Bảy tuổi, khi viết những khổ thơ đầu tiên về bông hoa cánh bướm, với những chữ sớm nhuốm màu buồn, như thể tiên liệu cho việc tôi đi vào con đường văn chương sẽ gặp những sầu muộn nhiều hơn niềm vui.
Ảnh:Dũng Art.
Con đường viết mở ra với tôi như một lẽ tự nhiên. Mỗi khi viết xong một bài thơ, tôi luôn có nhu cầu cần chia sẻ.
Bài thơ ban đầu được đọc bởi bạn học, sau đó đăng tải trên các báo Nhi đồng, rồi Thiếu Niên, Hoa Học Trò, dần dà tới các báo khác như Tuổi Trẻ, Tiền Phong, Lao Động, Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân Đội… theo mỗi tuổi lớn khôn.
Sau khi xuất hiện trên các tuyển tập như Văn Mới, Vũ Điệu Thân Gày, Tuyển tập 8X… tham gia một số hội thảo văn chương do Hội Nhà Văn tổ chức với tư cách tác giả, tôi nhận thấy rõ rằng, để đi được lâu dài và bền sức, cần nhất là phải biết một mình, đứng độc lập, rời khỏi các nhóm hội, tránh mất thời gian vào những tranh cãi vô bổ.
Việc của người viết văn, là duy trì sáng tác đều đặn, cần ra mắt sách hàng năm, học hỏi chuyên sâu, nâng cao hiểu biết, trau dồi khả năng về ngữ nghĩa… để sao cho tác phẩm sau cần hay hơn tác phẩm trước.
Khi hoàn toàn một mình, người viết sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc chiều chuộng thị hiếu, hòa lẫn vào tư duy đám đông.
Viết trước hết là để cho sự phát triển năng lực bản thân, sau là cần mang lại những gì đó tốt đẹp tích cực cho bạn đọc. Tôi mang tâm niệm đó không chỉ với viết văn, mà còn cả với nghề báo.
Tôi đến với báo chí cũng tình cờ như một duyên lành đẹp. Trong chuyến bay đến TP Hồ Chí Minh, tham dự một chương trình nghệ thuật đương đại, tôi cùng đoàn với Tổng biên tập Báo Thể Thao & Văn Hóa, anh Ngô Hà Thái.
Khi ấy, anh Thái đã khuyên tôi nên theo việc viết báo để tăng thêm trải nghiệm cho viết văn, và cũng là công việc ổn định để duy trì cuộc sống thực tế hàng ngày, để nuôi dưỡng đam mê văn chương.
Nhờ được Tổng biên tập dạy làm nghề báo trực tiếp, từ cách viết một bài báo, thế nào là đặt tít, viết sapo, giới thiệu nhân vật đầu tiên tác nghiệp là Dịch giả Trần Thiện Đạo, đến ngồi sửa chữa từng chữ để tôi có một bài báo đầu tiên in trên tờ Thể Thao Văn Hóa.
Đồng thời, tôi còn được Tổng biên tập rèn luyện để trở thành phóng viên “làm điểm sáng cho tờ báo, hướng về những điều tốt đẹp”.
Sau thời gian thử việc dài, tôi chính thức trở thành phóng viên Thể Thao & Văn Hóa, được ký hợp đồng với Thông Tấn Xã, song hành làm báo với việc văn.
Có lẽ, cuộc đời tôi may mắn được gặp người giỏi, để trên một chặng nào đó, sẽ có bàn tay ấp áp nâng bước giúp và chỉ hướng cho đi.
Với mỗi bài báo, tôi đặt nhiều nhiệt tâm vào, coi đó như một sản phẩm có thể in thành sách chứ không chỉ đơn giản là đưa thông tin đơn điệu đến bạn đọc. Nếu có viết về tiêu cực, thì cũng tìm cách để giải quyết để tiêu cực đó không tồn tại.
Cũng từ cách viết này, tôi định hình được lối tư duy và cách sống, là dù gặp khó khăn đến đâu, cũng chỉ nhìn thẳng vào cái đích cần tới, trong bóng tối, chỉ cần tập trung vào đốm sáng dù nhỏ nhoi nhất.
Nhờ thế, tôi đi qua được mọi đau khổ cần phải trải qua trong đời, và vẫn viết được đều đặn, cả báo chí lẫn văn chương.
Hà Nội là nơi mang lại cho người viết nhiều cảm xúc. Không gian phố gợi nên những thâm trầm.
Ánh đèn vàng dưới làn mưa bụi bay, một đóa hoa sữa, hoa sưa mới nở thơm một góc phố đêm, hay một tối nào đó, đi qua cổng một ngôi chùa, nghe thơm ngọt mùi hoàng lan, dạ lan… quá đủ để tâm hồn nghệ sĩ trào dâng niềm hoan lạc để phấn chấn ngồi vào bàn viết.
Hà Nội, nơi dễ gặp tình người, sự quan tâm đến nhau lặng lẽ mà khiêm nhường, giúp người viết thấy yên tâm được sống giữa yêu thương, không phải lo lắng quá nhiều đến vật chất bởi tinh thần cũng cho sống đủ.
Nhưng sự thăng hoa về tinh thần, đến một khúc ngoặt đột ngột nào đó, bỗng nhiên bị hụt chân, khi những ảo tưởng về viết cứ đầy ắp dần, cho tới lúc chỉ biết lửng lơ trong bao ảo giác.
Đó cũng là lúc, tôi rời quê hương với bao chứa chan hoài cảm, những khuôn mặt bạn hữu thân thương, để đến với Sài Gòn - nơi tôi tự nhủ đã tới là phải tồn tại được và đừng nghĩ đến chuyện đào thoát để quay về.
Tôi đến với Sài Gòn, mang theo cả gia đình mình, với hai con thơ và mẹ đang bệnh.
Đó là miền đất tôi chỉ ghé qua trên chặng đường công tác, sự tiếp xúc với con người nơi đây như gió thoảng, không biết địa điểm nào rõ ràng, đường phố lướt qua mắt tôi chẳng để dấu ấn gì rõ rệt, nơi không có mối quan hệ thân thiết nào, cũng chẳng có ai quen bên cạnh để bắt đầu.
Dù thế, tôi buộc mình phải xây dựng mọi thứ từ đầu, trên nền tảng của đổ vỡ và hoàn toàn thay đổi công việc.
Tháng đầu tiên khi lưu trú tại đây, tôi mang cảm giác nặng nề tuyệt vọng, chỉ có thể ngồi một mình khóc trong góc tối, và sụt liền gần chục ký.
Trước bao thực tại tăm tối dồn dập đổ về, tôi hiểu, đây mới thực sự là thử thách lớn nhất của cuộc đời, nếu không thể vượt qua, tôi phải trả giá bằng sinh mệnh mình. Và không chỉ thế, còn mẹ và các con của tôi bên cạnh.
Tôi mất đến gần hai năm để làm quen với nhịp sống ồn ào xoay quanh tiền bạc vật chất ở Sài Gòn, quen với tính thực tế thiếu cảm xúc của những người xung quanh, luyện tập hàng ngày để rèn luyện để tinh thần một mạnh mẽ.
Gạt bỏ đi mọi suy nghĩ tiêu cực, tôi buộc mình phải gieo từng mầm hạt hi vọng, chăm chút để phát triển thành mầm non.
Dù trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn không ngừng viết. Viết với tôi là hơi thở, là nơi tôi có thể trốn mình nương náu, càng đi sâu vào trang tiểu thuyết, tôi lại tìm được các câu trả lời cho hiện tại bi thương của mình.
Viết giúp tôi nhìn nhận lại vấn đề, làm tôi trở nên bình tĩnh để sáng suốt giải quyết từng việc một.
