Viết nhiều đọc nhiều

Phạm Dũng 28/12/2015 13:30

Sinh thời, Lênin đã có câu nói nổi tiếng về vai trò của sách đối với sự nghiệp cách mạng: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Và cũng chính câu nói này cho thấy rõ, trong quan niệm của Lênin, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản chính là sự kết tinh và kế thừa những tinh hoa tư tưởng xuất sắc nhất của nhân loại, chứ không phải là điều tự nhiên mà có ở chốn đồng không. Sách - đó là kho tàng trí tuệ, là “người bạn đường củ

Viết nhiều đọc nhiều

V.I.Lênin.

Tác giả bài viết này có may mắn được du học tới 6 năm tại Ulianovsk, thành phố từng mang cái tên Simbirsk, quê hương của Lênin. Và tôi đã không chỉ một lần tới thăm viện bảo tàng tưởng niệm vị lãnh tụ vĩ đại, vào cả ngôi nhà mà gia đình Ulianov từng ở hơn một trăm năm trước. Theo lời kể của những cán bộ trông coi bảo tàng, mọi thứ ở đây đã được phục chế gần y nguyên như cũ. Tôi đã để ý thấy rằng, trong ngôi nhà không hề có dấu vết xa hoa của gia đình lãnh tụ, những chỗ trang trọng nhất đều được dành cho việc kê tủ sách. Ngay ở thế kỷ XIX, gia đình trí thức Nga này đã rất chú trọng đến việc trau dồi tri thức thông qua sách báo. Thân phụ của nhà lãnh tụ tương lai, cụ Ilia Nikolayevich Ulianov, hành nghề sư phạm nhưng không hạn chế mình trong lĩnh vực này mà có thiên hướng không ngừng mở rộng tầm hiểu biết của mình. Cụ cũng là người rất ham đọc sách, theo dõi thường xuyên đời sống văn học nghệ thuật ở nước Nga và châu Âu. Cụ còn có thú vui quan sát và ghi chép lại những biến đổi thời tiết để từ đó đúc kết những nhận xét thú vị. Cụ không chỉ đặt yêu cầu cao về tri thức đối với các học sinh mà với cả những giáo viên làm việc dưới quyền cụ. Thân mẫu của Lênin cũng rất ham hiểu biết. Tình yêu tri thức của hai cụ đã truyền lại được cho mọi người con. Vova (tên gọi Lênin hồi nhỏ) bắt đầu biết đọc từ lúc lên 5 tuổi và rất say mê những cuốn tạp chí và sách thiếu nhi mà người cha thường xuyên nhận được. Có thể nói sách báo đã là đồ chơi chủ yếu của Vova. Tuy nhiên, thời thơ ấu, Vova không quá yêu thích cuốn sách nào cả. Chỉ đến khi đến độ tuổi trưởng thành, Người mới chú tâm tới các cuốn sách giàu suy tư và ý tưởng của những nhà cách mạng dân chủ Nga. Đặc biệt. Lênin rất kính trọng Nikolai Tsernyshevsky (1828-1889), tác giả của bộ tiểu thuyết “Làm gì?” nổi tiếng mà về sau, chính Lênin đã lấy lại nhan đề này cho cuốn sách chính luận xuất sắc của mình. Với bút danh N. Lênin, cuốn sách này đã được xuất bản năm 1901 tại một nhà xuất bản ở Stuttgart và ngay lập tức được giới cách mạng Dân chủ Nga đánh giá cao. Trước năm 1917, Người còn sử dụng nhiều bút danh khác nhưng tất cả chủ yếu biết tới Người qua cái họ Lênin gắn trên sách “Làm gì?” Trong tập album chân dung các nhà cách mạng mà Người luôn mang theo mình, ngay cả khi bị đi đày, có hai bức hình của N.Tsernyshevsky (bên cạnh chân dung của nhà văn Pháp Emile Zola, nhà cáhc mạng Nga Gertsen...) Đối với Lênin, cũng như nhiều đồng chí cùng thế hệ, N. Tsernyshevky là biểu tượng của một hệ tư tưởng mới, một nếp tư duy mới, rất xứng đáng làm tấm gương cho những người cách mạng: sống không bao giờ là hưởng thụ cá nhân mà là để dâng hiến đời mình cho sự nghiệp cứu khổ cứu nạn quần chúng.

