Vĩnh Long: Tích cực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719

Phúc khánh 09/10/2023 19:10

Nhờ sự quyết tâm của hệ chính trị tỉnh Vĩnh Long, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) của tỉnh đã mang lại hiệu quả rõ rệt.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã tập trung nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho đồng bào Khmer. Những chính sách thiết thực được triển khai kịp thời đã giúp đỡ đồng bào dân tộc Khmer tiệm cận với các nguồn vốn để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững. Hiệu quả mang lại rõ rệt khi đã khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo.

Phát huy hiệu quả của Chương trình

Vĩnh Long là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Dân số toàn tỉnh Vĩnh Long 1.022.791 người, trong đó dân tộc thiểu số 26.596 người chiếm 2,6% dân số toàn tỉnh. Từ năm 2022, tỉnh Vĩnh Long đã được nhận tổng kinh phí từ ngân sách trung ương phân bổ là hơn 16 tỷ đồng để thực hiện 8 dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I: từ năm 2021-2025 tỉnh đã nhanh chóng triển khai các hoạt động.

Vĩnh Long thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn để nâng cao kỹ năng và năng lực thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh. Ảnh: bandantoc.vinhlong.gov.vn

Y tế, giáo dục được cải thiện rõ rệt. Tình hình hoạt động y tế trên địa bàn các huyện, thị xã có đông đồng bào DTTS sinh sống ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được duy trì, tỷ lệ người DTTS tham gia bảo hiểm y tế hơn 90%.

Về giáo dục, trên địa bàn các xã đông đồng bào dân tộc của tỉnh có 15 trường mầm non và phổ thông, trong đó có ba trường đạt chuẩn quốc gia; các xã đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trường phổ thông Dân tộc nội trú của tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả, đội ngũ cán bộ, giáo viên đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy và quản lý, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2021-2022 đạt 100%, nhiều em đã thi đỗ vào trường đại học, cao đẳng và học nghề...

Chính sách đào tạo, vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề nghiệp, con giống, cây trồng được chú. Luôn quan tâm chăm lo đời sống đồng bào DTTS trong tỉnh bằng việc đã thực hiện triển khai các dự án ở các xã có đông đồng bào dân tộc như: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt...

Đến nay đã có 239 hộ DTTS ở các ấp được hỗ trợ nước sinh hoạt với kinh phí thực hiện 718 triệu đồng; đầu tư triển khai tám công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS ở hai xã Tân Mỹ và Trà Côn (huyện Trà Ôn), với tổng kinh phí hơn 8,3 tỷ đồng. Thực hiện đầu tư dự án phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tổng kinh phí thực hiện 5,5 tỷ đồng… Đặc biệt, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã triển khai xây dựng 307 căn nhà đại đoàn kết tặng hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc Khmer, trị giá hơn 15 tỷ đồng.

Điển hình Trà Ôn

Huyện Trà Ôn là huyện vùng sâu của tỉnh Vĩnh Long, có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trong thời gian qua, huyện Trà Ôn đã triển khai và thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer. Kinh tế tiếp tục phát triển và chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp đúng hướng; phong trào chăn nuôi, gia súc, gia cầm, thủy sản cũng có bước phát triển đáng kể; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, trường, trạm…được quan tâm đầu tư kịp thời. Đến nay, hộ dân tộc Khmer nông thôn sử dụng điện chiếm 99,81%; hộ dân nông thôn sử dụng nước máy tập trung, chiếm 93,3% đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sản xuất và sinh hoạt.

Đặc biệt, đã có nhiều hộ tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo vùng dân tộc. Trong đó, xã Tân Mỹ (huyện Trà Ôn) là xã có đông đồng bào Khmer (chiếm 46%). Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách và dự án đầu tư phát triển, đời sống đồng bào Khmer Tân Mỹ đã thay đổi đáng kể. Với phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”, các chính sách đã tạo động lực để người dân tự lực vươn lên trong cuộc sống.

Người dân tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi để chăn nuôi bò đã giúp anh có thu nhập khá cao. Ảnh: vinhlong.gov.vn
Người dân Trà Ôn (Vĩnh Long) tận dụng nguồn vốn vay ưu đãi để chăn nuôi bò đã giúp anh có thu nhập khá cao. Ảnh: vinhlong.gov.vn

Là hộ được thụ hưởng chính sách từ nguồn vốn vay ưu đãi, anh Thạch An, ở ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn đã biết tận dụng tốt các nguồn vốn vay, gia đình anh từng bước có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Anh Thạch An cho biết: Trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, cuộc sống bấp bênh do không có công việc ổn định, phải cầm cố đất dản xuất để lấy tiền sinh hoạt. Từ khi được chính quyền hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng gia đình anh đã có tiền thu hồi lại đất để trồng cỏ, đồng thời, mua 2 con bò sinh sản về nuôi. Không chỉ được hỗ trợ vốn sản xuất. Ngoài ra, gia đình anh cũng được hỗ trợ kinh phí xây nhà. Đến nay, căn nhà đã hoàn thành, bò cũng đã sinh sản được 4 lứa. Giờ đây, cuộc sống gia đình anh Thạch An đã ổn định, vừa có được vốn để trả tiền vay, vừa có cơ hội tiếp tục phát triển kinh tế gia đình.

Như vậy, thông qua các chính sách từ Chương trình đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Vĩnh Long ngày càng được cải thiện. Trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt, bản sắc văn hóa dân tộc được gìn giữ và phát huy, người đã có kỹ năng trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vĩnh Long: Tích cực thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia 1719

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO