Dù chịu tác động rất lớn của dịch Covid-19, song tỉnh Vĩnh Phúc nhờ sự linh hoạt, sáng tạo, triển khai nhiều biện pháp để chủ động nguồn thu, khôi phục, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đã đưa ngành công nghiệp trong tỉnh tăng trưởng ấn tượng, thu ngân sách tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh.
Công nghiệp phát triển, ngân sách tăng cao
Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh phúc diễn ra ổn định, không có doanh nghiệp nào phải dừng sản xuất và không có lao động nào phải nghỉ việc do dịch bệnh Covid-19.
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 9, toàn tỉnh có 13.193 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, tổng vốn đăng ký trên 206 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 71,5% doanh nghiệp đang hoạt động. 9 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 13,55% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều có mức tăng trưởng khá, trong đó, xe ô tô các loại tăng xấp xỉ 11%; doanh thu từ dịch vụ sản xuất linh kiên điện tử tăng 25,7%.
Theo bà Lê Thanh Nga, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ong Tam Đảm thì vấn đề mấu chốt để tồn tại, phát triển trong đại dịch là các doanh nghiệp phải biết nắm bắt cơ hội và chủ động thích ứng, linh hoạt trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu, liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm... nhất là việc tiết giảm được chi phí nhưng chất lượng sản phẩm phải nâng lên và tạo ra được những sản phẩm mới chất lượng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, tận dụng tốt các cơ chế, hỗ trợ của tỉnh.
Có thể nói, ngành công nghiệp phát triển đã góp phần quan trong vào bức tranh kinh tế chung của tỉnh, đưa GDP tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với con số bình quân 1,42% của cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 15,17%, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,79%, ngành dịch vụ tăng 2,81%.
Theo thống kê của Kho bạc Nhà nước, trong 10 tháng năm 2021, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 27.694 tỷ đồng, đạt trên 90% kế hoạch năm và tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu hải quan đạt hơn 4.150 tỷ đồng, vượt 14%; thu nội địa đạt hơn 23.500 tỷ đồng, đạt 87% kế hoạch.
Thu ngân sách đạt cao là do những tháng đầu năm, hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực như: sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, xe máy…trên địa bàn tỉnh tăng trưởng khá. Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh và Chi cục Hải quan đã đẩy mạnh rà soát các đối tượng kê khai, nộp thuế và tích cực đôn đốc quyết toán các khoản thu.
Đặc biệt, sự phát triển ổn định của hàng nghìn doanh nghiệp ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh là minh chứng rõ nhất tạo nên sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, giúp Vĩnh Phúc vượt xa chỉ tiêu thu hút vốn FDI, DDI của năm 2021 ngay từ đầu quý III-2021, với 48 dự án mới, tổng vốn đầu tư đạt 992,48 triệu USD và 16,3 nghìn tỷ đồng; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng xấp xỉ 43% so với cùng kì.
Bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động ổn định, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh vẫn có trên 40 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động; 140 doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hoặc giảm quy mô sản xuất; trên 14.000 lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh, trong đó có khoảng 4.000 lao động phải tạm nghỉ việc.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có lượng khách hàng ổn định nhưng do lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại ở nhiều tỉnh, thành khiến hoạt động giao thương hạn chế, nhiều hợp đồng bị hủy bỏ, hoãn, giãn gây sụt giảm kim ngạch xuất khẩu.
Cần thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao
Đại diện, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, đến hết tháng 9/2021, tổng số dự án đầu tư thuộc nhóm ngành nghề điện tử đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đạt gần 200 dự án, chiếm 60% tổng số dự án công nghệp đầu tư trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2020, thu hút các dự án công nghệ cao còn nhiều hạn chế.
Hiện Vĩnh Phúc chỉ có 5 doanh nghiệp FDI được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao gồm: Công ty Cổ phần Bang Joo Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Haesung Vina, Công ty TNHH BHFLEX VINA, Công ty TNHH Cammsys Việt Nam và Công ty TNHH Solum Vina. Các doanh nghiệp trên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử, tham gia vào các chuỗi sản xuất an toàn. Hiện chưa có dự án DDI nào trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao.
Mặc dù tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành một số chính sách ưu đãi đặc thù nhằm ưu tiên thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhưng thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao lại chưa đạt như kỳ vọng; môi trường đầu tư kinh doanh, cơ sở hạ tầng hạn chế, chưa đồng bộ, các dịch vụ chất lượng cao đi kèm và nguồn lao động chất lượng cao chưa đáp ứng cho hoạt động sản xuất công nghệ cao; chưa có quy hoạch khu vực dành riêng để thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao.
Dự báo cuối năm 2021, kinh tế Vĩnh Phúc nói chung và ngành công nghiệp nói riêng còn rất khó khăn, thách thức. Do đó, ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, có các cơ chế, chính sách riêng trợ lực cho doanh nghiệp phát triển, Vĩnh Phúc đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương ban hành cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ; hỗ trợ, nâng cao năng lực thực hiện của các doanh nghiệp cung ứng vật tư trong nước để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu ổn định, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Đồng thời, có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về logistics; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác kinh doanh... để hoàn thành mục tiêu quyết tâm đạt và vượt tổng thu ngân sách trên 30.698 tỷ đồng trong năm 2021.