Với các yếu tố giao thông ngày càng thuận lợi, tỉnh Vĩnh Long trở thành điểm kết nối quan trọng và thuận tiện giữa TP Hồ Chí Minh với ĐBSCL.
Ngày 16/11, tỉnh Vĩnh Long, vừa tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư về Du lịch và Thương mại giữa TP HCM và tỉnh Vĩnh Long năm 2022 với chủ đề “Chủ động hợp tác phát triển bền vững”. Với sự tham dự của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Bí thư Thành uỷ TP HCM; bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) Hà Văn Siêu; ông Bùi Văn Nghiêm, Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Long; Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long;…
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Sự hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành phía Nam đặc biệt là vùng ĐBSCL trong đó có tỉnh Vĩnh Long với TP HCM là động lực để khai thác các lợi thế, tiềm năng cùng nhau phát triển. Đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của mỗi địa phương cũng như từng bước thúc đẩy chương trình liên kết đi vào chiều sâu, toàn diện hơn, hướng đến phát triển kinh tế một cách bền vững, trên cơ sở nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch. Đặc biệt, lấy liên kết Du lịch - Thương mại làm điểm đột phá, mở đường cho các lĩnh vực quan trọng khác.
Phát biểu tại hội nghị, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đánh giá: Việc kết nối để đầu tư trên lĩnh vực thương mại và du lịch giữa TP HCM và tỉnh Vĩnh Long trong giai đoạn này tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - văn hoá xã hội của tỉnh Vĩnh Long và TP HCM nói riêng, ĐBSCL nói chung trong thời gian tới; tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng phương án phát triển thị trường, đầu tư các nguồn lực để mở rộng sản xuất kinh doanh một cách có hệ thống, bài bản, ổn định và bền vững; đồng thời là cơ sở để chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước của các địa phương xây dựng và ban hành các chính sách quản lý, điều hành phù hợp với nhu cầu phát triển của địa phương và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Bà Thắng cho rằng, để việc xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại giữa hai địa phương đạt được hiệu quả, các sở ngành của cả hai địa phương cần ghi nhận và trao đổi đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác phối hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các dự án, tiếp tục nghiên cứu để liên kết, đầu tư trong thời gian tới; trong đó luôn đồng hành để doanh nghiệp yên tâm đầu tư bài bản, gần kết lâu dài, chú trọng tăng cường kết nối chặt chẽ giữa các sở ngành của hai địa phương trong quá trình theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp. Song, các sở, ngành của hai địa phương cần tham mưu kịp thời cho lãnh đạo hai địa phương các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và mở rộng thị trường tiêu thụ, hoạt động.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp của hai địa phương cần chủ động liên kết, thông tin kịp thời các khó khăn, vướng mắc và đề xuất cơ chế, chính sách phủ hợp với tình hình thực tế để ngày càng có nhiều dự án đầu tư về du lịch và thương mại giữa hai địa phương được ký kết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL) nhận định: Tài nguyên du lịch của vùng ĐBSCL nói chung, Vĩnh Long nói riêng vô cùng phong phú và đặc sắc, một vùng văn hoá miệt vườn sông nước tạo nên một điểm nhấn đặc biệt đối với du khách. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch kêu gọi nhà đầu tư cần tư duy để du lịch có những sản phẩm mới, chất lượng gia tăng cao, giá trị độc đáo cho từng địa phương, tạo ra sản phẩm đặc thù, đặc trưng. Tuy nhiên, các địa phương cần cởi trói về cơ chế, để hợp tác làm ăn thuận lợi.
“Qua hội nghị, sẽ thúc đẩy du lịch giữa TP HCM và ĐBSCL cất cánh mạnh trong thời gian tới, tin tưởng vào sự khởi sắc du lịch của Vĩnh Long nói riêng, ĐBSCL nói chung.” - ông Siêu kỳ vọng.
Tại hội nghị, đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các sở, ngành, hiệp hội tỉnh Vĩnh Long với TP HCM; và giữa TP Thủ Đức, các quận, huyện của TP HCM với các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Vĩnh Long. Đồng thời, UBND tỉnh cũng trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư đến với Vĩnh Long.
Đây là một hoạt động có ý nghĩa không chỉ đối với việc phục hồi hoạt động kinh tế của các địa phương sau dịch Covid-19 mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội của vùng kinh tế lớn nhất Việt Nam. Với các yếu tố giao thông ngày càng thuận lợi, Vĩnh Long sẽ trở thành điểm kết nối quan trọng và thuận tiện giữa TP HCM với vùng ĐBSCL.