Sau hai năm, cuốn tiểu thuyết “Yêu trên đỉnh Kilimanjaro” được xuất bản. Khi thấy mình đã đi vào sâu tận cùng cái chết và soi tỏ được bản chất của sự chết qua cuốn tiểu thuyết, tôi buộc mình phải hồi sinh bằng một công việc mới: Kinh doanh.
Sau hai năm đóng chặt theo nghĩa về tinh thần, tránh mọi giao tiếp, bỗng nhiên một ngày mở mắt dậy, tôi tuyên bố trên báo giới việc tạm ngừng viết văn.
Quyết định bước đi đầu tiên cho việc bám rễ vào mảnh đất tưởng rất phì nhiêu lại khô cằn này bằng cách mở toang mọi cánh cửa, tôi đi thẳng ra giữa chợ đời, mở một nhà hàng chuyên về hải sản.
Gặp vấp váp ngay khi mở nhà hàng với đồng vốn hạn hẹp, nhiều cản trở nảy sinh buộc bàn tay một người phụ nữ chỉ biết gõ phím như tôi phải biết khuân gạch, chở từng bao tải xi măng, sơn vẽ tường, biết cầm chọn sơ chế tôm cua cá, phụ bếp, dọn dẹp vệ sinh toilet đến cúi lưng quét dọn nhặt rác bẩn dưới chân khách hàng; Buộc một cái não đầy ắp cảm xúc và lèn chặt chữ nghĩa tưởng tượng phải học cách tính toán chi tiêu ghi chép tài chính, hiểu các phần mềm bán hàng; Buộc bỏ ra ngoài sự cao ngạo của một người viết để biết chào mời thuyết phục khách mua hàng…
Thời gian đó, ngoài việc viết báo và làm quen với nơi làm việc mới - Báo Đại Đoàn Kết, được sự giúp đỡ tận tình và động viên của đồng nghiệp, cảm giác bình an cho làm báo trở lại.
Tôi dần lấy lại nhịp viết, bắt đầu từ các bài chân dung và bình luận văn hóa nghệ thuật. Nhờ công việc viết báo này, tôi được kết nối lại với các văn nghệ sĩ trí thức, những người lao động không ngừng trong thế giới tinh thần, vì thế, tôi không bị rời xa thế giới thực sự là của mình.
Nhìn lại hai năm qua, điều mà tôi cảm thấy rất rõ ràng, là không có gì giúp bản thân trưởng thành nhanh vững mạnh, nhìn được rõ bản chất lòng người và xã hội bằng việc viết báo và kinh doanh.
Cũng rất may mắn ở cả hai lĩnh vực, tôi gặp được người anh, thầy giỏi, đồng nghiệp và cũng là bạn đồng hành.
Nhờ lắng nghe, học hỏi và sửa chữa các điểm yếu, tôi đã có những bước tiến đầu tiên, đạt được thành quả, và tự tin hơn tại mảnh đất mới này.
Giờ đây, bên cạnh mở nhà hàng, buôn bán, làm nông trại… tôi đã có thể quay về với việc viết văn quen thuộc. Bắt đầu từ việc ra mắt cuốn sách thứ chín “Cả cuộc đời dành cho việc này” - tự sự của 8 nhân vật với nhiều độ tuổi khác nhau, đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật trong bối cảnh xã hội Việt Nam kéo dài gần một thế kỷ, sau đó là tập truyện ngắn mới, tái bản đồng loạt năm cuốn tiểu thuyết, và tiếp đó là ra mắt cuốn tiểu thuyết mới.
Với bất kỳ công việc nào dù có vẻ không phù hợp, nhưng tôi luôn chấp nhận đi vào, bởi với tôi, tất cả mọi điều mà đời tôi trải qua rốt cuộc đều dẫn tới trang viết.
Saigon 8/6/2018