Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Vinh quang Điện Biên!

Hà Trọng Nghĩa 07/05/2024 09:35

Hôm nay, cả nước tưng bừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), với rất nhiều hoạt động ý nghĩa. Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, dẫn tới Hiệp định Genève về Việt Nam, đánh dấu sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.

Chiến công chói ngời ấy đã trở thành nguồn lực tinh thần vô tận đoàn kết toàn thể dân tộc Việt Nam chấp nhận gian khổ hy sinh để bước tiếp cuộc trường chinh vĩ đại kéo dài 21 năm, cho đến ngày 30/4/1975 giang sơn thu về một mối. Để cho người Việt Nam “Ta lại về ta những đứa con/Máu hòa trong máu đỏ như son” - thơ Tố Hữu.

Sống trong những ngày rạo rực niềm vui chiến thắng, chúng ta một lần nữa lần giở những trang sử oai hùng của dân tộc trong trận quyết chiến chiến lược 70 năm trước trên chiến trường Điện Biên Phủ. Nơi mà người Việt Nam biến một vùng thung lũng thành chảo lửa, đập tan sức mạnh của đội quân viễn chinh xâm lược. Đó là các cuốn sách: “Điện Biên Phủ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xuất bản lần thứ 9 và “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử” - NXB Chính trị quốc gia Sự thật, xuất bản bằng 3 ngôn ngữ Việt - Anh - Pháp; “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” - NXB Thông tấn; 6 cuốn do NXB Trẻ thực hiện gồm: Điện Biên Phủ - Thời gian và không gian, Hoa ban đỏ, Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên, Thắng Pháp trên bầu trời Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ - Nhớ lại để suy ngẫm và Điện Biên Phủ - Những trang vàng lịch sử...

Cũng trong dịp này, bộ phim tài liệu “Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp”, dài 50 phút phát trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam, được coi là giải mật những thông tin chưa từng được tiết lộ về chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng với các nhân chứng lịch sử là cựu chiến binh Pháp, cựu chiến binh Việt Nam còn nổi bật với khối tư liệu báo cáo hàng ngày của quân đội Pháp trước, trong và sau chiến dịch đang được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc phòng và Quốc hội Pháp.

Thông qua bộ phim, một phần khối hồ sơ khổng lồ về chiến dịch Điện Biên Phủ, từ thời gian cụ thể, chiến lược, chỉ đạo của tướng lĩnh Pháp ra sao, lần đầu được công bố.

Bộ phim cũng cho thấy suy nghĩ, nhìn nhận của những binh sĩ Pháp từng tham chiến tại Việt Nam giai đoạn đó - những người trong cuộc chiến nhưng là ở phía bên kia. Trong đó có Pierre Flamen - người đến Việt Nam cuối năm 1948 để thu thập thông tin tình báo về Việt Minh; từng bị Việt Minh bắt 4 lần và có 3 lần trốn thoát. Flamen nói, ông rất nhớ những nắm xôi lạc mà người dân Việt Nam đã nấu cho ông...

Còn nói như cựu binh Jacques Bouthier, 3 lần bị thương trong những trận đụng độ với Việt Minh thì "Tôi rất tôn trọng bộ đội. Họ bảo vệ đất nước của họ. Vì thế, đáng lẽ chúng ta không bao giờ nên gây chiến tranh".

Nhìn lại chiến thắng 70 năm trước của người Việt Nam, đầu tháng 5 năm nay, tiến sĩ Sergio R.Gelfenstein - nguyên Giám đốc Quan hệ quốc tế của Phủ Tổng thống Venezuela có bài viết đăng trên đặc san của Hãng thông tấn Mỹ Latinh Prensa Latina. Tiến sĩ Gelfenstein khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam là chiến thắng vang dội nhất trong thế kỷ XX chống lại chế độ thực dân; đồng thời cổ vũ các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên thế giới đứng lên đấu tranh giành độc lập.

Còn trong bài viết "Chiến thắng Điện Biên Phủ: Âm hưởng trường tồn" trên Voces Del Periodista (Mexico), tác giả Mouris Salloum George nêu rõ, sau 70 năm, dư âm chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn vang vọng như một bản anh hùng ca bất hủ của thế kỷ 20. Tác giả nhắc lại câu nói của tướng De Castries, sau khi thất bại trở về Pháp thú nhận trước Ủy ban Điều tra của Bộ Quốc phòng Pháp: "Người ta có thể đánh bại một quân đội, chứ không thể đánh bại được một dân tộc".

Những cái nhìn “từ bên ngoài” khách quan cho thấy sức mạnh vô song của người Việt Nam, khi mà “quân với dân một lòng không phân miền xuôi ngược/cùng đồng tâm tiêu diệt hết quân thù”, như lời bài hát “Qua miền Tây Bắc” của nhạc sĩ Nguyễn Thành.

Mãi mãi muôn đời chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ vẫn chói ngời trong pho sử vàng dân tộc Việt Nam. Một dân tộc ngoan cường không kẻ thù nào có thể khuất phục. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946): “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vinh quang Điện Biên!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO