Đó là ý kiến của Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tại phiên khai mạc “Diễn đàn cải cách phá sản tại châu Á lần thứ 10” diễn ra sáng nay 21/11, tại Hà Nội.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, thời gian gần đây, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng được tăng cường hơn. Việt Nam hiện đã là thành viên của WTO, Cộng đồng kinh tế ASEAN, Diễn đàn hợp tác Á-Âu và nhiều định chế quốc tế khác.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thế giới cũng như ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam; do vậy, cần thiết phải xây dựng thể chế pháp luật và cơ chế thực thi hiệu quả để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế, xã hội.
Đồng thời, Việt Nam đã có những bước đi thích hợp để hiện thực hóa các mục tiêu trên với việc sửa đổi và ban hành nhiều luật, trong đó ưu tiên việc cải cách thủ tục xử lý phá sản theo hướng thuận lợi hơn, hiệu quả hơn.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn.
Diễn đàn cải cách phá sản tại Châu Á (FAIR) được hình thành với mục tiêu duy trì và thúc đẩy đối thoại chính sách về cải cách phá sản giữa các nhà hoạch định chính sách của các nước trong khu vực và theo dõi, đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc cải cách phá sản ở các nền kinh tế trong khu vực.
FAIR là nơi gặp gỡ, trao đổi, chia sẽ thông tin giữa các nhà hoạch định chính sách, lập pháp, cơ quan tư pháp, học giả trong lĩnh vực phá sản, những người hành nghề phá sản và đại diện của khu vực kinh tế tư nhân nhằm giúp các nước chia sẻ những bài học kinh nghiệm tốt phúc vụ cho việc cải cách phá sản ở các quốc gia.
“FAIR 10 do Việt Nam đăng cai tổ chức thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước Việt Nam đối với vấn đề cải cách phá sản và mong muốn học hỏi được kinh nghiệm từ các nước khác trong khu vực nhằm tiếp tục tiến trình cải cách trong lĩnh vực này”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.
Toàn cảnh Diễn đàn cải cách phá sản tại châu Á lần thứ 10.
Tại phiên khai mạc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: “Diễn đàn lần này được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam mới ban hành Luật phá sản mới năm 2014, trong đó có nhiều điểm tiến bộ được cộng đồng quốc tế ghi nhận và có thể chia sẻ với các nước về những thành tự đạt được từ cải cách đó, đồng thời tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, thực tiễn quốc tế để hoàn thiện pháp luật về phá sản tại Việt Nam”.
Diễn đàn năm nay thu hút sự quan tâm của 107 đại biểu quốc tế tới từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ, các chuyên gia quốc tế của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế cùng hơn 40 đại biểu là đại diện của Tòa án, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, một số ngân hàng thương mại và doanh nghiệp lớn của Việt Nam.
Trong khuôn khổ FAIR 10, các đại biểu sẽ trao đổi, thảo luận về 9 chủ đề nhỏ gồm: Cập nhật thông tin của các nước-vai trò của luật phá sản trong khu vực; Quản tài viên xây dựng thể chế để thực thi pháp luật; Sự phát triển của luật phá sản và những vấn đề mới; Sự phát triển của hệ thống phá sản tiêu dùng, phá sản doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á; Sự phát triển của việc tái cấu trúc trong khu vực châu Á; Sự phát triển của cơ chế xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán ngoài tòa án; Công ty quản lý tài sản; Phát triển trong lĩnh vực tư pháp-Hợp tác cùng các tòa án khác; Phát triển tư pháp-Sự phát triển về năng lực tư pháp.
Diễn đàn sẽ kết thúc vào ngày mai 22/11.