Ngày 23/8, tại Trụ sở Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội thúc đẩy sáng chế Hàn Quốc (Kipa) với Quỹ hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec).
Toàn cảnh lễ ký kết.
Theo đó Quỹ Vifotec sẽ là đơn vị đầu mối của Việt Nam tham gia Triển lãm quốc tế về sáng tạo khoa học công nghệ Seoul – Hàn Quốc (Siif). Các thủ tục đăng ký tham gia Triển lãm quốc tế Siif sẽ được thực hiện thông qua Vifotec. Kipa sẽ hỗ trợ Vifotec trong việc quảng bá, hỗ trợ các tác giả của phía Việt Nam.
“Vifotec sẽ hướng dẫn các tác giả đăng ký tham gia triển lãm, quảng bá các tài liệu về triển lãm như tờ rơi, tập quảng cáo, áp phích. Đồng thời sẽ nhận đơn đăng ký tham gia từ phía Việt Nam cũng như thành lập đoàn đi tham gia tại Seoul - Hàn Quốc” - Chủ tịch Vusta GS TSKH Đặng Vũ Minh cho biết.
Tại lễ ký kết, chủ tịch của Hiệp hội thúc đẩy sáng chế Kipa – TS Lee Joon Soek đã có bài diễn thuyết với các nhà khoa học của Việt Nam về chủ đề “Quản lý và hỗ trợ sở hữu trí tuệ”.
Theo ông Lee Joon Soek, thế giới đang bước vào Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là công nghiệp 4.0 trong đó trọng tâm là cách mạng Internet kết nối sản phẩm, thiết bị với con người.
Sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 khiến một số ngành nghề được thay thế bởi trí tuệ nhân tạo như điện thoại viên, nhân viên thu thuế, trọng tài thể thao…
Ở Hàn Quốc ước tính có khoảng 30.000 việc làm sẽ biến mất. Tuy nhiên, trong thời đại công nghiệp 4.0 cũng có rất nhiều việc làm được tạo ra từ nền tảng sở hữu trí tuệ như ý tưởng sáng tạo, thiết kế, thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ khác biệt…
Chính vì vậy, việc quản lý sở hữu trí tuệ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thông qua quản lý sở hữu trí tuệ để tăng năng lực cạnh tranh và đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho doanh nghiệp.
Trong đó trọng tâm là đưa các hoạt động sở hữu trí tuệ vào trong các của doanh nghiệp.