Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) Tối cao xác định trong giai đoạn 2, khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2013, với vai trò Tổng giám đốc (GĐ), Phó Chủ tịch Hội đồng tín dụng (HĐTD) Ngân hàng Đông Á (DongABank - DAB), ông Trần Phương Bình đã chỉ đạo các thuộc cấp và đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho DAB số tiền lên đến hơn 8.827 tỷ đồng.
Ông Trần Phương Bình và các đồng phạm tại phiên tòa xét xử giai đoạn 1 của vụ án. Ảnh: Hồng Phúc.
Lạm quyền cho khách hàng đảo nợ hàng ngàn tỷ đồng
Cáo trạng giai đoạn 2 được tống đạt bởi Viện KSND Tối cao cáo buộc ông Trần Phương Bình về các tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Đáng chú ý, nhiều đồng phạm của ông Bình, nguyên là các thuộc cấp trong ban lãnh đạo của DAB cũng bị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Mối quan hệ giữa ông Trần Phương Bình và các đồng phạm trong giai đoạn 2 được cáo buộc qua việc ông Bình lạm dụng chức vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo các thuộc cấp thực hiện hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng và hoạt động khác liên quan đến ngân hàng đối với 4 nhóm khách hàng (Hiệp Phú Gia, Đồng Tiến, M&C và Tân Vạn Hưng). Viện KSND Tối cao xác định, đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015 thống kê bị lỗ lũy kế số tiền 31.076 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.
Trong giai đoạn tháng 01/2008 đến tháng 12/2010, ông Trần Phương Bình có liên quan đến quá trình ký hợp đồng đầu tư 100 triệu USD của VinaCapital để mua cổ phần hoặc góp vốn tại các công ty mục tiêu (công ty Nhật Quang, Lâm Viên, Hiệp Phú Gia). Cụ thể, ông Bình chỉ đạo thuộc cấp tại DAB cho nhóm TTC (do Chủ tịch HĐQT chỉ đạo và điều hành, bao gồm 11 công ty và 16 cá nhân) vay 4 khoản tiền với tổng số hơn 904 tỷ đồng để TTC sử dụng hoàn trả cho VinaCaptal. Đến hạn thanh toán, do nhóm TTC không có khả năng trả nợ cho DAB nên ông Bình tiếp tục chỉ đạo cho nhóm này vay tiền để đảo nợ, lập hợp đồng vay với mục đích vay khống, nâng khống tài sản đảm bảo. Hệ quả là cho đến ngày 24/12/2018 nhóm TTC còn dư nợ gần 3.200 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ. Về phía Vinacapital cũng đã khởi kiện cả TTC và DAB do không hoàn trả lại khoản hợp đồng 100 triệu USD mà các bên đã ký thỏa thuận ban đầu.
Đối với nhóm khách hàng M&C, dù đến hạn thanh toán nhưng không có khả năng trả nợ cho DAB, nên thỏa thuận sử dụng pháp nhân của các công ty thành viên để đứng tên vay tại DAB để trả nợ cho chính DAB các khoản vay đến hạn. Dù biết hành vi trên là sai quy định ngành ngân hàng thế nhưng ông Trần Phương Bình vẫn chỉ đạo thuộc cấp cho các công ty của nhóm khách hàng M&C vay tiền để đảo nợ và nhận tài sản đảm bảo là dự án Sài Gòn - Ba Son để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay tại DAB. Tính đến ngày 24/12/2018, nhóm khách hàng M&C cũng đã dư nợ đến 5 khoản vay, tổng số tiền đến gần 3.950 tỷ đồng, thuộc nợ nhóm 5, là khách hàng không có khả năng trả nợ.
Hồ sơ khống tại Dự án Sài Gòn - Ba Son
Trong Dự án Sài Gòn - Ba Son, vốn được ông Trần Phương Bình duyệt để nhóm khách hàng M&C vay tiền để đảo nợ và nhận tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, Viện KSND Tối cao xác định quyền khai thác kinh doanh hình thành trong tương lai tại Dự án này được DAB nhận làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay nhưng khi sử dụng làm tài sản thế chấp cho DAB thì lại chưa có văn bản chấp thuận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể, Dự án chưa được UBND TPHCM phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 theo quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng; khi thế chấp cho các khoản vay tại DAB Dự án cũng không được sự đồng ý của chủ đầu tư là Công ty Ba Son; tài sản đảm bảo DAB không thực hiện công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo.
Cũng liên quan đến dự án này, vào tháng 10/2012 cơ quan điều tra xác định để có tiền hoàn trả cho khoản tiền mà Công ty CP Vốn An Bình đã chuyển trước đó cho nhóm M&C để góp vốn đầu tư vào dự án, ông Trần Phương Bình và nhóm M&C cũng có hành vi cấu kết để cho đại diện nhóm này sử dụng pháp nhân Công ty M&C vay để trả nợ cho DAB, sau đó ông Bình chỉ đạo Nguyễn Đức Tài (Giám đốc Sở Giao dịch DAB) điều hành quá trình lập hồ sơ khống để M&C vay 270 tỷ đồng. Thế nhưng, trong quá trình làm hồ sơ thì Nguyễn Chí Công (nguyên Phó phòng tín dụng thuộc Sở Giao dịch DAB) đã được ông Bình và ông Nguyễn Đức Tài chỉ đạo lập biên bản định giá khống lên 318 tỷ đồng. Theo xác định của cơ quan điều tra tính đến ngày 24/12/2018, khoản vay này đã dư nợ đến hơn 551 tỷ đồng và là khoản vay không có tài sản đảm bảo. Hành vi của ông Bình và các đồng phạm đã gây thiệt hại cho DAB riêng đối với hành vi này đã lên đến hơn 551 tỷ đồng và các bị can có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho DAB liên quan đến hành vi trên.
Vì các lý do trên, cáo trạng cáo buộc có đủ cơ sở xác định tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại DAB là Dự án Sài Gòn - Ba Son đã bị Trần Phương Bình và các đồng phạm lập khống thế chấp cho các khoản vay tại DAB, nhằm mục đích lấy tiền đảo nợ các khoản vay của nhóm khách hàng M&C tại DAB theo quy định tại Điều 94 của Luật Các tổ chức tín dụng (năm 2010); Nghị định 163/2006 của Chính phủ về quy định về giao dịch đảm bảo và các điều tại Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng với với khách hàng của Ngân hàng Nhà nước.
Như Đại Đoàn Kết đã thông tin, vụ án đã hoàn tất xét xử giai đoạn 1 trong đó bản án dành cho ông Trần Phương Bình của TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên phạt tù chung thân về các tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại hơn 3.600 tỷ đồng tại DAB.
Trong giai đoạn 2 sẽ được xét xử tới đây, ông Bình cùng 11 đồng phạm tiếp tục bị xem xét các sai phạm trong thời gian từ năm 2007 đến năm 2013, trong đó riêng ông Bình chịu trách nhiệm trong các vai trò Tổng GĐ, Phó Chủ tịch HĐTD của DAB, cùng các đồng phạm gây thiệt hại cho DAB hơn 8.827 tỉ đồng.