Ước tính có 7 bầy đàn với khoảng trên 100 cá thể Voọc chà vá chân nâu đang bị đe dọa bởi một dự án (DA) du lịch tại một phần diện tích Tây Nam bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Tại thời điểm này, công việc đo đạc, chuẩn bị cho giai đoạn 2 của DA có tổng diện tích lên đến 142,10 ha đang được chủ đầu tư rốt ráo thực hiện. Nguy cơ hiện hữu về mất sinh cảnh sống của loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm này ở Sơn Trà đang được tính từng ngày.
Vọoc chà vá chân nâu tại khu vực triển khai giai đoạn 2 dự án
Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa.
Rời tuyến đường Yết Kiêu tại vị trí giáp cảng Tiên Sa, theo con đường bê tông công vụ ở sườn Tây Nam bán đảo Sơn Trà khoảng 300m sẽ gặp chốt gác của một đơn vị bô đội. Từ chốt gác, nếu theo đường bê tông thêm 1,5km nhìn xuống mép biển là sinh cảnh sống của các bầy đàn Voọc chà vá chân nâu. Những ngày nắng ráo, từng đàn Vọoc đông đúc từ 7 đến 15 con kéo ra ngồi trên các cành, ngọn cây, hái lá để ăn và sinh hoạt theo tập tính. Voọc chà vá chân nâu thuộc nhóm IIB ở mức nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam, được các tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp vào danh sách các loài động vật cần được bảo vệ vô điều kiện.
Chuyên gia linh trưởng Vũ Ngọc Thành (nguyên cán bộ Trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐHQG Hà Nội, người từng có 40 năm nghiên cứu Voọc chà vá chân nâu, trong đó có 10 năm lặn lội ở Sơn Trà) cho biết, toàn bộ khu vực thuộc DA du lịch nói trên là sinh cảnh sống của ít nhất 7 bầy đàn Vọoc chà vá chân nâu với khoảng 140 cá thể. Ngay khi nhận được thông tin về giai đoạn 2 của DA Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa, ông Thành không giấu nổi lo lắng cho số phận các bầy đàn Vọoc mà ông cùng đồng nghiệp dày công nghiên cứu, tìm cách bảo tồn cho bằng được ở Sơn Trà.
Là một trong những chuyên gia hàng đầu về linh trưởng học của Việt Nam và thế giới ông Vũ Ngọc Thành khẳng định không nơi nào trên khắp hành tinh này, người ta có thể đứng ngắm nhìn, chụp ảnh Voọc trong tự nhiên như ở Sơn Trà. Trong số 1.000 loài thực vật ở Sơn Trà thì có đến 200 loài là thức ăn của Voọc chà vá chân nâu. Việc thực hiện các DA du lịch ở Sơn Trà dưới bất cứ hình thức nào cũng sẽ cướp đi sinh cảnh sống của loài linh trưởng được mệnh danh là “Nữ hoàng của các loài linh trưởng”, đẩy chúng đi nhanh hơn đến bờ vực của sự tuyệt chủng.
Năm 2006, khi khảo sát làm đề tài nghiên cứu ở Sơn Trà, nhóm chuyên gia ước tính tại đây còn khoảng 300 cá Vọoc chà vá chân nâu. Đến nay cá thể Vọoc chà vá chân nâu đã tăng lên do Sơn Trà được bảo vệ nghiêm ngặt hơn theo chế độ rừng đặc dụng nhưng đáng tiếc, số phận loài Vọoc chà vá chân nâu (còn gọi là Vọoc ngũ sắc với 5 màu lông) lại đang rất mong manh bởi các DA du lịch tác động trực tiếp đến sinh cảnh rừng.