Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi Thái Lan thực hiện biện pháp cần thiết để cải thiện tính minh bạch về các quy định trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến thương mại qua biên giới.
Phiên Rà soát chính sách thương mại lần thứ tám giai đoạn 2016-2020 của Thái Lan đã diễn ra trong các ngày 24-26/11 tại trụ sở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Geneva, Thụy Sĩ.
Phiên họp được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến với 44 thành viên WTO phát biểu.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva, đã nhấn mạnh đến mối quan hệ thương mại tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan, đặc biệt Thái Lan là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Việt Nam trong thập kỷ qua và đang bước vào thời kỳ phát triển với việc cùng tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bên cạnh đó, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai nhấn mạnh Việt Nam kêu gọi Thái Lan thực hiện biện pháp cần thiết để cải thiện tính minh bạch về các quy định trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến thương mại qua biên giới như thủ tục cấp phép nhập khẩu, kiểm soát chất lượng, các biện pháp hàng rào kỹ thuật (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), lưu thông trong nước một số mặt hàng cụ thể...
Ngoài ra, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng nêu rõ từ góc độ hợp tác khu vực, Việt Nam cảm ơn Thái Lan đã hợp tác chặt chẽ với Việt Nam và các quốc gia thành viên ASEAN khác cũng như năm nước đối tác trong việc kết thúc đàm phán và ký Hiệp định RCEP vào ngày 15/11 vừa qua. Đó là thông điệp mạnh mẽ về sự ủng hộ của khu vực đối với hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.
Việt Nam hy vọng rằng việc thực hiện Hiệp định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các chuỗi cung ứng ở khu vực, cũng như đóng góp vào phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Từ góc độ ASEAN, tại Phiên họp, đại diện ASEAN đã có bài phát biểu khẳng định Thái Lan là một trong những đối tác thương mại quan trọng trong ASEAN, đánh giá cao sự đóng góp tích cực của Thái Lan trong việc củng cố WTO, trong đó có việc đảm nhận vai trò Chủ tịch Đại hội đồng WTO năm 2019, đưa ra hoặc tham gia các sáng kiến, đề xuất nhằm thúc đẩy việc đàm phán và xây dựng các quy tắc mới trong những lĩnh vực thương mại mới.
Đại diện ASEAN cũng nhấn mạnh rằng Thái Lan cùng với các nước thành viên khác của ASEAN tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, không phân biệt đối xử, minh bạch, cởi mở và chia sẻ.
Trong Phiên Rà soát này, Thái Lan đã nhận được gần 600 câu hỏi từ 29 thành viên WTO, điều này cho thấy các thành viên WTO rất quan tâm đến các quy định, chính sách thương mại của nước này.
Tại phiên họp, phần lớn các thành viên WTO đều đánh giá cao tình hình kinh tế của Thái Lan trong giai đoạn rà soát, với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm là 3,4% từ năm 2015 đến 2019. Tuy nhiên, các ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về suy thoái kinh tế của Thái Lan từ năm 2019, và những khó khăn bất thường do đại dịch Covid-19 trong năm 2020.
Các thành viên đã đề cập đến chương trình hội nhập kinh tế của Thái Lan trong ASEAN và với các đối tác kinh tế khác thông qua việc ký kết các hiệp định thương mại khu vực.
Thái Lan là một trong những thành viên có vai trò tích cực trong thương mại toàn cầu, đã và đang tích cực đóng góp, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ mà WTO là trụ cột, cũng như các diễn đàn và khuôn khổ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư khác như ASEAN và APEC. Tại phiên họp, Thái Lan cũng thông báo về việc nước này sẽ là nước chủ nhà APEC năm 2022.
Bên cạnh các khía cạnh tích cực, tại Phiên Rà soát, nhiều thành viên cũng chỉ ra rằng Thái Lan vẫn áp dụng các hàng rào thương mại thuế quan thông qua việc áp dụng mức thuế cao, duy trì một biểu thuế khá phức tạp, áp dụng giấy phép nhập khẩu và các yêu cầu khác đối với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu.
Một số ý kiến cũng chỉ ra sự thiếu minh bạch của Thái Lan trong việc áp dụng các biện pháp các biện pháp TBT, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS) cũng như sự thông báo chưa đầy đủ về các chương trình trợ cấp nội địa trong lĩnh vực nông nghiệp. Chính vì vậy, nhiều ý kiến kêu gọi Chính phủ Thái Lan cần tiếp tục thúc đẩy hơn nữa việc cải tổ trong lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực SPS.
Phiên họp này là cơ hội để các thành viên WTO xem xét một cách chi tiết và toàn diện các chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư của Thái Lan trong khoảng thời gian năm năm vừa qua.