Ngay sau khi kết thúc Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lên đường thăm Nhật Bản. Chuyến thăm diễn ra trong 4 ngày từ 22 đến 25/11 được kỳ vọng sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt-Nhật - một mối quan hệ đang phát triển rất vững chắc và thực chất hơn bao giờ hết.
1. Trả lời báo giới trước chuyến thăm, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam nhấn mạnh: “Hai năm qua, giao lưu chính trị cấp cao hai nước vẫn được duy trì một cách phù hợp nhằm thiết lập và tăng cường quan hệ mật thiết giữa lãnh đạo mới của hai nước. Chỉ hơn một năm sau chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào tháng 10/2020, Thủ tướng Suga Yoshihide đã chọn Việt Nam làm điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Và chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhằm duy trì một nét rất riêng, nổi bật của hai nước đó là quan hệ mật thiết của các nhà lãnh đạo Nhật Bản với lãnh đạo Việt Nam xuyên suốt qua các thời kỳ”.
Điều đặc biệt mà Đại sứ Vũ Hồng Nam chia sẻ là “mặc dù Thủ tướng Kishida Fumio rất bận rộn trong những ngày đầu tiên nhậm chức, nhưng ông đã quyết định đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, là chính khách nước ngoài đầu tiên thăm Nhật Bản trong nhiệm kỳ của mình”. Điều đó cho thấy sự nồng ấm trong quan hệ hai nước.
Trong thời gian chuyến thăm, ngày 24/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio; hội kiến với Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản; gặp Chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản, Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, các cựu lãnh đạo Nhật Bản, lãnh đạo địa phương của Nhật Bản. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng dự và phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, chứng kiến việc ký kết văn kiện hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản tại hội nghị; đối thoại với Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren); tiếp lãnh đạo Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và các doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành thời gian thăm tỉnh Tochigi; tiếp Thống đốc tỉnh Tochigi Fukuda Tomikazu và giới kinh tế, tổ chức hữu nghị của tỉnh; thăm cơ sở kinh tế, văn hóa tỉnh Tochigi; dự diễn đàn kinh tế Việt Nam - Tochigi.
2. Trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản ngay khi tới Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vinh dự đến thăm Nhật Bản trên cương vị Thủ tướng và là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức lần này.
Nhắc lại mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử và những duyên nợ với nhau; để đến hôm nay, Việt Nam và Nhật Bản là những người bạn, đối tác thân thiết, tin cậy của nhau trên nhiều lĩnh vực.
Quả có như vậy, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về vốn ODA, thứ hai về đầu tư, thứ ba về du lịch và thứ tư về thương mại. Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản khi tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài. Nhiều công trình sử dụng vốn ODA và các dự án đầu tư của Nhật Bản đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Hai nước có trao đổi, hợp tác trên các lĩnh vực về lao động, nông nghiệp, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu... “Nhật Bản và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về những giá trị văn hóa. Chính vì vậy, giao lưu nhân dân phát triển vượt bậc, là cầu nối hữu nghị làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và tình cảm chân thành giữa nhân dân hai nước, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển quan hệ song phương bền vững”, Thủ tướng nói.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra 6 lĩnh vực nhằm tăng cường hợp tác song phương giữa hai nước nổi bật, trong đó là: Tiếp tục tập trung vào trụ cột hợp tác kinh tế trong đại dịch Covid-19; trước hết là trong lĩnh vực thương mại song phương, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa hai nước vào thị trường của nhau, qua đó thúc đẩy khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân hai nước trong bối cảnh hiện nay. Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn hai bên tăng cường hợp tác về y tế giữa các bệnh viện lớn của hai nước; hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; hợp tác về văn hóa- du lịch; an ninh - quốc phòng; Chia sẻ, hợp tác chặt chẽ về các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
3. Có thể nói, chuyến thăm của Thủ tướng không chỉ là chuyến thăm giữa những đối tác mà đó là chuyến thăm của một người bạn thân tới nhà một người bạn thân. Nói như Thủ tướng, “tôi đã từng làm Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; và cũng đã nhiều lần đến thăm, làm việc với đất nước Nhật Bản tươi đẹp, mến khách của các bạn” và “nhân dân Việt Nam luôn dành tình cảm, sự trân trọng, quý mến và tin cậy lớn dành cho đất nước và con người Nhật Bản. Tôi tin tưởng rằng với sự nỗ lực, đồng lòng, sự tin cậy cao của cả hai bên, Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục đà phát triển tốt đẹp của mối quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á”, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”, Thủ tướng chia sẻ với báo giới Nhật Bản.
Những chia sẻ thật chân thành ấy càng làm rõ hơn sự nhất quán trong vun đắp quan hệ song phương từ nhiều năm qua và dù trải qua biết bao thăng trầm thì tình cảm bạn bè ấy vẫn luôn là chất xúc tác để hai dân tộc và nhân dân hai nước gắn bó với nhau; đặc biệt trong những thời khắc gian khó. Giao lưu nhân dân giữa hai nước phát triển vượt bậc chính là cầu nối hữu nghị làm sâu sắc hơn sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và tình cảm chân thành giữa nhân dân hai nước, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển quan hệ song phương bền vững. Cộng đồng người Việt Nam hiện lớn thứ hai tại Nhật Bản với hơn 450.000 người cũng là một chất “xúc tác” quan trọng cho giao lưu nhân dân, cho sự khăng khít về tình cảm giữa hai đất nước.
4. Ngay sau khi trở về Việt Nam, nhận lời mời Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hunsen, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 13 (ASEM 13) theo hình thức trực tuyến. Thủ tướng sẽ dự và phát biểu tại phiên toàn thể và phiên họp kín vào ngày 26/11.
Loạt hoạt động đối ngoại của Thủ tướng trong tháng 11 cho thấy nỗ lực của chúng ta trong thúc đẩy quan hệ đối ngoại với các đối tác lớn. Đó cũng là cách chúng ta đóng góp vào tầm nhìn chung của thế giới và cho thấy chúng ta luôn luôn thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong khu vực cũng như trên thế giới.