Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, tác giả của những cuốn tiểu thuyết đình đám Hồ Quý Ly, Đội gạo lên chùa, Mẫu Thượng Ngàn, Chuyện ngõ nghèo… đã qua đời ngày 12/6 ở tuổi 88. Ông là nhà văn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến độc giả trong những năm qua với những cuốn tiểu thuyết vừa đạt đến độ mẫu mực cổ điển vừa ăn khách trong phạm vi đề cập là lịch sử và văn hoá dân tộc.
Lần đầu tôi phỏng vấn nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là năm 2000, khi tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” lần đầu tiên được xuất bản và trở thành một hiện tượng văn học cực kỳ rực rỡ. Cuốn tiểu thuyết lịch sử đồ sộ trở thành sách best-seller và đoạt giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà Văn Việt Nam năm ấy.
Ngay năm sau, 2001, “Hồ Quý Ly” nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội. Lúc ấy nhà văn đã ở tuổi xấp xỉ 70, cho đến lúc ông qua đời hôm 12/6 ở tuổi 88, “Hồ Quý Ly” đã được tái bản tới 15 lần, với gần 2 vạn bản sách in chính thức được bán hết sạch (trong thực tế lượng sách đến tay độc giả lớn hơn nhiều vì vẫn có tình trạng sách in lậu).
Vài năm sau, ông tiếp tục làm xôn xao văn đàn khi lần lượt xuất bản các cuốn “Mẫu thượng ngàn” và “Đội gạo lên chùa” – tiểu thuyết nào cũng dày gần 1000 trang in mà vẫn đạt số lượng phát hành xấp xỉ một vạn bản. Cuốn sách xuất bản thứ 4 của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh kể từ sau dấu mốc “Hồ Quý Ly” là “Chuyện ngõ nghèo” (bản in của Nhã Nam lấy tên gốc là Trư cuồng) cũng đã tái bản nhiều lần.
Trong đó, cá nhân người viết bài này vẫn cho rằng bộ 3 cuốn tiểu thuyết đồ sộ “Hồ Quý Ly”, “Mẫu thượng ngàn”, “Đội gạo lên chùa” là đỉnh cao sự nghiệp văn chương của nhà văn với những trang viết đạt tới độ mẫu mực cổ điển và sức hấp dẫn đặc biệt mặc dù viết về những vấn đề tưởng chừng rất khó ăn khách là lịch sử và văn hóa dân tộc.
Còn nhớ y nguyên năm 2000, làng Thanh Nhàn quê mẹ nhà văn vẫn còn chút dáng dấp của một làng cổ. Nhà văn khi ấy vẫn đang ở nếp nhà xây cũ, mái lợp ngói. Nhưng ông hồ hởi khoe số tiền nhuận bút của cuốn Hồ Quý Ly đã không ngừng tăng sau mỗi lần tái bản. Lần đầu phỏng vấn, thời điểm ấy còn là phóng viên trẻ, tôi thực sự bị cuốn hút bởi sự tinh anh và mẫn tiệp của ông.
Trước khi đến gặp ông, tôi đã đọc tiểu thuyết Hồ Quý Ly và bị hấp dẫn bởi những trang tiểu thuyết đẹp mê hồn. Lúc gặp, tôi đem chuyện hỏi, rằng bác có nhiều trải nghiệm về tình yêu không mà viết về tình yêu hay đến thế trong cuốn tiểu thuyết lịch sử. Ông tất nhiên chỉ cười tủm tỉm, mắt ánh lên sự lấp lánh như kiểu không chấp một đứa trẻ ranh hỏi tò mò vớ vẩn.
Buổi trò chuyện lần đầu rất dài với nhà văn, hỏi được ông đủ thứ chuyện, từ quê mẹ Thanh Nhàn tới quê cha Cổ Nhuế của ông, về những tháng năm trước thời điểm năm 2000 công bố Hồ Quý Ly ông gần như ở ẩn, tự học, tự dịch sách, tích lũy vốn sống, vốn văn hóa đầy ăm ắp.
Rồi ông kể về cái trại Mai của tướng Trần Khát Chân mà ông viết trong cuốn tiểu thuyết, trải dài từ làng Thanh Nhàn xuôi xuống phía nam, nên hầu hết các làng ở đây đều có chữ Mai như Bạch Mai, Hồng Mai, Tương Mai, Tân Mai…
Sau này, mỗi lần Mẫu Thượng Ngàn, Đội gạo lên chùa…, được in ra, cuốn nào cũng đồ sộ, cuốn nào ra đời cũng khiến độc giả xôn xao, tôi lại xuống làng Thanh Nhàn, lại được ông ưu ái tiếp chuyện cả buổi. Dù mỗi lần, làng lại phố hơn, trở thành trung tâm hơn vì thành phố đã mở rộng đến tận đẩu đâu rồi. Ngôi nhà nhà văn ở cũng đã được xây lên mấy tầng, nhưng nhà văn thì càng thêm tuổi càng thêm mẫn tiệp.
