Những ngày này cả nước hướng về miền Trung, nơi đồng bào ta đang phải gồng mình hứng chịu trận lũ kinh hoàng. Những trận mưa xối xả trút xuống; những trận lốc xoáy bất ngờ đã khiến các tỉnh từ Nghệ An tới Quảng Trị chìm trong biển nước. Làng xóm bị cô lập. Tài sản bị cuốn trôi theo dòng nước. Và cả những con người lương thiện đã không còn được sống tiếp trên đời.
Tình người trong cơn lũ dữ.
Miền Trung là vùng “đất thắt” của Tổ quốc. Nơi những cồn cát trắng chạy dài như không có điểm cuối dưới nắng Mặt Trời thiêu đốt. Ở đó, chỉ có những bụi xương rồng và những hàng dương xơ xác.
Miền Trung, nơi những con sông gấp gáp chảy ra biển khiến mỗi mùa mưa lại đem đến nhiều ẩn họa. Ở đây núi non, sông biển, những cánh rừng… phong cảnh nên thơ nhưng cũng là nơi quá nghèo. Những năm gần đây, do tác động xấu của biến đổi khí hậu, mỗi năm miền Trung gánh chịu nhiều trận bão hơn, nhiều đợt lũ lụt hơn.
Khi mà thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra chưa qua thì lũ lụt lại ập tới. Người dân vốn đã khó khăn lại khó khăn hơn.
Đã thế, khi nước chưa kịp rút, người dân chưa kịp gom nhặt những gì còn sót lại sau trận lũ dữ thì ngoài khơi siêu bão Sarika lại chực chờ lao vào đất liền, tuy được dự báo theo hướng từ Nam Định đến Quảng Ninh nhưng ai mà lường hết được, rất có thể những tỉnh Bắc Trung Bộ cũng lại phải gánh bão.
Nước ngâm nhiều ngày, đất ngậm nước nên rất yếu. Chỉ cần thêm một trận mưa to, một đợt bão quét thì ngay cả những hàng cây lâu năm cũng khó có thể đứng vững.
Cho đến hôm nay, dọn dẹp sau khi nước rút và lại thấp thỏm đợi bão, người dân nơi đây vẫn không thể yên lòng. Những con số thống kê về thiệt hại cho thấy mức độ tàn phá khủng khiếp của lũ, cho thấy sự khổ cực của người dân.
Tính đến thời điểm này đã có 21 người chết, 8 người mất tích, 13 người bị thương, 100.000 ngôi nhà còn ngập, diện tích hoa màu bị ngập ở 3 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An lên đến hơn 9.000 ha.
Con số vẫn chưa dừng lại bởi người dân miền Trung vẫn đang vật vã chống chọi với dòng lũ dữ chưa chịu rút hết. Nhưng dẫu sao, thì đó cũng vẫn chỉ là những con số, còn thì với người trong cuộc, mất mát của họ là không thể tính hết.
Biết bao gia đình chỉ một trận lũ bỗng trắng tay. Có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người con gái phải vái vọng mẹ vì nước lũ chia cắt không thể tới bên đấng sinh thành trong phút cuối khi âm dương cách biệt.
Đau đớn thay một em học trò trên đường về nhà chỉ sảy chân thôi cũng bị lũ cuốn trôi. Hai cha con đi đánh cá, nước dâng không kịp chạy cũng đành thiệt mạng, trong khi cô gái mới 17 tuổi đời.
Rồi cảnh đêm khuya trời tối đen như mực, vợ chồng con cái bế bồng nhau chạy lũ… Những cảnh đời, phận người trong cơn lũ dữ khiến người ta rơi nước mắt.
Trong khốn khó, người dân miền Trung bao giờ cũng bộc lộ những phẩm chất cao quý. Người miền Trung ngoan cường, không sợ khó sợ khổ. Người miền Trung với tinh thần tương thân tương ái nhường cho nhau từng hớp nước, từng bát mì tôm.
Một ngôi nhà cấp 4 vẫn sẵn sàng mở cửa đón tới 7 hộ gia đình tạm trú nước lũ. Gian khó mới đo lòng người. Của nả trong nhà vun lại chưa xong nhưng vẫn sẵn lòng giúp hàng xóm, sẵn sàng ra đường dọn dẹp để xe qua. Đó là những hành động vô cùng đẹp đẽ của chính những con người đang bị thiên tai hành hạ.
Cả nước hướng về miền Trung. Những ngày này, ai cũng trông về nơi vời vợi con nước, lo cho đồng bào của mình. Các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin về miền nước dữ.
Chính phủ vào cuộc, Mặt trận Tổ quốc vào cuộc, các đoàn thể, nghiệp đoàn, hiệp hội vào cuộc. Và, cũng đã xuất hiện những hành động sẻ chia của những tấm lòng thơm thảo.
Miền Trung không đơn độc trong thiên tai. Một miếng khi đói hơn một gói khi no, lá lành đùm lá rách- đó là đạo lý truyền thống của người Việt Nam ta. Những tấm lòng thơm thảo đã và đang tiếp tục đến với miền Trung thương yêu, nơi đó có những con người cùng một bọc đang khốn khó.
Nhanh chóng giúp bà con miền Trung trong vùng lũ dữ ổn định cuộc sống là mệnh lệnh của trái tim. Từ trái tim đến với trái tim, đó là điều vô cùng cần thiết và cao cả trong lúc này để miền Trung vượt lên trong lũ dữ.