Nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đến từ Mỹ và châu Âu rất quan tâm đến môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi. Dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song các tập đoàn đa quốc gia vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư, tăng các đơn hàng sản xuất tại Việt Nam.
Xóa tan các nghi ngờ
Bên lề Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Giám đốc phát triển bền vững Nobel Kinder của Tập đoàn Nike đã thông báo toàn bộ gần 200 nhà máy cung cấp hàng cho Nike ở các địa phương bị đứt gãy do Covid-19 đã quay lại sản xuất. Theo đó, Nike cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng tại Việt Nam.
Điều này khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam cũng như xóa tan thông tin về việc Nike chuyển sản xuất khỏi Việt Nam để sang Trung Quốc và Indonesisa.
Còn tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp (DN) Á- Âu tại Việt Nam năm 2021, đại diện Tập đoàn LG tại Việt Nam cũng khẳng định tiếp tục mở rộng đầu tư tại đây. Đại diện LG cho biết, 2 năm qua là thời gian khó khăn với cả Việt Nam cũng như các nước trên thế giới do dịch Covid-19 bùng phát.
Cũng trong thời gian này, dồn dập các thông tin đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài. Chiều 2/11, lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã có buổi gặp với đoàn công tác Đại sứ quán Đan Mạch về dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn Orsted. Dự án do tập đoàn này đề xuất nghiên cứu, khảo sát có tổng công suất là 3.900 MW, chia làm 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư ước tính 11,9-13,6 tỷ USD.
Thực tế cho thấy, trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, có ý kiến lo ngại các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời khỏi Việt Nam nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã phủ nhận điều này. Việc các tập đoàn đa quốc gia quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam là minh chứng sống động nhất cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn.
Thu hút nguồn vốn chất lượng cao
Dưới góc độ nhà đầu tư, Tổng Giám đốc Công ty Schaeffler Việt Nam (chi nhánh của Tập đoàn Schaeffler có 75 nhà máy trên toàn cầu), ông Nguyễn Xuân Thắng nhìn nhận những lợi thế đầu tư của Việt Nam là suất đầu tư thấp, nguồn nhân lực dồi dào... Công ty Schaeffer mong muốn có thể xây dựng được chuỗi cung ứng cho ngành sản xuất vòng bi ở Việt Nam. Vì vậy, thời gian qua, DN này luôn tìm kiếm những công ty sản xuất cơ khí trong nước.
“Tôi thấy các công ty ở Việt Nam đã có năng lực, trình độ kỹ thuật, song cần gia tăng kết nối để họ hiểu hơn về yêu cầu kỹ thuật, thời gian giao hàng, cách quản trị trong sản xuất để hai bên có thể làm việc với nhau”- ông Thắng nói.
Ông Phạm Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, dòng vốn FDI quốc tế dự kiến sẽ phục hồi lại mức như trước Covid-19, trước tác động bởi xu hướng tái cấu trúc các chuỗi giá trị toàn cầu và nhu cầu đa dạng hóa các nguồn đầu vào sản xuất của nhiều chính phủ và công ty đa quốc gia. Nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và sẽ có tăng trưởng nhẹ vào cuối năm 2021 nhờ những giải pháp quyết liệt của Chính phủ Việt Nam gần đây về phòng, chống dịch và phục hồi sản xuất, hỗ trợ các DN vượt khó và tăng vốn mở rộng sản xuất của một số dự án FDI có quy mô lớn.
Định hướng phát triển trong thời gian tới là hoàn thiện cơ chế chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài, hợp tác thu hút FDI trên cơ sở cân bằng, đảm bảo quyền lợi của hai bên. Tiếp tục thu hút các dự án có quy mô lớn, có công nghệ hiện đại. Tiếp tục phát triển mạnh, thực chất công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Bởi khi công nghiệp phụ trợ phát triển, sẽ giúp các DN Việt Nam kết nối được vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, nâng cao được giá trị sản xuất.
Giới chuyên gia cũng cho rằng để tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp để hút vốn ngoại. Như vậy mới không bỏ lỡ các cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, đối với các địa phương đã phát triển đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, cần chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.
Đại diện Tổng cục Thống kê phân tích, các địa phương cần rà soát lại việc sử dụng FDI hiện tại, cơ cấu lại cho hợp lý; Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên DN công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực mà DN trong nước đủ năng lực về công nghệ. Đối với DN trong nước, cần nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ người lao động để đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng nhà đầu tư ghi nhận các chủ trương, cam kết mạnh mẽ của Chính phủ và tin tưởng vào tiềm năng trung và dài hạn. Nhưng quan trọng, khâu thực thi phải thực hiện tốt như triển khai hỗ trợ an sinh xã hội nhanh chóng, giảm thiểu các thủ tục không cần thiết, bảo đảm việc làm, duy trì chuỗi cung ứng hiệu quả…sẽ giúp tăng cường lòng tin không chỉ DN FDI mà cộng đồng DN nói chung.
Tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ưu đãi đầu tư đặc biệt cũng đưa ra những chính sách thiết thực như: DN đầu tư dự án lớn tại Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi đặc biệt như: miễn thuế thu nhập DN trong 6 năm đầu tiên và giảm 50% trong 13 năm tiếp theo; miễn tiền thuê đất trong 23 năm… nếu đáp ứng được một số điều kiện.