Những ngày này, nhiều người cảm thấy lo lắng về việc rừng Sơn Trà đang bị đe dọa bởi hóa chất. Đáng lo ngại nhất là khoảnh rừng tiếp giáp với tuyến đường Yết Kiêu thuộc phường Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), đang bị xử lý bằng hóa chất diệt cỏ để diệt dây bìm leo.
Khoảnh rừng này là sinh cảnh của ít nhất 2 bầy đàn vọoc chà vá chân nâu với khoảng 20 cá thể. Trong khi loại dây leo này là thức ăn chủ yếu của loài vọoc chà vá chân nâu được xếp vào danh mục bảo tồn vô điều kiện.
Vạt rừng bị xử lý bằng hóa chất diệt cỏ ở Sơn Trà (Ảnh: Thanh Tùng).
Khi dây bìm leo bị tiêm thuốc
Từ phản ánh của rất nhiều người quan tâm đến Sơn Trà về dây bìm leo - một trong những nguồn thức ăn chủ yếu của vọoc chà vá chân nâu ở khoảnh rừng giáp với đường Yết Kiêu bị khô héo đột ngột, ngày 21/5 phóng viên (PV) báo Đại Đoàn Kết đã tiếp cận được với người trực tiếp tiêm hóa chất diệt cỏ vào dây bìm.
Người đàn ông tên là Tuấn, nhà ở Huế, được thuê “tiêm thuốc” vào dây bìm leo ở Sơn Trà với khoản tiền công 200.000 đồng/ngày, nói rằng không biết chất nước màu vàng úa đựng trong bình nhựa loại 1 lít mà ông ta cõng trên lưng để tiêm vào thân dây bìm làm chúng khô héo nhanh là loại hóa chất gì.
Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn xác nhận, đây là đề tài được TP Đà Nẵng đặt hàng với Bộ Khoa học và Công nghệ và đơn vị trúng thầu thực nghiệm đề tài diệt dây bìm leo (thực vật ngoại lai xâm hại) ở Sơn Trà hiện nay là Viện Môi trường nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam). Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn chỉ có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện đề tài này trên diện tích rừng có bìm leo ở Sơn Trà.
Từ thông tin ít ỏi của lãnh đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn, PV báo Đại Đoàn Kết tiếp tục liên hệ với ông Nguyễn Huy Mạnh- Phó trưởng Bộ môn An toàn và Đa dạng sinh học Viện Môi trường nông nghiệp.
Ông Mạnh xác nhận đề tài diệt dây bìm leo ở Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sơn Trà là đề tài cấp Nhà nước được TP Đà Nẵng đặt hàng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Trong số các đơn vị đề xuất thực hiện đề tài, Viện Môi trường nông nghiệp đã được lựa chọn để áp dụng phương pháp diệt dây bìm leo bằng hóa chất. Đề tài này bắt đầu thực nghiệm ở Sơn Trà từ năm 2016. Khi đó có 2 đơn vị cùng tham gia là Viện Môi trường nông nghiệp và Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).
Do có thay đổi về nhân sự của Đại học Duy Tân nên hiện nay Viện Môi trường nông nghiệp là đơn vị thực hiện chủ yếu đề tài tiêm hóa chất diệt cỏ vào dây bìm leo ở Sơn Trà.
Nêu câu hỏi về tên loại hóa chất được tiêm vào dây bìm leo làm cho chúng chết rất nhanh, PV được ông Nguyễn Huy Mạnh cho biết đây là 2 loại hóa chất trừ cỏ sử dụng phổ biến ở Việt Nam.
2 loại hóa chất gồm Glyphosate và Metsulfuronmethyl, theo ông Mạnh là không độc hại với người và động vật. Tại Sơn Trà, người của Viện Môi trường nông nghiệp dùng đục thợ mộc, khoét 1 lỗ trên dây bìm, bơm Glyphosate và Metsulfuronmethyl vào rồi dùng băng keo bịt kín không cho thẩm lậu ra bên ngoài.
Phương pháp này được ông Mạnh khẳng định làm dây bìm chết nhanh, không tác động đến các loài thực vật khác. Năm 1016, đề tài thử nghiệm trên diện tích vài ngàn m2. Năm nay diện tích thực hiện đè tài nâng lên 10ha.
Mối nguy đến từ hóa chất diệt cỏ
Hóa chất Glyphosate đã bị nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Thụy Sỹ, Hà Lan cấm sử dụng vì là tác nhân gây ung thư cho người và động vật. Nhiều quốc gia khác phản đối sử dụng Glyphosate vì gây ra các bệnh nguy hiểm đối với thận, dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ, bệnh đường tiêu hóa, Parkinson, đặc biệt là tổn thương thần kinh và ung thư. Trong khi rất nhiều quốc gia phát triển tẩy chay Glyphosate thì ở các quốc gia sản xuất nông nghiệp, hoạt chất Glyphosate lại được sử dụng phổ biến
Trao đổi việc này với chuyên gia về linh trưởng Vũ Ngọc Thành (Đại học Quốc gia Hà Nội), PV được ông Thành cảnh báo, trong khi cuộc tranh cãi về độc tố của hoạt chất diệt cỏ Glyphosate trên thế giới chưa có hồi kết, cần cẩn trọng trong sử dụng hoạt chất này.
Tốt nhất là nên dừng việc thực nghiệm vì không có gì đảm bảo cho tương lai của loài vọoc chà vá chân nâu ở Sơn Trà khi chúng ăn phải thân và lá bìm leo có tồn dư chất diệt cỏ.
Chất diệt cỏ thẩm thấu vào đất đai, cây cỏ sau chiến tranh đã để lại di chứng nặng nề với con người qua nhiều thế hệ, ai có thể nói rằng chất diệt cỏ Glyphosate bơm vào dây bìm không gây tổn hại đến tương lai của vọoc chà vá chân nâu?
Chuyên gia Vũ Ngọc Thành cũng đồng thời cảnh báo về việc thẩm thấu hóa chất ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của khu vực dân cư rộng lớn của Đà Nẵng trong khi gần 1/3 dân cư TP này sử dụng nước từ Suối Đá chảy ra Hồ Xanh!
TS Hà Thăng Long - Trưởng đại diện Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Tổ chức bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (GreenViêt) cho rằng cần xem lại hiệu quả của đề tài diệt dây bìm bằng hóa chất trừ cỏ ở Sơn Trà. Năm 2016, đề tài này thí điểm tại các vị trí dọc con đường xuống Suối Đá.
Cả vạt bìm khô quắt ngay sau khi bơm thuốc nhưng chỉ thời gian sau chúng lại lên xanh trở lại trong khi không chỉ có vọoc, mà cả loài khỉ cũng rất thích ăn dây và lá bìm.
Trở lại với vạt rừng giáp tuyến đường Yết Kiêu đã bắt đầu khô héo nhanh vì bị bơm hóa chất, một nhiếp ảnh gia yêu thiên nhiên Sơn Trà, đưa ra bức ảnh đàn vọoc đông đúc ngồi trên cái cây phủ kín dây bìm.
Lá bìm trên cây đã bắt đầu khô héo nhưng với cảnh báo của TS Long thì chẳng bao lâu nữa, dây bìm lại bén rễ, lá bìm lại xanh, là thức ăn ưa thích của vọoc.
Tương lai các thế hệ con cháu của loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, trong danh mục bảo tồn vô điều kiện ở Sơn Trà đang thật khó đoán định khi ăn phải thân lá dây bìm tồn dư hóa chất diệt cỏ