Chiến tranh thế giới 2 là cuộc chiến thảm khốc, được cho là bắt đầu vào ngày 1/9/1939 khi phát xít Đức tấn công Ba Lan và kết thúc vào ngày 9/5/1945 khi nước Đức chính thức đầu hàng phe Đồng minh.
Người lính Hồng quân Meliton Kantaria cắm cờ Xô Viết trên tòa nhà Quốc hội Đức, ngày 8/5/1945, đánh dấu chiến thắng của Liên Xô trong thế chiến thứ hai.
Đây là cuộc chiến đẫm máu, diễn ra trên phạm vi rất rộng, từ châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương, Bắc Phi… kéo theo sự tham chiến của nước Mỹ bên kia bờ đại dương. Nó chính là cuộc chiến có quy mô rộng lớn và tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Thống kê năm 1965 của Liên hợp quốc cho biết, chỉ riêng số người thiệt mạng do chiến tranh ở châu Âu đã lên đến 49,2 triệu người (trong tổng số khoảng 70 triệu người thiệt mạng). Trong đó, nước chịu tổn thất sinh mạng lớn nhất là Liên Xô với 21 triệu người chết. Tiếp đó là Đức: 9,7 triệu người; Ba Lan: hơn 6 triệu người (chiếm 16% dân số cả nước)… Còn với châu Á: Nhật Bản 2,2 triệu người chết; Ấn Độ: 2,5 triệu người, chưa kể 5 triệu người chết do nạn đói Bengal năm 1943…
Nguyên nhân cuộc chiến đến nay vẫn còn tiếp tục được mổ xẻ. Tuy nhiên, giới nghiên cứu thống nhất cho rằng gốc rễ của nó là chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt.
Di họa của cuộc chiến đẫm máu này còn kéo dài, kể cả nó đã kết thúc. Thế giới được cho là chia thành 2 phe: Một do Mỹ đứng đầu, liên kết các đồng minh bằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Một do Liên Xô đứng đầu với Hiệp ước Warszawa. Từ đó dẫn đến cuộc “chiến tranh lạnh” kéo dài nhiều thập niên.
Phe gây hấn và phát động chiến tranh thế giới 2 (phe Trục) đứng đầu là Đức, Italy và Nhật Bản. Chính quyền phát xít Đức và Italy nuôi tham vọng vẽ lại bản đồ quốc gia cũng như bản đồ địa chính trị châu Âu và châu Phi, phân chia lại thuộc địa, chia lại thị trường. Còn với đế quốc Nhật, giới quân phiệt nước này nung nấu ý đồ sáp nhập Trung Quốc và các thuộc địa lân cận (của Anh, Pháp) vào Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á.
Nhưng những tham vọng tàn bạo đó đã thất bại. Thế giới đã không rơi vào tay những kẻ phát xít, chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Tuy rằng để có được điều đó nhân loại đã phải bước qua 5 năm ròng rã trong máu và nước mắt.
Chiến lược chớp nhoáng
Vào ngày 1/9/1939, quân Đức quốc xã tấn công vào Ba Lan, chính thức châm ngòi cho cuộc chiến thế giới lần thứ 2. Trước tình thế đó, hai trong số các đồng minh của Ba Lan là Anh và Pháp buộc phải tuyên chiến với Đức.
Giới chóp bu nước Đức lúc bấy giờ xác định Ba Lan là khâu yếu nhất ở châu Âu. Chiếm được Ba Lan sẽ là bàn đạp để mở rộng cuộc chiến. Ngay từ đầu, Đức đã huy động 56 sư đoàn, tiến theo 3 đường vào Ba Lan từ biên phía Bắc, phía Đông và phía Tây, với mục tiêu cuối cùng là nhanh chóng tiến vào thủ đô Warsaw.
Những phi đội máy bay tiêm kích BF110 của Không quân Đức vượt biên giới Ba Lan mở đầu cho một cuộc chiến tổng lực. Vượt trội về quân lực, vũ khí và phương tiện kỹ thuật, quân đội Đức chọc thủng phòng tuyến biên giới Ba Lan ở nhiều nơi. Chỉ sau 7 ngày hành binh, quân Đức đã tiến sâu vào lãnh thổ Ba Lan gần 250km. Cho tới ngày 13/9, quân Đức áp sát Thủ đô của Ba Lan, buộc Chính phủ nước này đứng đầu là Tổng thống Ignacy Moscicky và bộ chỉ huy quân sự phải chạy về phía Đông Nam, sau đó lên máy bay sang Anh tị nạn.