Đọc sách luôn là nhu cầu thường xuyên đối với Lênin. Mặc dầu Người có lần từng nói “làm cách mạng thú vị hơn là nghiên cứu nó” nhưng càng trong những thời điểm gay cấn nhất của cuộc đời hoạt động cách mạng, Người lại càng đọc sách và viết sách nhiều hơn. Là một nhà chiến lược đích thực, Lênin không chỉ đọc những tác phẩm của các tác giả mà mình kính trọng mà còn rất chăm chú nghiên cứu cả sách của các đối thủ tư tưởng. Không biết địch, không biết mình thì làm sao chiến đấu và giành chiến thắng được. Khi đọc, Người hay đánh dấu vào những câu, những đoạn cần chú ý và suy ngẫm.

Để làm việc, Lênin lúc nào cũng cần rất nhiều sách. Tự tay Người đã lập ra bản danh sách đặt mua những cuốn sách tham khảo mà Người hay sử dụng nhất: những bộ từ điển bách khoa các lần in khác nhau, trước tác của K. Marx và F. Engels in bằng tiếng Nga và tiếng Đức, các tác phẩm của các nhà cách mạng Dân chủ Nga... Biết được nguồn tài chính eo hẹp của gia đình Lênin, có lần cán bộ quản trị của Trung ương thanh toán tiền mua sách cho Lênin bằng ngân sách của chính phủ. Lập tức sau đó, bị ốm nằm nhà, đồng chí này nhận được giấy của Lênin viết, có đoạn: “Sách tôi mua tôi tự thanh toán. Yêu cầu đồng chí sau khi khỏi ốm tới nhận tiền và cho giấy biên nhận”. Nói chung Lênin không bao giờ thích nhận những chế độ ưu đãi tốt hơn các đồng chí lãnh đạo khác...

Viết nhiều đọc nhiều - 1

V.I.Lênin.

Lênin rất hay đọc đi đọc lại các bộ từ điển tiếng Nga –trau dồi ngôn ngữ là một nhu cầu thường xuyên của Người. Khác với định kiến sai lầm cho rằng, Lênin chỉ thích đọc những sách chính luận, chứ không bao giờ đọc thơ hay tiểu thuyết, trong tủ sách đặt tại phòng làm việc của Lênin trong Điện Kremli luôn có các tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ lớn của nước Nga như Dostoyevsky, Gogol, Goncharov, Lermontov, Necrasov, Liev Tolstoi, Turgueniev, Puskin... Và Người thường xuyên sử dụng chúng. Lênin đặc biệt thích thơ Puskin. Và không chỉ thích tính nghệ thuật trong thơ mà cả những cảm xúc nhân văn tràn trề ở đó. Chính Lênin là người đã viết nên bài báo hay về văn hào Liev Tolstoi khi ông qua đời và đánh giá, Liev Tolstoi chính là “tấm gương phản chiếu cách mạng Nga”. Một nhận xét chí lý!

Khi bị đi đầy ở Siberi, Lênin đã mang theo mình cả thơ của Goethe và Haine bằng tiếng Đức. Sang Paris, Người hay đọc bài thơ “Chatiments” của Victor Hugo bằng tiếng Pháp – bài thơ này đã được văn hào Pháp viết ở Bỉ, để tưởng niệm cuộc cách mạng năm 48, trong thời gian ông buộc phải sống tha hương để tránh những đòn thù của bọn phản động...

Đọc sách kỹ lưỡng nên Lênin rất khó chịu với những lỗi tipô trong các ấn phẩm. Và Người luôn nhắc nhở những người làm sách, làm báo cách mạng phải nhớ tới vai trò quan trọng của người sửa bản in. Trong thư gửi hai người chị gái M.A. Ulianova và A.I. Uianova - Elizarova) ngày 22-11-1898, lúc đó đang tham gia làm báo Đảng, Lênin nhấn mạnh: “Tuyệt đối cần có một người chữa bản in có đủ học thức và được trả công – phải đặt điều này thành điều kiện không thể thiếu được , và chính em cũng sẵn sàng đồng ý trả cho một người sửa bản in như thế một khoản thù lao gấp đôi do tác giả không thể tự chữa bản in được...”

