Đầu tư vào nông nghiệp được coi là sự dũng cảm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có 28 doanh nghiệp tại 22 tỉnh, thành phố tham gia thực hiện 31 dự án nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Chú trọng thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Nỗi lo lớn nhất của nông nghiệp thời gian tới không đơn giản là câu chuyện cạnh tranh về giá mà chính là ở câu chuyện sạch hay không sạch. Theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, người tiêu dùng hiện nay rất quan tâm đến an toàn thực phẩm, khi có sự cố về an toàn thực phẩm thì cần thiết phải truy xuất đến từng nguồn gốc nơi sản xuất.
Từ những năm 2014 Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ NN&PTNT, cùng các ngân hàng thương mại tổ chức chương trình thí điểm cho vay hỗ trợ của ngành ngân hàng trong mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân hướng vào hai nội dung: giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm sản xuất liên kết, thông qua việc cho vay lãi suất phù hợp (thấp hơn lãi suất thị trường); tháo gỡ vướng mắc về tài sản bảo đảm theo hướng sẽ cho vay tín chấp, nếu nông dân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng liên kết có cơ sở pháp lý và ngân hàng kiểm soát được dòng tiền tham gia vào quá trình liên kết.. Thứ trưởng Tám cho rằng, chỉ có tổ chức sản xuất theo chuỗi thì mới thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc. Vì vậy, thực ra việc cho vay theo chuỗi giá trị này không phải chỉ thúc đẩy tái cơ cấu mà còn phục vụ cho việc chỉ đạo, sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thông tin từ NHNN cho biết, chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ với một số cơ chế đặc thù như: lãi suất cho vay chương trình thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm; mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; ngân hàng có thể xem xét cho vay các thành viên tham gia liên kết không có bảo đảm bằng tài sản nếu kiểm soát được dòng tiền của chuỗi liên kết...Căn cứ đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, liên Bộ (NHNN, Bộ NN&PTNT, Bộ KH-CN) đã lựa chọn 28 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, theo đó 8 ngân hàng thương mại đã cam kết tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối liên kết, ứng dụng công nghệ cao với số tiền 5.627 tỷ đồng. Sau gần 2 năm triển khai các ngân hàng đã giải ngân cho dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương với số tiền 6.937 tỷ đồng, vượt số tiền cam kết ban đầu. Trong quá trình triển khai nhiều doanh nghiệp đã được NHNN chấp thuận tăng số vốn vay để mở rộng sản xuất.
Chờ tín hiệu vui
Điều đáng mừng là sau một số đại gia nội như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai, TH… rầm rộ rót vốn đầu tư vào nông nghiệp thì những những tập đoàn lớn, các nhà đầu tư ngoại cũng chuyển hướng đầu tư đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, viết tiếp giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao.
UBND tỉnh Kon Tum cho biết, tại thôn Tu Rằng, xã Đăk Long, huyện Kon Plông, lễ khởi công dự án chuyển giao kỹ thuật và giống cây trồng nông nghiệp công nghệ cao do Công ty KPA và Công ty 4 Ways (Australia) làm chủ đầu tư cũng đã được thực hiện.Theo đó, Dự án chuyển giao kỹ thuật và giống cây trồng nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng trên diện tích khoảng 33,8 ha sau khi hoàn thành sẽ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế để xuất khẩu, góp phần xây dựng và đưa thương hiệu rau, hoa, củ, quả của Măng Đen- Kon Plông đến với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Tại tỉnh An Giang, nhiều chương trình nông nghiệp triển khai vay theo chuỗi đã đạt kết quả tích cực. Theo khẳng định chủ tịch tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh, An Giang là vùng sản xuất cá tra lớn, khi triển khai vay theo chuỗi giải quyết được nhiều vấn đề như doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, người nông dân ký trực tiếp với doanh nghiệp, giao dịch qua tài khoản và ngân hàng kiểm soát từ đầu vào cho tới đầu ra, xuất khẩu.
Theo khẳng định của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, nền nông nghiệp hiện nay là sản xuất hàng hóa định hướng xuất khẩu và hội nhập mạnh mẽ với thị trường thế giới. Hơn nữa khi Việt Nam tiếp tục đàm phán các hiệp định tự do hóa thương mại, thì nền nông nghiệp cùng với nhiều ngành hàng khác trong nền kinh tế phải cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa nhập khẩu ngay tại thị trường trong nước để tồn tại. Tái cơ cấu toàn ngành nông nghiệp là một giải pháp thay đổi cục diện ngành nhưng tái cơ cấu nông nghiệp không phải là điều chỉnh nhỏ mà nó là một cuộc cách mạng, một sự chuyển đổi sang giai đoạn mới mà trước tiên là đổi mới trong nhận thức và cơ chế chính sách.