Vĩnh biệt Đoàn Tử Huyến - lãng tử chơi sách cuối cùng

22/11/2020 16:15

Gần chục năm chống chọi với bệnh tật, hai lần thoát cửa tử trong gang tấc, giờ ông đã thanh thản ra đi trong niềm thương nhớ và sự kính trọng mãi mãi của bạn bè và người yêu sách.

Thế là ông Huyến đi rồi!

Gần chục năm chống chọi với bệnh tật, hai lần thoát cửa tử trong gang tấc, giờ ông đã thanh thản ra đi trong niềm thương nhớ và sự kính trọng mãi mãi của bạn bè và người yêu sách.

Không phải nhà văn, cũng không phải nhà hoạt động xã hội, càng không phải lãnh đạo, nhưng cái tên Đoàn Tử Huyến được biết đến rộng rãi cùng với sự tôn trọng thì vượt lên khá nhiều so với các tên tuổi ở cả 3 lĩnh vực trên.

Hai lần từ chức để đi làm "đầu nậu sách"

Chính là vì "tay chơi" Đoàn Tử Huyến đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng và đồng xu cuối cùng cho công cuộc tìm kiếm, dịch, in ấn và truyền bá rộng rãi những cuốn sách hay nhất có thể, cho một thị trường hơn 80 triệu khách hàng thuộc loại "lười đọc". Thống kê bình quân liên tiếp nhiều năm cho thấy người VN từ quy mô dân số 70 triệu tiến lên 94 triệu trong vòng gần 20 năm thì lượng sách tiêu thụ vẫn quanh quẩn 3,5 bản/người/năm.

Một "Nghệ Sỹ"- kẻ sỹ xứ Nghệ như ông Huyến không thể nào chấp nhận nổi thực tế phi lý ấy. Nhà hoạt động xã hội nào đó có thế hô hào quay trở về với tư tưởng "Khai dân trí" của Phan Chu Trinh với rất nhiều mỹ từ, Đoàn tử Huyến thực hiện ngay với những tiêu chí cụ thế: dịch và in thật nhiều sách hay, giá rẻ!

Lần từ chức đầu tiên của ông Huyến là 1996. Ông rời chức Phó Giám đốc NXB Lao động - hồi đó rất danh giá và có thực lực vì được in mảng sách Công đoàn với một phần lớn tiền ngân sách - để "ra riêng" - làm một nhà sách nhỏ với chức năng tìm kiếm và tổ chức bản thảo, rồi "mượn mũ" các nhà xuất bản để in.

Rất nhiều sách "khai phóng" của thời mở cửa, nhất là thời cải tổ của văn học Nga đã được nhóm ông Huyến tổ chức in ấn. Một loạt kiệt tác cổ điển của Dostoievski, các nhà văn xô viết Aitmatov, Dudinsev, Pasternak, Rybakov... đặc biệt là 2 trước tác vĩ đại của Bulgakov: Trái tim chó; Nghệ nhân và Margarita.

Khó có thể đánh giá ngay hiệu ứng của những kiệt tác ấy tới chất lượng sáng tác của văn đàn Việt, nhưng làn gió phóng khoáng mà nó mang tới cho độc giả thì quá rõ ràng. Độc giả đã làm quen với những tư tưởng mới (ra đời từ lâu nhưng lúc này mới du nhập chính thức), những bản dịch nhanh và chất lượng, và những cuốn sách ngày xưa ở dạng "tham khảo" nay được bán ê hề, giá khá rẻ.

Lần thứ 2 từ chức của ông Huyến là vào những năm đầu 2000. Hội nhà văn mời ông về làm Phó TBT tạp chí Văn học nước ngoài, ông hăng hái xắn tay áo lên kêu gọi bản thảo hay từ anh em, đồng thời tìm nguồn tiền in sách, tìm đường bán sách. Mấy năm đầu, tạp chí tưng bừng với những Kundera, Nabokov, Gunter Grass, các dịch giả từ Phạm thị Hoài, Phạm Xuân Nguyên, Dương Tưởng, Vũ đình Bình ... trăm hoa đua nở...

