Hàng chục năm, tuyến đê tả sông Hồng (đê cấp 1) ở địa bàn xã Cao Đại (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) “quằn quại” bởi hoạt động kinh doanh bến bãi tập kết cát, sỏi diễn ra tràn lan. Đáng ngại hơn, càng bị lập biên bản xử lý thì các doanh nghiệp lại càng vi phạm nghiêm trọng hơn.
Đê tả sông Hồng tại xã Cao Đại bị băm nát bởi hoạt động
kinh doanh bến bãi tập kết cát sỏi tràn lan.
Doanh nghiệp “quần nát” bờ đê
Tuyến đê tả sông Hồng trên địa bàn xã Cao Đại chỉ dài hơn 2 km nhưng là địa điểm xung yếu bảo vệ cả vùng dân cư rộng lớn khỏi nạn lũ lụt. Tuy nhiên, từ nhiều năm gần đây, tuyến đê này đã bị “quần nát” bởi các bến bãi tập kết cát, sỏi.
Theo quan sát của phóng viên, trên đoạn đê dài khoảng 1 km từ UBND xã Cao Đại đến sát Quốc lộ 2 có tới hàng chục trường hợp xâm hại nghiêm trọng hệ thống đê điều. Cả một đoạn đê dài vốn là hành lang thoát lũ đã biến thành hàng chục bãi chứa cát, sỏi, vật liệu xây dựng khổng lồ, nối tiếp nhau trùng trùng, điệp điệp. Những bãi cát, sỏi sừng sững, cao hơn mặt đê hàng chục mét, thậm chí ăn sát vào chân đê.
Trong các bãi tập kết cát, sỏi, chủ bãi còn cho xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà cửa, kho bãi bằng bê tông kiên cố, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thoát lũ và sự an nguy của hệ thống đê tả sông Hồng. Tại mỗi bến bãi như một đại công trường với các máy xúc cát, máy gạt, băng truyền và công nhân tấp nập vận chuyển cát từ các tàu hút cát dưới lòng sông lên bến bãi và từ bến các lên các xe tải.
Mỗi ngày có cả trăm, cả nghìn lượt xe tải vào bến bãi “ăn” cát, sỏi và vận chuyển đi tiêu thụ khiến mặt đê nhiều đoạn bị băm nát nham nhở. Nhiều đoạn mặt đê bị nứt vỡ, sụt lún.
Theo thống kê, hiện nay tuyến đê tả sông Hồng trên địa bàn xã Cao Đại tồn tại hàng chục bãi tập kết vật liệu cát, sỏi xâm phạm hành lang đê điều.
Điển hình như: Công ty TNHH Phú Thịnh không chỉ lấn chiếm hành lang bảo vệ đê điều, Công ty này còn tự ý bóc dỡ mái kè ở bờ sông để đóng mố cho máy đứng cẩu hàng, phá bê tông mái kè để luồn ống nước, xây bịt kín hai đầu hành lang bảo vệ kè, cũng như hành lang bảo vệ đê làm của riêng.
Trường hợp khác, Công ty TNHH Hà Anh đóng cọc thép và quây tời làm mố cẩu cát, làm hàng rào chắn ngang hành lang kè, đổ cát và bê tông vỡ lấn mái kè, làm mố và tập kết cát, sỏi trên hành lang bảo vệ kè; Công ty TNHH Vĩnh Lạc xây nhà, tường trên hành lang bảo vệ đê, …
Đáng bàn hơn, là việc UBND xã Cao Đại có dấu hiệu “tiếp tay” cho các doanh nghiệp xâm hại đê điều khi hào phóng cho nhiều doanh nghiệp thuê đất làm bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ngay trên hành lang bảo vệ đê tả sông Hồng với thời hạn 10 năm. Tất cả các bến bãi tập kết cát, sỏi vi phạm hành lang đê điều diễn ra trong thời gian dài, cách trụ sở UBND xã Cao Đại chỉ khoảng vài chục mét.
“Doanh nghiệp quá lộng hành và giàu lên nhanh chóng còn hệ thống đê điều thì hấp hối từng ngày. Người dân ai cũng hoang mang, nếu xảy ra vỡ đê khi lũ lụt thì hàng trăm nghìn hộ dân sẽ chìm trong biển nước. Chả lẽ ngành chức năng để các doanh nghiệp phá đê điều mãi như thế này sao…”- ông Vinh, một người dân xã Cao Đại ngao ngán.
Thách thức pháp luật?
Lý giải về thực trạng đê điều bị xâm hại, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc thừa nhận, tình trạng vi phạm Luật đê điều trên địa bàn xã Cao Đại chủ yếu là lập các bãi tập kết cát, sỏi trên bờ sông, phạm vi bảo vệ kè và trong hành lang thoát lũ; Sử dụng các phương tiện quá trọng tải quy định vận chuyển cát sỏi lưu thông trên đê.
Các bến bãi tập kết cát, sỏi tại xã Cao Đại chủ yếu là tự phát tồn tại trong nhiều năm qua. Có bến bãi là diện tích đất của dân tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất làm dịch vụ, hoặc diện tích đất quỹ II do địa phương cho các chủ bãi thuê…Các bến bãi tập kết cát, sỏi này có khả năng gây ra nguy cơ sạt lở bờ sông, mất an toàn hệ thống đê kè và cản trở khả năng thoát lũ của sông về mùa lũ, ảnh hưởng đến giao thông đường thủy vào mùa nước cạn.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hợi- Trưởng phòng Phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai- Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, xã Cao Đại là điểm nhức nhối về tình trạng xâm hại đê tả sông Hồng. Chi cục Đê điều năm nào cũng lập biên bản vi phạm, liên tục kiến nghị chính quyền địa phương vào cuộc xử lý. Chính quyền cũng vào cuộc ở mức độ nhất định chứ không kiên quyết.
Ông Hợi thừa nhận: Nếu bảo làm hết trách nhiệm chưa thì chúng tôi thừa nhận chưa làm hết trách nhiệm, nhưng chúng tôi đã hết sức cố gắng...
Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Sinh - Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Vĩnh Phúc cho hay, Chi cục thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và có nhiều biên bản xử phạt hành chính nhưng không làm gì được. Cái khó là chức năng của Chi cục Đê điều chỉ là phát hiện, ngăn chặn và đề xuất xử lý: “Chi cục Đê điều chỉ quản lý nhà nước về hệ thống đê điều, còn chính quyền mới có thẩm quyền xử lý. Chúng tôi kiến nghị rất nhiều, nhưng chính quyền địa phương không vào cuộc giải quyết triệt để…”- ông Nguyễn Đức Sinh giãi bày.
Thiết nghĩ ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm việc UBND xã Cao Đại cho doanh nghiệp thuê cả hành lang bảo vệ đê để họ kinh doanh bến bãi tập kết cát, sỏi cũng như việc buông lỏng quản lý, dung túng cho các doanh nghiệp xâm hại đê điều trong thời gian dài.