Dù thị trường hàng không nội địa đang phục hồi rất nhanh chóng sau dịch bệnh, nhưng đại diện Vietnam Airlines lại tiếp tục đề xuất Chính phủ “hỗ trợ” 12.000 tỷ đồng để làm vốn, nếu không hãng bay này sẽ cạn tiền. Trước đó chưa lâu, Vietnam Airlines còn đề xuất mua thêm 50 máy bay để... đón thị trường.
Ngoài VNA, nhiều hãng hàng không khác cũng đang gặp khó.
Cuối tuần qua, tại cuộc hội thảo về ngành hàng không tại Phú Quốc (Kiên Giang), Kế toán trưởng Vietnam Airlines (VNA) Trần Thanh Hiền đã trình bày về tương lai không mấy sáng sủa của hãng hàng không lớn nhất Việt Nam, nếu không được Chính phủ hỗ trợ số vốn 12.000 tỷ đồng.
Theo ông Hiền, dự báo trong năm 2020, VNA sẽ thâm hụt dòng tiền khoảng 16.000 tỷ đồng. Công ty đã tự xoay sở một phần, hiện còn thiếu 12.000 tỷ đồng rất cần được Chính phủ hỗ trợ.
“Tôi xin nói đây là hỗ trợ trong hoàn cảnh khó khăn. Hãng không kỳ vọng xin được từ ngân sách nhà nước mà vay sẽ trả. Hãng thừa khả năng trả do cân đối tổng tài sản trên 70.000 tỷ đồng từ tàu bay nhưng gặp khó do dịch Covid-19” - ông Trần Thanh Hiền nhấn mạnh.
Trong báo cáo tài chính VNA nêu rõ, trước khi đề nghị hỗ trợ 12.000 tỷ đồng từ Chính phủ, hãng buộc cắt giảm chi phí, nhiều nhân lực giảm lương, đặc biệt phi công và tiếp viên giảm chỉ còn 5% hoạt động (chỉ riêng việc giảm nhân lực đã giúp VNA 350-450 tỷ đồng). Ngoài ra, Hãng cũng chủ động đàm phán với các đối tác giảm tiền thuê tàu bay, có hãng giảm cho VNA 1.000 tỷ đồng tiền thuê tàu bay. “Tuy nhiên, nếu không có sự bơm vốn thì chỉ đến tháng 8/2020, Vietnam Airlines sẽ hết tiền...” - ông Hiền cho biết.
Vì sao VNA “thiệt hại nặng” như vậy nhưng đến nay vẫn có thể duy trì, trong khi nhiều hãng hàng không trên thế giới phá sản? Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hiền lý giải: VNA bị thiệt hại rất nặng nhưng trụ được đến ngày hôm nay vì trước Covid-19, VNA có tiềm lực rất mạnh. Năm 2019, hãng ghi nhận mức lãi trên 3.200 tỷ đồng, và có dòng tiền dương ổn định trong ngân hàng. Đối với các hãng không khác đang nợ tiền ví dụ như Thai Airways họ không đủ tiềm lực duy trì nên buộc phải phá sản.
Liên quan đến kiến nghị hỗ trợ cho VNA vay 12.000 tỷ đồng không tính lãi với thời hạn tối thiểu 3 năm, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng: “Để tháo gỡ khó khăn cho VNA, đảm bảo nguồn tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, việc cho VNA vay ưu đãi là cần thiết. Tuy nhiên, với các điều kiện cụ thể như mức vay, lãi suất vay và thời hạn cho vay, đề nghị thực hiện đúng quy định của pháp luật...”.
Cũng với đề xuất trên của VNA, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống (Đại học Bách khoa TP HCM) khẳng định, điều quan trọng nhất trong chính sách hỗ trợ là phải bảo đảm tính cạnh tranh công bằng. Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới toàn bộ nền kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực hàng không. VNA là một hãng hàng không chắc chắn không tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhưng bên cạnh đó nhiều hãng hàng không cũng đang chịu chung số phận.
“Trong trường hợp này, mọi chính sách hỗ trợ đều phải tuân theo quy luật thị trường, không thể quá ưu ái cho doanh nghiệp nhà nước mà bỏ quên doanh nghiệp tư nhân được...”- ông Tống kiến nghị.
Cũng theo ông Tống, cơ chế hỗ trợ cho ngành hàng không khác với các lĩnh vực kinh doanh khác thế nào? Có sự phân biệt nào trong chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân không? “Doanh nghiệp nhà nước vốn đã có nhiều lợi thế hơn doanh nghiệp tư nhân, trong trường hợp cho VNA vay thêm 12.000 tỷ đồng, nghĩa là doanh nghiệp này có thêm nguồn lực để chi trả cho các khoản chi phí khác, hoặc cũng có thể giảm giá vé mà không sợ lỗ. Nếu như vậy, hãng hàng không tư nhân không được hỗ trợ sẽ gặp thêm bất lợi, không thể cạnh tranh được” - PGS.TS Nguyễn Thiện Tống phân tích.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chính sách hỗ trợ cần dựa trên nguyên tắc công bằng giữa các thành phần kinh tế, không nên lấy riêng VNA hay một doanh nghiệp nhà nước nào để làm tiêu chuẩn xác định hỗ trợ. Hơn nữa, chính sách hỗ trợ phải dựa trên chính sách tổng thể, từ gói hỗ trợ chung sẽ chia theo các gói hỗ trợ riêng cho từng ngành, từng lĩnh vực, tỷ lệ hỗ trợ phụ thuộc vào quy mô, tính chất của từng doanh nghiệp, từng ngành nghề.
Một chuyên gia kinh tế từng nói “các doanh nghiệp nhà nước hãy thôi than vãn và xin hỗ trợ”. Với VNA, đây là doanh nghiệp nhà nước đã nhận được rất nhiều cơ chế ưu đãi cũng như ưu thế so với các hãng hàng không tư nhân khác. Có thể chỉ ra: VNA được sở hữu một thương hiệu quốc gia được xây dựng từ rất lâu đời. VNA có rất nhiều doanh nghiệp con hậu thuẫn phía sau như các công ty kinh doanh dịch vụ, vận tải sân bay, … Do đó, VNA cần được đặt công bằng với các doanh nghiệp khác trong thực hiện chính sách hỗ trợ. Hỗ trợ cho VNA hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói, vốn vay từ ngân hàng cũng chính là nguồn lực được huy động từ phía người dân, ngân hàng phải trả lãi. Nếu cho VNA vay với lãi suất 0% thì phần lãi ngân hàng đã huy động ai sẽ phải gánh? Bởi thế, đề xuất trên của VNA là chưa thực sự mang tính thị trường cũng như bảo đảm tính công bằng.