Là dự án xây dựng hạ tầng lớn nhất ở khu vực TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ giải quyết ùn tắc, tạo hạ tầng giao thông công cộng chủ lực cho hàng triệu người dân, nhưng sau hơn 10 năm thi công, các dự án xây dựng đường sắt đô thị (metro) liên tục trễ hẹn, vỡ kế hoạch đề ra. Thậm chí, nhiều dự án dù chưa khởi công nhưng vẫn…trễ hẹn khiến người dân lo lắng.
Tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên vẫn ngổn ngang sau 12 năm triển khai.
Điệp khúc trễ hẹn
Với 8 tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch và 3 tuyến (số 1, 2, 5) đang được triển khai, hệ thống metro nếu hoàn thành có thể được coi là phương tiện giao thông hiện đại, giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc, kẹt xe. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm, đến nay chỉ có duy nhất tuyến số 1 Bến Thành-Suối Tiên (dài 19,8 km) là có hình hài với một số đoạn đường trên cao đã thi công xong. Thế nhưng, tổng khối lượng hoàn thành của dự án được triển khai từ năm 2007 này đến giờ cũng chỉ khoảng 60%. Trước đó, dự án này đã có 2 lần trễ hẹn với dự kiến hoàn thành năm 2018, sau lùi sang năm 2019 và đến nay được chủ đầu tư dự kiến là năm 2020 sẽ đưa vào khai thác.
Trong khi đó, tuyến đường sắt đô thị số 2 giai đoạn 1 Bến Thành-Tham Lương (quận 12) dài 11,3 km được coi là có năng lực vận tải lớn nhất trong hệ thống metro với toàn bộ tuyến đều đi qua khu vực trung tâm đông đúc của quận 1, quận 3, Tân Bình, quận 10, Tân Phú, quận 12; cũng nhiều lần trễ hẹn.
Cụ thể, bắt đầu được triển khai từ năm 2009, với tổng nguồn vốn dự kiến là 1,38 tỷ USD và sẽ hoàn thành vào năm 2018 nhưng đến nay (năm 2018), dự án này vẫn chưa…khởi công. Điều đáng nói, dự án này không chỉ liên tục trễ hẹn mà còn bị đội vốn gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
Theo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP HCM, năm 2013, dự án xây dựng tuyến metro số 2 được điều chỉnh lên 2,15 tỷ USD với thời gian hoàn thành vào năm 2020. Tuy nhiên, hồi đầu năm 2018, dự án lại tiếp tục được lùi lại với mốc thời gian là năm 2024 sẽ hoàn thành. Điều đáng nói đến nay, các hạng mục quan trọng như giải phóng mặt bằng của dự án này vẫn chưa xong khâu thủ tục pháp lý.
Trong khi đó, tuyến metro số 5 được sắp xếp thực hiện tiếp theo tuyến số 1 và số 2 với lộ trình cầu Sài Gòn (Bình Thạnh) đi ngã tư Bảy Hiền (Tân Bình) giai đoạn 1 đến nay vẫn loay hoay với việc tìm nhà đầu tư để hoàn thiện các phương án thiết kế trên…giấy tờ, cũng như tìm kiếm nhà đầu tư. Đặc biệt, do đây là dự án có tổng số vốn lớn hơn 10.000 tỷ đồng nên phải chờ Quốc hội phê duyệt mới được thực hiện. Đến nay dự án vẫn chưa chính thức được phê duyệt.
Bắt đầu từ khi được triển khai thực hiện vào năm 2006 đến nay, đã 12 năm trôi qua nhưng các dự án metro ở TP HCM vẫn rất ngổn ngang. Tất nhiên, không ai biết chính xác bao giờ các dự án này sẽ chính thức được đưa vào sử dụng bởi đến nay, những mốc thời gian chỉ là dự đoán trong khi vẫn còn nhiều khó khăn bủa vây các gói thầu thi công.
Nhiều hệ lụy
Theo ông Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, thì tình trạng các dự án trọng điểm như xây dựng đường sắt đô thị chậm tiến độ kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó đáng chú ý nhất là việc đội vốn. Việc này đã ảnh hưởng rất nhiều đến nguồn ngân sách và có thể là gánh nặng cho người dân khi hệ thống được đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, với thời gian thực hiện trên 10 năm, tình hình giao thông và nhu cầu di chuyển của người dân đã có nhiều thay đổi, nên rất có thể một dự án sẽ mất đi hiệu quả so với tính toán nếu nó được hoàn thành sau đó hàng thập kỷ.
Đặc biệt, ông Tuấn cũng chỉ ra rằng, so với các nước khác trên thế giới, thời gian để thực hiện các dự án metro ở nước ta chậm hơn rất nhiều. Thậm chí như ở Ấn Độ, chỉ mất 4-5 năm để xây dựng 1 tuyến metro hay như Thượng Hải (Trung Quốc) thì chỉ cần 10 năm đã xây được 10 tuyến metro với tổng chiều dài lên đến 200 km. Hay như Indonesia, một nước trong khu vực Đông Nam Á cũng chỉ mất khoảng 6 năm để hoàn thành một tuyến metro. Ngoài ra, việc chậm hoàn thành các tuyến metro đầu tiên sẽ kéo theo các tuyến kế tiếp bị ảnh hưởng. Bởi nhiều khi, nguồn vốn của các tuyến sau sẽ được triển khai nhờ hiệu quả và nguồn thu từ các tuyến trước.
Trong khi đó, một số chuyên gia giao thông khác lại cho rằng, nhu cầu sử dụng các phương tiện vận tải, nhất là vận tải công cộng sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt là trong giai đoạn bùng nổ các phần mềm công nghệ thông tin như hiện nay. Nếu không thực hiện tốt và có một dự báo chính xác, rất có thể các tuyến metro được nhiều kỳ vọng sẽ rơi vào tình trạng ế ẩm trong tương lai bởi thực tế, nhiều nước như ở Thái Lan, Singapore, hệ thống metro cũng không phải là lựa chọn hàng đầu của người dân khi tham gia giao thông.