Ngày 19/9 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các đối tác phát triển tổ chức Diễn đàn thường niên lần thứ hai về Cải cách và Phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng - Ưu tiên và hành động”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%. Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều DN, nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011- 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP. Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nhất là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số... và đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế đang đón nhận làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, với sự xuất hiện của nhiều công nghệ hiện đại đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và DN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại.
TS. Jan Rielaender, Trưởng Bộ phận Đánh giá quốc gia đa chiều (MDCR) của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nêu quan điểm, các khu vực khác nhau ở Việt Nam có chênh lệch lớn về tốc độ phát triển và Việt Nam cần có giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất để khắc phục tình trạng này. Giá trị GDP của Việt Nam đạt ở mức trung bình, nhưng Việt Nam đạt kết quả tốt về phát triển hạ tầng, nhà cửa, giáo dục và chăm sóc y tế.
“Tuy nhiên, vấn đề việc làm hay ô nhiễm môi trường do tăng trưởng nhanh gây ra đang là thách thức đáng kể đối với nền kinh tế. Biến đổi khí hậu ngày càng trở thành vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải có kế hoạch phát triển gắn với giảm thiểu tác động môi trường, đặc biệt ở các thành phố lớn. Về mặt thể chế, Việt Nam cần cải thiện tính minh bạch và khả đoán trong việc thực thi pháp luật, để DN nắm bắt thị trường và vận hành đúng theo quy định pháp luật” - TS. Jan Rielaender nhấn mạnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực phát triển, hội nhập thành công vào thế giới. Giai đoạn này, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là có chính sách hợp lý để phát triển; tích cực phòng, chống tham nhũng lợi ích nhóm... Do đó, Việt Nam học hỏi có chọn lọc các mô hình thành công của quốc tế.
Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam có niềm tin vào thành công, có khát vọng phát triển mạnh mẽ cùng với những kinh nghiệm quý báu được quốc tế hỗ trợ; không chỉ hỗ trợ về tài chính mà cả tư vấn chính sách, kinh nghiệm phát triển cũng hết sức quan trọng. Thủ tướng đánh giá cao sự tích cực, trách nhiệm của các lãnh đạo WB trong hợp tác với Việt Nam. Thủ tướng mong qua Diễn đàn này, WB và cộng đồng quốc tế sẽ đóng góp ý kiến, tư vấn chính sách cho Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, đó là tiền đề quan trọng cho phát triển giai đoạn tới.