Theo hồi ký của Nadezhda Krupskaia, người bạn đời chung thủy của Lênin, những tháng cuối cùng trước khi Người mất, bà đã đọc cho Người nghe sách của Shedrin, “Những trường đại học của tôi’” của Gorky và thơ, đặc biệt là thơ của nhà thơ vô sản Demian Bednyi. Khi nghe thơ, Lênin thường nhìn ra cửa sổ, lên vầng mặt trời đang chói lọi trên cao... Lúc Người ra đi vào cõi vĩnh hằng, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết, Người vẫn còn nghe đọc những lời trích từ tác phẩm tuyệt diệu của Jack London “Tình yêu cuộc sống”.

Không chỉ ham đọc sách mà suốt cả đời mình, Lênin còn viết tới hàng trăm cuốn sách lớn nhỏ, hàng nghìn bài bado và thư, từng trình bày vô số những bản báo cáo và phát biểu tại các đại hội và hội nghị đảng. Trước Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, sách và các bài bado của Lênin chủ yếu phải xuất bản bí mật. Thế nhưng, theo những con số thống kê còn có thể chưa đầy đủ được công bố trong bộ Bách khoa Toàn thư Xôviết, ngay ở giai đoạn đó, các tác phẩm của Lênin cũng đã được in tới 212 lần với tổng số lượng phát hành khoảng 594 nghìn bản. Đó cũng là một con số khổng lồ so với thời ấy. Không tình cờ mà tới khi phong trào cách mạng bắt đầu trào dậy ở đế chế Nga, danh tiếng của Ulianov - Lênin đã được biết tới rộng rãi không chỉ trong các tầng lớp nông dân và công nhân Nga mà ngay cả trong giới quý tộc.

Cuốn sách đầu tiên của Lênin là "Những người bạn dân là ai và vì sao họ chống lại những người Xã hội - Dân chủ?" Cuốn sách này được in năm 1894. Từ đó trở đi không có năm nào vị lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới không cho ra đời những tác phẩm mới. Trong giai đoạn đầu, sách tuyên truyền của Người thường được in không ghi tên tác giả.

Năm 1902, Lênin đã mượn nhan đề cuốn tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng Nikolai Chernyshevsky "Làm gì?" để đặt cho tác phẩm chính luận mới của mình. Kèm theo ngay tên sách này là dòng tít phụ: "Những vấn đề nhức nhối của phong trào chúng ta". Các nhà sử học đã nhận định rằng, tác phẩm trên của Lênin đã tác động tới nhận thức của quần chúng không kém gì bộ "Tư bản" của Karl Marx. Sách được dịch in ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới và thúc đẩy hàng trăm nghìn người đi vào con đường làm cách mạng. Có một sự việc thú vị: chính tổng thống Mỹ thứ 43 George Bush đã nhắc tới tác phẩm "Làm gì?" của Lênin trong một bài phát biểu năm 2006 (!)

Trước Cách mạng Tháng Mười những người cánh tả ở Nga cũng đã rất cố gắng để công bố các tác phẩm của Lênin một cách hợp pháp nhưng chỉ in được những cuốn "hiền lành" nhất. Thí dụ như tác phẩm "Những phác thảo kinh tế và các bài báo". Và cũng chỉ không lâu sau khi sách được phát hành thì chính quyền Sa hoàng đã ra ngay lệnh cấm. Cơ quan an ninh Sa hoàng đã tịch thu và tiêu huỷ sách.

Gần 60 bài báo của Lênin đã được in trên tờ Tia lửa. 70 bài in trên báo Tiến lên, 90 bài trên báo Người vô sản, 20 bài trên báo Ngôi sao mới, 90 bài in trên ấn phẩm Xã hội – Dân chủ. Tờ Pravda in nhiều bài nhất của Lênin: hơn 280 bài… Lần đầu tiên Lênin in bài báo kèm tên tác giả là vào năm 1901, trong tạp chí Hừng đông…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Viết nhiều đọc nhiều