Theo thông tin từ Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, nhạc sỹ Lư Nhất Vũ – tác giả của nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng như “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Bài ca đất phương Nam”, đã qua ngày 29/3. Ngoài sáng tác ca khúc, ông còn để lại một di sản nghiên cứu âm nhạc đồ sộ.
Nhạc sỹ Lư Nhất Vũ tên thật là Lê Văn Gắt, sinh ngày 13/4/1936, quê ở Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tháng 3/2024, ông đã được nhận huy hiệu 45 năm tuổi Đảng do ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh trực tiếp trao tặng.
Tháng 6/1962, ông tốt nghiệp khoa sáng tác của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), sau đó về nhận công tác ở Đoàn ca múa Miền Nam. Năm 1967, ông công tác tại phòng chỉ đạo văn công thuộc Vụ âm nhạc và múa (Bộ Văn hóa), theo dõi chỉ đạo hoạt động của Đoàn ca múa nhân dân Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên.
Năm 1970, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trở về chiến trường miền Nam, công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng. Sau năm 1975, ông công tác ở cơ quan Văn nghệ Giải phóng, sau đó là Viện Nghiên cứu Âm nhạc (sau này là Viện Văn hóa Nghệ thuật tại TP Hồ Chí Minh).
Ông là Phó Tổng thư ký Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh khóa 11 (năm 1981), là Ủy viên, Thư ký Hội Nhạc sỹ Việt Nam khóa 3 (1983)...
Nhạc sỹ Lư Nhất Vũ từng được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 2001), Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Quyết thắng hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập ông là "nhạc sỹ có nhiều công trình sưu tầm và nghiên cứu các thể loại dân ca Việt Nam" (năm 2009).
Ông cũng được trao Giải thưởng về Văn học Nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh năm 1997-1998 với tác phẩm “Bài ca đất phương Nam” (lời: Nhà thơ Lê Giang, bạn đời của nhạc sỹ Lư Nhất Vũ); Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ (Bình Dương, 2005); Giải thưởng Sách hay cho công trình khảo cứu, sưu tập Hành khúc giải phóng (Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng năm 2012); Giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Thông lần 5 (năm 2017).
Những sáng tác thanh nhạc của ông bao gồm: “Chiều trên bản Mèo,” “Hàng em mang tới chiến hào,” “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn,” “Bên tượng đài Bác Hồ,” “Hãy yên lòng mẹ ơi,” “Tiếng cồng vượt thác,” “Hòn Khoai,” “Bài ca đất phương Nam” và nhiều tác phẩm có giá trị khác.
Về lĩnh vực nghiên cứu, ông có một loạt công trình đồ sộ về dân ca Nam bộ đã xuất bản cùng các tác giả Lê Giang, Nguyễn Đồng Nai, Thạch An, Nguyễn Văn Hoa, Quách Vũ.
Công trình sách bao gồm: “Tìm hiểu dân ca Nam bộ” (1983); “Dân ca người Việt ở Nam bộ” (1986); “Tập ca khúc Lư Nhất Vũ” (1995); “Nhạc và đời” (1989); “300 điệu lý Nam bộ” (2002), “Hò trong dân ca Việt Nam” (2004), “Hát ru Việt Nam” (2005), “Lý trong dân ca người Việt” (2006); “Nói thơ-Nói vè-Thơ rơi Nam bộ” (2010); “Hành khúc giải phóng” (2011); “Đi tìm kho báu vô hình” (2014); “Vi vu tình đời” (2022)…
Mối tình của Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ với người vợ là nhà thơ Lê Giang được giới nghệ sĩ ngưỡng mộ. Khi từ ga Hàng Cỏ (Hà Nội) đi vào chiến trường miền Nam vào đến căn cứ ở Tây Ninh, ông gặp được nhà thơ Lê Giang. Bà là tác giả của tập thơ Phím đàn xanh, Bông vạn thọ, Ơi anh chàng hát rong… Tác phẩm kết nối hai người là nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác do nhà thơ Lê Giang viết lời, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ phổ nhạc. Sau này, Lư Nhất Vũ và Lê Giang cùng hợp tác làm vở Hòn Khoai - kể về cuộc đời của nhà giáo, nhà cách mạng Phan Ngọc Hiển. Năm 1980, Lê Giang và Lư Nhất Vũ chỉnh lý cho Đoàn Ca nhạc Tam Giang dựng lại với quy mô lớn.
Vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cùng các đồng nghiệp cũng như thực hiện nhiều công trình sưu tầm, biên khảo có giá trị lâu bền như Dân ca Bến Tre, Tìm hiểu dân ca Nam bộ, Dân ca Kiên Giang, Dân ca Cửu Long, Dân ca Hậu Giang, Dân ca Sông Bé…