Vietnam Airlines muốn chuyển nhượng một phần vốn tại Skypec trong bối cảnh cổ phiếu của hãng hàng không này có khả năng bị hủy niêm yết do lợi nhuận sau thuế liên tục là số âm.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, MCK: HVN, sàn HoSE) vừa có thư mời thầu cấp dịch vụ tư vấn lập, triển khai phương án chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec).
Được biết, Skypec là công ty con do Vietnam Airlines nắm giữ 100% vốn điều lệ. Công ty tiền thân là Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam được thành lập năm 1993, chính thức hoạt động theo mô hình TNHH Một thành viên từ ngày 1/7/2010, với số vốn điều lệ 400 tỷ đồng do Vietnam Airlines là chủ sở hữu. Hiện, Skypec cùng Petrolimex Aviation hiện là 2 nhà cung cấp nhiên liệu hàng không chính tại thị trường trong nước. Trong đó, Skypec phục vụ chủ yếu cho Vietnam Airlines và hàng chục hãng hàng không quốc tế.
Theo thư mời của Vietnam Airlines, doanh nghiệp này sẽ nhận hồ sơ quan tâm, chào giá của các đơn vị tới cuối ngày 8/2. Đơn vị trúng thầu có trách nhiệm tư vấn cho Vietnam Airlines lập và triển khai phương án chuyển nhượng vốn tại Skypec.
Kế hoạch bán vốn tại Skypec nhiều khả năng nằm trong Đề án tái cơ cấu tổng thể Vietnam Airlines giai đoạn 2021 - 2025 đã báo cáo cổ đông và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ thực hiện bán, thoái vốn đầu tư tại một số công ty con, công ty liên kết. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo thêm doanh thu cho tổng công ty để bù đắp doanh thu và thua lỗ từ hoạt động chính là vận tải hàng không, để tổng công ty sớm thoát lỗ.
Việc HVN muốn bán vốn tại công ty con diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu của hãng hàng không này có khả năng bị hủy niêm yết.
Ngày 1/6/2022, HoSE đã ban hành quyết định số 359/QĐ-SGDHCM giữ nguyên diện kiểm soát đối với cổ phiếu HVN do vốn chủ sở hữu âm 2.160 tỷ đồng, căn cứ BCTC hợp nhất quý I/2022 và Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên BCTC kiểm toán 2 năm gần nhất (năm 2020, 2021) là số âm, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định tại điểm b và điểm đ khoản 1 Điều 38 Quy chế Niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.
Theo BCTC hợp nhất quý IV/2022 của HVN, tổng doanh thu cả năm của Vietnam Airlines đạt gần 71.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất âm khoảng 10.091 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/12/2022, Vietnam Airlines ghi nhận khoảng lỗ lũy kế tăng lên gần 34.200 tỷ đồng; vốn chủ của hãng âm khoảng 10.200 tỷ.
Căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, một cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường họp sau đây:... e) Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá so vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.