Mà ngày vui thì ngắn, cái gọi là "cơ chế" một lần nữa tỏ ra nó chính là "vòng kim cô" với ông Huyến. Ông "ra đường" lần thứ 2. Và lần này thành "đầu nậu sách lớn nhất miền Bắc" thực sự.

Đã có một "Không gian văn hóa" mang ADN Đoàn Tử Huyến

Đó là "không gian văn hoá Đông-Tây", ông Huyến vừa là người sáng lập, vừa là cổ đông lớn nhất, vừa là giám đốc điều hành, vừa làm nhân viên quảng cáo, kiêm luôn diễn giả mỗi khi "nhà có event".

Bây giờ, những buổi ra mắt sách đình đám với sự xuất hiện của các nhân vật tên tuổi, các KOLs mạng, của ống kính truyền hình đã trở nên quá phổ cập. Nhưng 15 năm trước, ông Huyến là người đầu tiên làm điều đó ở Đông-Tây, mà không phải cho các cuốn sách bán chạy, các nhà văn đang nổi, ông tổ chức từ A-Z, từ bản thảo đến in, ra mắt và phát hành cho các sách của Phan Chu Trinh, của Fukuoka, Phan Khôi, của Võ Thị Hảo, Nguyễn Quang Lập... các "ca khó" theo mọi nghĩa, cứ gọi "Đông-Tây".

Đông Tây cũng là thư viện mở đầu tiên cho các sinh viên các ngành xã hội học đến để đọc sách, giao lưu, và nếu may mắn, họ có thể trao đổi trực tiếp với ông Huyến và bạn bè ông, nhóm "Nghệ nhân" Văn Như Cương, Phạm Xuân Nguyên... hoặc nhóm "Nga la tư": Thuý Toàn, Phạm Mạnh Hùng, Phạm Vĩnh Cư... trong một không khí văn minh nhất vì bình đẳng và thoải mái nhất.

Cũng bắt đầu từ Đông Tây, đã manh nha những dự án dịch văn học Việt Nam ra nước ngoài, đầu tiên là ASEAN và Hàn Quốc, các tập truyện ngắn với các tên tuổi Bảo Ninh, Thu Huệ, Trung Trung Đỉnh, Y Ban đã được trung tâm tổ chức dịch và phối hợp với Bộ VHTTDL và hội nhà văn sở tại xuất bản.

Con số sách xuất bản dạng này tuy ít ỏi nhưng nó chứng tỏ tầm nhìn và nỗ lực vô song của một "Nghệ nhân" có tên Đoàn tử Huyến.

Một tình yêu bền bỉ với sách Nga

Ông Huyến sinh năm 1952, thuộc lớp trí thức Nga học thứ 2 ở Việt Nam. Ông yêu văn học Nga như một điều tất yếu, và hơn thế, như một lẽ sống.

Ông Huyến không nhớ chính xác mình đã dịch bao nhiêu tác phẩm lớn nhỏ ngắn dài và in ở những đâu. Hồi ông còn khoẻ khoắn minh mẫn có lần người viết bài này đã hỏi mà ông lắc đầu cười rất là "Nghệ". Nhưng chắc chắn 2 kiệt tác của Bulgakov: "Nghệ nhân và Margarita" và "Trái tim chó" là tâm huyết cả đời của ông, là thành tựu dịch thuật mà bất cứ dịch giả nào cũng mơ ước.

"Nghệ nhân và Margarita" để lại "lời nguyền" cho tất cả những ai lỡ "đa mang" với nó. Bulgakov số phận long đong đến tận khi chết, đạo diễn phim thì không bao giờ nhìn thấy phim mình được trình chiếu, diễn viên chính thì bệnh tật ốm đau.

Ông Huyến biết tất cả những điều đó, nhưng ông vẫn dịch và xuất bản cả 2 kiệt tác của Bulgakov ở Việt Nam. Và Bulgakov có thêm một lần tái sinh rực rỡ bằng tiếng Việt.

Với tất cả những gì đã làm cho sách, cho văn học Việt và Nga, cho những không gian văn hoá đã mất đi và sẽ mọc trở lại, lãng tử sách Đoàn Tử Huyến xứng đáng được người yêu sách tưởng nhớ và yêu thương, rất lâu về sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vĩnh biệt Đoàn Tử Huyến - lãng tử chơi sách cuối cùng