Dù dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhưng bất chấp khó khăn, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn khả quan.
Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn kinh doanh tốt
Tháng 5/2021, Tập đoàn Far Eastern (Đài Loan) rót thêm 610 triệu USD vào Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam đặt tại Bình Dương.
Trước đó Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) của Công ty trách nhiệm hữu hạn LG Display Việt Nam Hải Phòng được bổ sung vốn 750 triệu USD.
Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 06/01/2021).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, mặc dù vẫn bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt.
Trong khi đó nhiều chuyên gia tin tưởng sự phát triển của chính các nhà đầu tư FDI lớn, công nghệ cao tại Việt Nam sẽ là bước khởi đầu cho một làn sóng đầu tư mới. Việc thu hút thành công các nhà đầu tư lớn cho thấy kết quả nỗ lực của tổ công tác đặc biệt về thu hút đầu tư nước ngoài, và việc khống chế dịch Covid-19 của Chính phủ.
Có thể nói, việc thu hút vốn FDI vẫn là một điểm sáng của nền kinh tế. Và theo thống kê trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam thu hút gần 14 tỷ USD vốn FDI, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể tính từ đầu năm đến ngày 20/5, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 7,15 tỷ USD, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo phân tích, Việt Nam đang có nhiều lực hút vốn ngoại. Mới đây nhất là việc Việt Nam được các tổ chức tài chính quốc tế nâng bậc triển vọng quốc gia. Mức xếp hạng tín nhiệm và triển vọng quốc gia được các nhà đầu tư nước ngoài xem xét như một yếu tố để xác định mức độ rủi ro và khả năng sinh lời trước khi có quyết định đầu tư vào quốc gia đó. Do vậy, khi triển vọng tín nhiệm quốc gia tăng lên chứng tỏ quốc gia đó đang có những triển vọng tích cực về mức độ tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong trường hợp cải thiện được thứ hạng tín nhiệm, Việt Nam sẽ có cơ hội huy động vốn và đa dạng nguồn vốn huy động trên thị trường vốn quốc tế.
Tiếp tục cải cách
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ đã có các giải pháp chính sách phát triển và kiềm chế dịch bệnh hiệu quả cùng với các biện pháp hỗ trợ hoạt động kinh tế hiệu quả.
Mặc dù vậy, chúng ta vẫn cần hướng tới các mục tiêu cao hơn, vì dư địa cải cách vẫn còn rất nhiều để phấn đấu có thứ hạng tín nhiệm ngang với các nền kinh tế có thứ hạng cao trên thế giới, chứ không chỉ so với các đối thủ “đồng cân đồng lạng”.
Tuy nhiên, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đây là bài toán không đơn giản đối với các cơ quan điều hành, để thực hiện được, Việt Nam cần đi một “chặng đường dài” với nỗ lực bền bỉ.
Trong đó, có hàng loạt công việc cần phải làm, đó là tập trung tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý chính sách, trước hết là các luật liên quan đến kinh tế. Luật pháp phải chặt chẽ, có tính ổn định, tương thích cao với thông lệ quốc tế. Nếu thay đổi quy định cần phải có quy trình thống nhất, được thông báo trước, tránh để trường hợp nhà đầu tư gặp nhiều vướng mắc, khó lường đoán như một số quy định trước đây.
Tiếp đó, cơ chế quản lý kinh tế cần được tiếp tục hoàn thiện và đổi mới theo hướng làm sao công khai minh bạch, giảm thiểu những nội dung không rõ ràng. Cần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các chi phí tiếp cận thị trường, thời gian tìm hiểu văn bản cũng như thực thi các luật, quy định của Nhà nước. Quy trình đầu tư công, cũng như mua sắm của Chính phủ, cần được thực hiện trên cơ sở đấu thầu chặt chẽ, công khai minh bạch hơn… Đồng thời, Việt Nam cũng cần cải thiện khả năng quản lý nợ công, giảm bớt tỉ lệ nợ công/GDP, nợ Chính phủ/GDP…bảo đảm tỉ lệ an toàn cao.
Khi được nâng hạng tín nhiệm, vị thế kinh tế của Việt Nam được nâng cao. Đến lúc đó, chúng ta thu hút đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp dễ dàng, thuận lợi, các chi phí khác thấp, lợi đơn lợi kép.