời ở mức 6-7 MW vào cuối năm 2015. Dự kiến, công suất này sẽ tăng lên 850 MW vào năm 2020 (tương ứng với 1,6% tổng sản lượng điện của Việt Nam) và 12.000 MW vào năm 2030 (tương ứng với 3,3% tổng sản lượng điện).
Tại Hội thảo, các chuyên gia của Trung tâm Năng lượng Tái tạo-Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã trình bày các tham luận: Phương pháp luận về quy hoạch lưới điện hiện nay cho điện mặt trời và những hạn chế; Kết quả tính toán tiềm năng sơ bộ của điện mặt trời và các bước tiếp theo; Đánh giá tác động môi trường và xã hội của dự án điện mặt trời.
Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế cũng đã trình bày các tham luận về kinh nghiệm quy hoạch năng lượng mặt trời; xu hướng phát triển điện mặt trời trên thế giới...