Trong khi Anh và Pháp chưa có hành động gì ứng cứu Ba Lan, thì vào ngày 17/9/1939, Hồng quân Liên Xô đã tràn vào Ba Lan từ phía Đông. Cho đến ngày 6/10, lực lượng còn lại của quân đội Ba Lan hoàn toàn tan rã. Trên thực tế, Ba Lan kể từ thời điểm đó do quân đội Đức quốc xã và Hồng quân Liên Xô quản lý.
Thời gian không lâu sau khi đánh chiếm Ba Lan, quân đội Đức quốc xã đã thôn tính 11 nước châu Âu với diện tích gần 2 triệu km2. Hầu như toàn bộ Tây Âu và Trung Âu (trừ Thụy Sĩ, Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Anh) rên xiết dưới gót giày của binh lính Đức. Trong bối cảnh đó, Đức quốc xã quyết định tiến đánh Liên Xô- kẻ thù số 1 của phe Trục, đồng thời giành lấy những lãnh thổ bao la và tài nguyên “vô hạn” của đất nước này.
Người dân Moscow đào hào phòng thủ trong trận chiến bảo vệ thành phố, tháng 11/1941.
2 trận tử thủ và 1 trận phản công
Tháng 6/1941, nước Đức đơn phương cắt đứt thỏa thuận không xâm lược với Liên Xô và tiến hành chiến dịch Barbarossa- một chiến dịch tấn công khổng lồ nhất trong lịch sử. Quân đội phát xít Đức và chư hầu huy động 190 sư đoàn (trong đó gồm 152 sư đoàn Đức, 38 sư đoàn các nước Ý, Romania, Bulgaria, Hungary, Phần Lan, Slovakia, Croatia, Pháp- với tổng quân số trên 5 triệu người (4.300.000 quân Đức và 750.000 quân các nước chư hầu), tập trung dọc theo hơn 2.900 km biên giới, từ bờ biển Baltic phía Bắc đến bờ biển Đen phía Nam. Một số lượng khổng lồ phương tiện chiến tranh được triển khai gồm khoảng 5.000 xe tăng và pháo tự hành, 3.400 xe thiết giáp, 600.000 xe cơ giới các loại, 47.000 pháo và súng cối, 4.940 máy bay các loại và khoảng 300 tàu chiến (trong đó có 105 tàu khu trục, 86 tàu ngầm các loại), với mục tiêu chiếm Moscow trước cuối năm. Chiến tranh Xô - Đức bắt đầu.
Đối mặt với lực lượng hùng hậu của Đức quốc xã, phía Liên Xô đã huy động 141 sư đoàn với 3,2 triệu quân.
Trước sự tấn công ồ ạt của binh lính Đức, người ta cho rằng Moscow sẽ không cầm cự được quá 1 tháng. Nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Hồng quân Liên Xô dù bị bao vây nhưng đã chiến đấu kiên cường, tử thủ, kìm chân đối phương. Sau 5 tháng binh lửa, quân Đức chết 1 triệu.
Bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến đã diễn ra tại hai địa bàn quan trọng nhất: Moscow và Stalingrad.
Tháng 10/1941, nước Đức tập trung sức lực để mở cuộc tấn công vào hướng Moscow với hi vọng chiếm được thủ đô sẽ buộc Liên Xô phải khuất phục. Mật danh của cuộc chiến dữ dội này được người Đức đặt tên là “Bão táp”, với 80 sư đoàn, trong đó có 23 sư đoàn xe tăng và cơ giới (khoảng hơn 1,8 triệu quân) và gần 1000 máy bay tấn công vào Moscow. Tin tưởng vào sức mạnh, Hitler quyết định ngày 7/11/1941 sẽ chiếm xong Moscow và duyệt binh chiến thắng tại Hồng trường. Nhưng Moscow vẫn vững vàng. Cho đến ngày 15/11/1941, quân Đức mở đợt tấn công thứ hai- đợt tấn công quyết định nhưng không thành công.
Cho đến tháng 12, thế trận dần biến đổi khi quân Đức đã bị tiêu hao quá nhiều. Mùa Đông Moscow cắt da cắt thịt khiến quân Đức như chết đứng trong những trận mưa tuyết. Lúc này tướng Zhukov quyết định phản công. Dọc phòng tuyến dài 360 km trước Moscow, Hồng quân tung ra 7 tập đoàn quân và 2 quân đoàn kỵ binh (tổng cộng 100 sư đoàn với khoảng 80 vạn quân). Những con người dày dạn trận mạc đã tiêu diệt 500.000 quân Đức và đánh bật kẻ thù ra khỏi chiến trường Moscow.
Đây là trận thất bại lớn nhất của quân Đức kể từ đầu cuộc chiến. Hitler tức giận đã cách chức Tổng tư lệnh Lục quân, Tư lệnh Tập đoàn quân trung tâm, Tư lệnh Tập đoàn quân xe tăng 2 và hàng chục tướng lĩnh khác. Chiến lược “chiến tranh chớp nhoáng” được Hitler áp dụng thành công ở nhiều nước đã thất bại, mở đầu cho những thất bại sau này.
Trong suốt quãng thời gian kể từ năm 1941, quân đội Đức đã mở nhiều chiến dịch lớn tấn công vào những vùng trọng điểm của Liên Xô. Trong đó có chiến dịch vào đầu năm 1942, với 102 sư đoàn gồm hơn 2 triệu quân, gần 2.600 xe tăng và pháo tự hành, được biên chế vào 6 tập đoàn, tấn công vào vùng dầu mỏ của Liên Xô.
Tuy nhiên, Hồng quân Liên Xô lại mở một cuộc tử thủ nữa, đó chính là trận Stalingrad, từ cuối tháng 7 đến cuối tháng 9/1942. Chiến sự tại đây vô cùng ác liệt và đẫm máu cả trên mặt đất và trên không. Quân Đức xác định bằng mọi giá phải chiếm được thành phố này, nhằm đánh gục biểu tượng của lãnh tụ Liên Xô lúc bấy giờ là Stalin. Còn Hồng quân Xô viết cũng xác định tử thủ, giữ bằng được thành phố, bởi mất Stalingrad thì coi như mất toàn bộ miền Nam của đất nước.
Sử sách ghi nhận dự khốc liệt đến cả từ hai phía. Ngay cả các cống rãnh cũng trở thành chiến địa, nơi binh sĩ hai bên “quần nhau trong một mê hồn trận gồm những đường ống cống chằng chịt như mê cung”.
Đến tháng 11/1942, mùa đông lại đến, quân Đức lại rơi vào sa lầy, tình thế trở nên nguy ngập.
Cũng giống như trận chiến Moscow, đến lúc này Hồng quân mới tung ra đòn phản công quyết liệt: 1,1 triệu quân, 1.463 xe tăng và pháo tự hành và 1.350 máy bay xung trận. Khoảng 33 vạn quân Đức đã rơi vào vòng vây siết chặt và bị tiêu diệt tại Stalingrad.
Trận chiến Stalingrad được coi là bước ngoặt của cuộc chiến thế giới lần thứ 2: Một bộ phận binh lực quan trọng của phe Đức bị tiêu diệt, mất nhuệ khí buộc phải chuyển từ thế tấn công sang thế phòng ngự. Trong khi đó, Liên Xô chuyển sang thế phản công.
Một trong những trận phản công dữ dội nhất đã diễn ra tại Vòng cung Kursk, vào tháng 7/1943. Trong trận này, Đức đã tung ra những đơn vị thiết giáp lớn hòng xoay chuyển tình thế. Đây chính là chiến trường đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử thế giới, giữa gần 3.000 xe tăng - pháo tự hành của Đức và khoảng 5.000 xe tăng Liên Xô; Trong đó sự càn lướt của những chiếc xe tăng T34 đã gieo rắc nỗi kinh hoàng cho đối phương.
Sau chiến thắng ở Vòng cung Kursk, Hồng quân tiếp tục chọc thủng tuyến phòng thủ sông Dnepr của Đức. Cuối tháng 12/1943, Hồng quân đã giải phóng hoàn toàn nửa phía Đông lãnh thổ Ukraina. Cục diện chiến trường diễn biến mau lẹ. Trong 2 tháng 1 và 2/1944, Hồng quân giải vây Leningrad sau 900 ngày chiến đấu kiên cường với quân Đức, kết thúc chiến dịch bao vây kéo dài nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Đến cuối năm 1944, Liên Xô đã giành lại được hầu hết số lãnh thổ bị Đức chiếm đóng và liên tục đẩy lùi lực lượng ngày càng suy yếu của Đức về phía Tây. Chiến dịch Baltic từ 14/9 đến 24/11/1944 là chiến dịch giải phóng phần đất cuối cùng của Liên Xô. Tiếp đó, Hồng quân đã rộng đường tiến vào Đông Âu truy quét binh lực Đức quốc xã, cho tới ngày 8/5/1945 (giờ Berlin), Thủ đô của nước Đức quốc xã thuộc về đoàn quân chiến thắng của Liên Xô và Đồng minh.
Thiếu tá Alexey Gordeyevich Eremenko, tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 220, Sư đoàn bộ binh 4 dẫn đầu đội hình xung phong của Hồng quân tại Voroshilov ngày 12/6/1942. Eremenko đã hy sinh trong trận chiến đấu này.
Nguyên soái Zhukov là ai?
Trong cuộc chiến của Liên Xô chống lại và đập tan binh lực Đức quốc xã, có công rất lớn của vị tướng tài ba: Nguyên soái Georgy Zhukov. Ông sinh ngày 1/12/1896 trong một gia đình nông dân nghèo ở Strelkovka, Kaluga Oblast. Năm 1915, ông bị quân đội Nga bắt đi lính và chiến đấu trong Thế chiến I. Ông gia nhập Đảng Bolshevik sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Con đường binh nghiệp của Zhukov thăng tiến rất nhanh, ông lần lượt được bổ nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Hồng quân.
Trong thế chiến 2, Zhukov lần lượt giữ các chức vụ: Tư lệnh Phương diện quân Dự bị, Tư lệnh Phương diện quân Tây, Tư lệnh Phương diện quân Belorussian 1, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Liên Xô trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng.
Ông chính là người trực tiếp chỉ huy cuộc phản công ở Stalingrad năm 1942, giúp Hồng quân lật ngược thế cờ, chuyển từ phòng ngự sang phản công. Zhukov cũng được cho là người khai sinh chiến thuật xe tăng của cực kỳ hiệu quả của Hồng quân. Điều đó nổi bật trong trận Vòng cung Kursk, trận đánh xe tăng lớn nhất lịch sử nhân loại vào năm 1943. Tiếng tăm của Zhukov vang khắp các chiến trường.
Năm 1944, ông chỉ huy Phương diện quân Belorussian 1 tham gia trận đánh Vistula - Oder Offensive và trận Berlin. Người ta nói rằng ở đâu có Zhukov ở đó xuất hiện bước ngoặt của chiến sự.
Nguyên soái Zhukov cũng chính là người tham gia ký kết văn kiện đầu hàng của Đức quốc xã và chỉ huy cuộc diễu binh mừng chiến thắng ở Thủ đô Moscow.
Tuy nhiên, sau chiến tranh, vị tướng cầm quân lừng lẫy ấy cũng phải chịu không ít cay đắng. Trong đó có việc ông bị tước chức vụ Tổng tư lệnh Quân đội Liên Xô ở Đông Đức với những lý do không rõ ràng; rồi bị điều xuống chỉ huy quân khu Odessa, một khu vực nằm xa Moscow và không có tầm quan trọng đối với quân đội.
Chưa hết, giai đoạn 1946-1948, ông bị cáo buộc hàng loạt tội danh như tiêu hủy chiến lợi phẩm chiến tranh, cường điệu hóa sức mạnh của Đức quốc xã, tàng trữ trái phép tài sản thu được của Đức quốc xã...
Tháng 2/1948, phục hồi sức khỏe sau một cơn đau tim, Zhukov được bổ nhiệm làm chỉ huy quân khu Urals. Tháng 2/1953, ông được triệu hồi về Moscow nhưng không nắm bất cứ chức vụ gì rõ ràng. Năm 1955, Nguyên soái Zhukov được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 28/10/1957, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã nghiêm khắc phê bình Zhukov. Ngày 29/10/1957, nguyên soái Zhukov bị bãi nhiệm mọi chức vụ. Cho đến ngày 18/6/1974, ông lặng lẽ ra đi, khép lại cuộc đời của một vị tướng lừng danh kim cổ.
Cái chết nhiều nghi vấn của trùm phát xít Hitler
Về phía phe Trục, Hitler là nhân vật khiếp đảm bậc nhất. Tuy nhiên đến nay cái chết của Hitler vẫn được cho là còn nhiều bí ẩn. Adolf Hitler được xác nhận là đã tự tử, thi thể được Hồng quân Liên Xô tìm thấy và nhận dạng. Và người ta vẫn tin vào điều đó.
