Trong những vụ bạo lực học đường xảy ra thời gian vừa qua có một điều rất đau lòng, thậm chí đáng phẫn nộ là có rất nhiều học sinh cũng chứng kiến sự việc nhưng không ai vào can ngăn, giúp đỡ nạn nhân. Đặc biệt trong vụ “hỗn chiến” của học sinh hai trường tại Thanh Hóa mới đây, xung quanh có rất nhiều học sinh nhưng, không ai vào can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ và dùng điện thoại quay lại vụ việc với vẻ rất thích thú.
Tranh minh họa.
Đau đớn hơn cả là khi có một, hai học sinh mạnh dạn đứng ra can ngăn hay phản đối đám đông thì ngay sau đó cũng bị “dằn mặt”. Thói ngông ngênh, thái độ giang hồ đã len lỏi vào đến giảng đường, làm hoen ố tâm hồn trong trắng, thơ ngây của tuổi niên thiếu. Điều này theo các chuyên gia về giáo dục nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ tạo điều kiện cho cái xấu vươn lên, đe dọa sự trong lành của môi trường giáo dục.
Nhiều bậc phụ huynh đã thốt lên đau đớn, thương xót cho học sinh bị đánh trong clip và lo lắng tột cùng cho sự an toàn con cái mình đang học tại nhà trường. Có ý kiến cho rằng phải xử nghiêm với hành vi bạo lực, thậm chí cho rằng Quốc hội nên cân nhắc hạ độ tuổi người phải chịu trách nhiệm hình sự xuống…
Đối mặt với tình trạng bạo lực học đường, nhiều bậc phụ huynh đã quản lý con bằng cách đưa đi đón về tất cả các buổi học trong ngày, có người cho con đi học võ để nâng cao sức khỏe và trang bị cho con sự đề kháng trước bạo lực.
Song không ai có thể bao bọc con cái suốt ngày, suốt đời. Điều mà dư luận lo lắng là giá trị đạo đức trong học sinh đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng dẫn đến “thói vô cảm”. Nhiều thanh thiếu niên dường như không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, không hề phẫn nộ, bất bình trước những bất công, những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt.
Ngày nay người ta vẫn bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ dắt người già, trẻ em qua đường, những học sinh bắt được của rơi trả người đánh mất nhưng là hiếm lắm so với cảnh tụ tập nhau phóng xe lạng lách, hút thuốc lá, thổi bóng cười trong các quán sá… Không thiếu em hầu như dửng dưng, vô tình trước cuộc sống của người khác, của bạn bè, thậm chí là với cả những người thân trong gia đình.
Điều cốt lõi, theo TS Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô cảm và tha hoá đạo đức của học sinh, nhưng cái gốc chính là cách giáo dục từ trong gia đình cho đến nhà trường và ngoài xã hội còn quá thờ ơ, hời hợt.
Vậy, phải làm sao đây?