Chỉ cần điện thoại "cục gạch", người dân ở nông thôn đã có thể đi chợ, thanh toán hóa đơn không cần tiền mặt qua dịch vụ Viettel Money.
6h sáng, trên huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, bà Pinăng Thị Ủy, 49 tuổi, đến chợ thôn để mua thịt, rau như mọi ngày. Chỉ khác, mấy ngày gần đây bà không mang theo tiền mặt mà trên tay chỉ cầm duy nhất chiếc điện thoại "cục gạch" đã đăng ký dịch vụ Mobile Money của Viettel. Sau vài thao tác đơn giản trên điện thoại, bà đã trả xong số tiền mua hàng.
Bà Ủy cho biết, dù không có internet nhưng chỉ cần bấm cú pháp *998# và nhấn gọi, màn hình tự động hiện ra những dịch vụ mà Viettel Money đang cung cấp như rút tiền, chuyển tiền đến số điện thoại hay tài khoản ngân hàng, thanh toán hóa đơn điện, nước. Các tùy chọn được đánh số giúp bà dễ dàng sử dụng dịch vụ mong muốn.
Trước đây, người phụ nữ 49 tuổi chưa từng biết đến những tiện ích này. Bà chỉ sử dụng sau khi nghe con gái đang sống tại TP HCM kể về dịch vụ. Huyện Bác Ái là khu vực sinh sống chủ yếu của người đồng bào dân tộc Raglai như bà Ủy. Nằm ở vùng sâu, cách xa khu vực trung tâm, việc được tiếp cận với dịch vụ tài chính hiện đại khiến bà không giấu được sự phấn khởi.
"Trước đây, mỗi lần con gái gửi tiền về, tôi phải ra ngân hàng cách đây hơn 15 km để rút tiền. Cả huyện cũng chỉ có duy nhất một trụ ATM. Ban ngày tôi bận làm việc, ban đêm lại rất ngại di chuyển vì đường đồi núi không có đèn, lại nhiều nguy hiểm. Giờ có tiền di động, mỗi lần muốn rút tiền mặt, tôi chỉ cần ra cửa hàng Viettel gần nhà", bà Ủy chia sẻ.
Giống với bà Ủy, chị Lê Ngọc Lan ở Châu Thành, Long An cũng mừng ra mặt khi dùng Viettel Money. Gia đình chị hiện đang canh tác 4.000 m2 thanh long. Trước đây, mỗi lần đến vụ, thương lái thường đến mua tại vườn và phân phối đến các kênh (kho sản xuất, siêu thị, xuất khẩu, chợ...). Tuy nhiên, sau nhiều lần bị ép giá, chị Lan muốn tìm giải pháp khác để tăng lợi nhuận cho mình.
Với Viettel Money, chị Lan đang lên kế hoạch bán thanh long qua mạng, chế biến loại trái cây này thành những sản phẩm khác nhau như mứt sấy, rượu và tiếp thị, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến người dùng cuối, cắt giảm bớt các khâu trung gian để tối ưu dòng tiền. Vài ngày qua, khi đợt thanh long đầu tiên chín, chị Lan chỉ bán một nửa cho thương lái và nhận tiền mặt. Nửa còn lại chị đã thử bán hàng qua mạng, chào hàng đến các hợp tác xã sản xuất và nhận tiền qua Viettel Money.
"Nhờ có tiền di động mà việc mua bán trở nên nhanh gọn hơn. Tôi không cần liên kết tài khoản với ngân hàng mà vẫn nạp và rút được tiền dễ dàng. Trong tương lai, khi Viettel Money phủ sóng rộng hơn, tôi muốn 100% giao dịch của mình dựa trên dịch vụ này. Sắp tới tôi sẽ đăng ký mã QR để người dùng tiện thanh toán hơn", chị Lan chia sẻ.
Nghe lời con trai hướng dẫn, ông Trần Hoàng Ngọc, 52 tuổi, ở Tiền Giang cũng vừa đăng ký dùng dịch vụ Viettel Money cho cửa hàng tạp hóa của mình. Trên quầy thanh toán, ông để tấm biển nhỏ có mã QR. Mỗi lần khách hàng đến mua, ông Ngọc đều hướng dẫn họ cách quét mã để thanh toán qua app Viettel Money.
Theo ông, thanh toán không tiền mặt có rất nhiều ưu điểm như không cần phải quan tâm đến việc sắp xếp đống tiền lẻ mỗi ngày hay hạn chế được tiếp xúc với người khác trong bối cảnh dịch bệnh. Để giúp khách quen với việc này, ông Ngọc tặng kèm một lon nước ngọt cho những ai mua hóa đơn trên 100.000 đồng, thanh toán qua tiền di động.
Trong khi đó, So My Diệp Vân, 24 tuổi, ở TP HCM cũng vừa giới thiệu dịch vụ này cho cha mẹ ở quê. Gia đình Diệp Vân là người dân tộc H’roi sống ở vùng núi, địa hình, giao thông tương đối hiểm trở. Trước đây, mỗi tháng, Vân đều gửi tiền về cho gia đình thông qua tài khoản ngân hàng.
Vân cho biết, mỗi lần như thế, mẹ cô đều phải chạy hơn 20 km mới có chỗ rút tiền. Đường đồi núi hiểm trở cũng khiến cô lo lắng. Tuy nhiên, khi cha mẹ sử dụng Viettel Money, Vân như cởi bỏ được mối lo của mình. Từ nay, mỗi lần gửi tiền về, gia đình cô chỉ phải đi chừng 200 m đến cửa hàng Viettel để rút tiền.
Với dịch vụ tài chính số của Viettel, Vân còn có thể thanh toán các hóa đơn điện, nước, internet, ăn uống. Điều làm cô gái 24 tuổi ấn tượng nhất là có thể mua vé xem phim, vé tàu xe, máy bay ngay trên ứng dụng với mức giá rất tốt.
"Sau giãn cách, tôi rất muốn được đến rạp phim để giải trí. Tuy nhiên, tôi lại ngại xếp hàng mua vé vì có thể tiếp xúc với nhiều người. Mua vé xem phím qua Viettel Money giải quyết được hết mọi vấn đề mà tôi gặp phải", Vân khẳng định.
Viettel Money chính thức được triển khai từ 1/12. Chỉ cần có thuê bao Viettel được định danh, người dân có thể giao dịch không tiền mặt mà không cần đến điện thoại thông minh hay Internet. Hiện tại, Viettel Money có hơn 300 tiện ích được cá nhân hóa theo nhu cầu của mỗi khách hàng về mua bán, chuyển tiền, đầu tư, bảo hiểm, thanh toán các dịch vụ trong cuộc sống...
Đại diện Viettel cho biết, với mạng lưới viễn thông phủ sóng toàn quốc, Viettel Money được đánh giá có năng lực tiếp cận đến cấp xã phường tại các địa phương. Hiện, Viettel có tới hàng trăm nghìn điểm giao dịch, hỗ trợ nạp, rút tiền tại hơn 11.000 xã trên toàn quốc.
"Tiền di động Viettel góp phần thúc đẩy giúp nhiều người dân nông thôn, vùng sâu vùng ra tiếp cân hình thức thanh toán không tiền mặt. Thời gian tới khi số lượng các thuê bao sử dụng dịch vụ gia tăng sẽ góp phần đẩy mạnh hơn nữa nên kinh tế số tại Việt Nam", vị đại diện Viettel nói.