Người ta hay bàn luận về những năm tháng vất vả của ông Nguyễn Xuân Khánh thời bao cấp khi tác phẩm của ông viết ra lại lẳng lặng cất vào ngăn kéo (cuốn Chuyện ngõ nghèo đã ở yên trong ngăn kéo 30 năm).
Tôi không biết lúc trà dư tửu hậu với các bạn văn ông có nói gì không, chứ ngần ấy lần tôi gặp, chưa bao giờ tôi nghe ông kể lể hay lấy làm đau khổ gì về những năm tháng ấy. Chỉ lúc nào cũng thấy một sự hồn hậu, nồng nhiệt và yêu đời. Những cuốn tiểu thuyết của ông xuất hiện rực rỡ trong 2 thập kỷ vừa qua, cho thấy người có tài thì đến đúng thời điểm nào đó vẫn xuất lộ thôi, một cách rực rỡ.
Giữa năm 2018, nghe tôi gọi điện, ông đồng ý bảo đến đi. Ngõ phố ở làng Thanh Nhàn đã khác tới mức tôi phải hỏi thăm. Nhà văn lúc ấy đã ở tuổi 85 nghe tôi hỏi lơ vơ đúng cô con dâu út, đã nói vọng xuống từ trên tầng 2: Con mời chị ấy lên đây. Trên bàn nhà văn hôm ấy là một túi thuốc to các loại, ông kể hôm qua vừa đi khám sức khoẻ.
Bữa ấy nhà văn vẫn tĩnh tại, tinh anh, hóm hỉnh, trả lời phỏng vấn vẫn đâu ra đấy, cực kỳ mẫn tiệp. Nhưng đó là cuộc trò chuyện cuối cùng tôi có thể thực hiện được với ông. Không lâu sau nghe tin ông ốm. Cuối năm 2018 ấy khi lên nhận giải Thành tựu văn học trọn đời ông đã rất yếu, không phát biểu câu nào.
Tôi gọi vào điện thoại di động, máy đã tắt. Rồi hỏi thăm ở nhà, vợ nhà văn cho biết ông đã được con trai đón về Cổ Nhuế. Khi tôi liên lạc được với con trai nhà văn thì anh bảo bố tôi khỏe, chỉ là hơi lẫn nên không dùng được điện thoại di động nữa, đưa về Cổ Nhuế cũng để tiện chăm sóc hơn.
Mấy năm cuối đời, ông sống ở quê cha – làng Cổ Nhuế. Trí tuệ sâu sắc của một nhà văn tài năng có lẽ cũng đã đến lúc mệt, ông không còn giao tiếp với thế giới bên ngoài. Một đời văn dừng lại, nhưng cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 88, ông hoàn toàn có thể tự hào vì đó là một đời văn nếu kể số đầu tác phẩm thì không nhiều lắm (kể trang in thì rất đồ sộ), nhưng là một đời văn rực rỡ của một bậc đại thụ.
Chỉ bằng 4 cuốn tiểu thuyết xuất bản kể từ năm 2000 đến nay, ông đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp, một nhà văn tầm cỡ cực kỳ thành công với thể loại tiểu thuyết. Viết tiểu thuyết lịch sử và văn hoá phong tục mà hấp dẫn tới mức bán chạy như thế chỉ có Nguyễn Xuân Khánh làm được.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội, rồi đi kháng chiến, tham gia bộ đội. Hòa bình, ông công tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Thiếu Niên Tiền Phong nhưng sớm nghỉ hưu từ năm 1973. Trong thời gian làm báo, ông đã bắt đầu viết văn, viết biên khảo. Năm 1963, ông cho ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên có tên Rừng sâu.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được trao các giải thưởng:
-Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000 cho tác phẩm Hồ Quý Ly.
-Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2001 cho tác phẩm Hồ Quý Ly.
-Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm 2006 cho tác phẩm Mẫu Thượng Ngàn.
-Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2011 với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa.
-Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời năm 2018 của Hội Nhà văn Hà Nội.
Ngoài các tác phẩm sáng tác, ông còn dịch nhiều tác phẩm như:
Những quả vàng (tiểu thuyết của Nathalie Sarraute, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 1996); Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất (tiểu thuyết của Taha Ben Jelloun, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 1998); Bảy ngày trên khinh khí cầu (Jules Verne, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, 1998); Hoàng hậu Sicile (tiểu thuyết của Pamela Schoenewaldt, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, 1999); Tâm lý học đám đông (tiểu luận của Gustave le Bon, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2006); Sự hình thành biểu tượng ở trẻ nhỏ (Jean Piaget)...