Xây nhà sai phép trên đất ở đã là vi phạm không thể chấp nhận được, nhiều chủ công trình đã bị chính quyền sở tại lập biên bản, cưỡng chế phá dỡ. Vậy mà có tới gần 1.600 ngôi nhà vô tư mọc lên trên đất nông nghiệp thì quả là “bó tay”.
Thông tin từ người có trách nhiệm TP Châu Đốc (tỉnh An Giang) khẳng định, trên địa bàn đã mọc lên khoảng 1.570 ngôi nhà trái phép trên đất nông nghiệp. Hiện, cơ quan chức năng của TP Châu Đốc đang tiến hành kiểm tra để có hướng xử lý. Liệu có thể xử lý được không khi mà chính quyền cơ sở buông lỏng quản lý, để người dân tự ý đầu tư xây dựng nhà trên đất nông nghiệp tràn lan như vậy?
Thường thì người ta hay có “hội chứng đám đông”, nghĩa là làm theo những điều nhiều người khác đã và đang làm. Chẳng thế mà có câu chuyện vui là có một người bị chảy máu cam đứng ngửa mặt lên trời để cho khỏi chảy máu mũi, một vài người đi qua tưởng anh ta đang nhìn thứ gì đó nên cũng ngửa mặt lên nhìn. Và thế là chỉ sau một lúc thì rất đông người tụ tập lại cùng đứng ngửa mặt lên trời mà chẳng để nhìn cái gì cả.
Việc xây dựng nhà không phép cũng như vậy. Một người, hai người, ba người rồi nhiều người xây dựng không phép, sai phép được, có lý gì những người khác không theo? Nếu cơ quan chức năng, chính quyền sở tại thực sự quản lý chặt chẽ, ngăn chặn ngay từ đầu thì còn có thể kiểm soát được. Ngược lại, nếu có sự “nhấm nháy”, hay chỉ đơn giản là buông lỏng quản lý với một vài trường hợp thì sự việc sẽ rất phức tạp.
Khi mà không có biện pháp ngăn chặn từ đầu, để người dân đua nhau xây dựng nhà không phép, sai phép, việc xử lý sẽ không hề đơn giản. Thứ nhất là khó có thể cùng một lúc thực hiện cưỡng chế tháo dỡ nhiều công trình xây dựng không phép, sai phép, bởi còn liên quan đến lực lượng, kinh phí... Thứ hai, việc cưỡng chế cũng không chỉ đơn giản là thực hiện đúng pháp luật, mà còn phải căn cứ tình hình thực tế, hoàn cảnh người vi phạm.
Thực tế thì ở nhiều địa phương trên toàn quốc vẫn thường xuyên xảy ra việc người dân tự ý lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp để xây dựng nhà trái phép. Một số trường hợp là do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát nên không nắm được tình hình. Song, hầu hết các trường hợp là do có sự nhấm nháy để bỏ qua vi phạm. Chỉ đến khi sự việc vỡ lở mới cuống quýt xử lý kiểu vuốt đuôi.
Song, với việc để tới gần 1.600 công trình vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp như TP Châu Đốc thì đúng là “xưa nay hiếm” thật. Hiếm theo đúng nghĩa đen trần trụi của nó, nghĩa là chưa từng có địa phương nào để xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan đến mức báo động như vậy. Hiếm còn theo nghĩa chưa có lãnh đạo địa phương nào dám thờ ơ, buông lỏng quản lý, thậm chí có tiêu cực để xảy ra vi phạm nhiều như vậy.
Giờ đây, nếu chiếu theo quy định của pháp luật, tất cả những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp đều sẽ phải thực hiện cưỡng chế tháo dỡ (nếu người dân không chấp hành tự nguyện tháo dỡ). Vậy câu hỏi đặt ra là lực lượng chức năng của TP Châu Đốc có đủ đông, đủ mạnh để có thể thực hiện cưỡng ché tháo dỡ ngần ấy công trình xây dựng không phép của người dân? Và quan trọng hơn là lấy kinh phí ở đâu?
Đó là mới bàn đến “cái khó” của chính quyền, còn “cái khổ” của người dân thì sao? Như đã nói ở trên, với nhiều gia đình việc xây dựng một căn nhà là do tằn tiện chắt bóp cả đời. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu bị phá dỡ họ sẽ trở về hai bàn tay trắng, mất sạch. Lãnh đạo địa phương có từng nghĩ, nếu họ cương quyết ngay từ đầu thì người dân có bị lãng phí tiền bạc một cách vô ích như vậy?
Còn nhớ, cách đây chưa lâu, sau khi Báo Đại đoàn kết có bài phản biện về việc một địa phương để “mọc” lên tới 35 công trình xây dựng không phép ngay gần trụ sở UBND phường. Sau đó, vị chủ tịch phường đã bị cách chức, dù ông này vẫn tỏ ra oan ức, cho rằng việc người dân xây dựng không phép ông ta không biết, không liên quan. Song, đó chỉ là cách lý giải mang tính bao biện, chống chế.
Nói như một số đại biểu Quốc hội từng phát biểu trên nghị trường, người dân chỉ cần mua viên gạch, gọi xe cát thì chính quyền sở tại và thanh tra xây dựng đã đến “hỏi thăm”. Chẳng có lý gì họ xây dựng cả một công trình đồ sộ không phép ngay trước mắt mà lãnh đạo địa phương lại không biết. Chỉ có hai trường hợp xảy ra, hoặc là buông lỏng quản lý, hoặc là nhấm nháy tiêu cực.