Tuy nhiên, trong một tài liệu bí mật mà FBI (Mỹ) công bố, thì hình như khi Berlin thất thủ Hitler vẫn còn sống và chạy trốn sang Argentina, sống cho đến cuối đời tại chân núi Andes với người tình của mình trong một căn nhà đá nhỏ.
Theo tài liệu này, Hitler cùng vợ mới cưới là Eva Braun đã trốn thoát nhờ sự giúp đỡ của Allen Dulles và chạy thoát bằng tàu ngầm sang Argentina.
Đến năm 2009, nhà khảo cổ học từ Viện Connecticut- Nicholas Bellatoni- được phép kiểm tra DNA từ một mảnh vỏ xương sọ được cho là của Hitler. Nhà khảo cổ này cho rằng đấy không phải DNA của Hitler hay vợ ông ta. Đến đây câu hỏi đặt ra là Hồng quân Liên Xô đã phát hiện gì ở nơi Hitler được coi tự sát và Hitler đã đi đâu?
Phát hiện này khiến người ta nhớ lại thông tin được tờ Business Insider công bố, dẫn báo cáo của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đề ngày 21/9/1945, rằng một người cung cấp tin đã tìm đến phóng viên tờ Los Angeles Examiner để kể về việc anh đã giúp 6 quan chức cấp cao của Argentina đón Hitler lên đất Argentina từ một tàu ngầm và đưa trùm phát xít tới núi Andes.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giả thuyết; giống như những gì được diễn tả trong cuốn sách xuất bản cách đây không lâu, tiêu đề “Hitler’s Last Day: Minute by Minute” của 2 tác giả Jonathan Mayo và Emma Craigie- khi nói về chi tiết trong 24 tiếng cuối đời của Hilter. Các tác giả cho rằng, trước khi chết Hitler tự giam mình trong boong-ke cố thủ ở Berlin (sâu dưới đất 9 mét). Tại đây, chỉ một ngày trước khi lìa đời, Hitler cưới Eva Braun- nhân tình đã 14 năm của ông ta. Và rồi ngay sau đó cả hai cùng tự sát.
Hitler và Eva chênh nhau tới 23 tuổi. Hai người gặp nhau vào tháng 10/1929. Khi ấy Eva mới 17 tuổi, làm trợ lý trong một tiệm ảnh ở Munich. Đám cưới của họ diễn ra trong boong-ke, với sự chứng kiến của Goebbels (Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền) và Martin Bormann- Thư ký riêng và gác cổng của Hitler.
Các tác giả của cuốn sách viết: “Eva Braun và Adolf Hitler từ phòng mình đi ra, tay Eva lồng qua tay Hitler. Eva vận bộ đầm đen còn Hitler thì vẫn mặc như mọi khi, với quần đen và áo jacket quân sự màu xám”.
Dù còn nhiều nghi vấn nhưng tới nay nhiều người vẫn cho rằng, Eva và Hitler đã tự sát, cũng có nghĩa là chế độ Đức quốc xã sụp đổ hoàn toàn; chủ nghĩa phát xít diệt vong. Cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại khép lại, nhưng ký ức đau buồn thì vẫn còn đó với nhân loại. Mãi mãi.
Cuộc duyệt binh có một không haiNgày 22/6/1941, phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô. Cuộc chiến tranh xâm lược Liên Xô của phát xít Đức mở màn cũng khởi đầu cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại và thiêng liêng của Liên Xô kéo dài suốt 1.418 ngày đêm với hàng ngàn trận đánh lớn, nhỏ diễn ra vô cùng khốc liệt. Để phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Mười, ngày 7/11/1941, nhân kỷ niệm 24 năm cuộc Cách mạng vĩ đại này, Chính phủ Liên Xô quyết định tổ chức cuộc duyệt binh đặc biệt trên Quảng trường Đỏ trong điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp của thời chiến khi quân phát xít Đức đã tiến sát cửa ngõ thủ đô Moscow. Từ Quảng trường Đỏ, sau khi kết thúc cuộc duyệt binh, các binh chủng của Hồng quân Liên Xô trong trang phục và vũ khí chiến đấu tham gia sự kiện đã tiến thẳng ra mặt trận.
Cuộc duyệt binh này không chỉ là cuộc duyệt binh ngắn nhất trong số các cuộc duyệt binh thời Xô Viết mà còn là cuộc duyệt binh mạo hiểm nhất, bởi lẽ ngày hôm đó các đơn vị tiền duyên của phát xít Đức chỉ cách thủ đô Moscow 50 km.