Pháp luật

Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo, chi phối quá trình “rút ruột” SCB

LÊ ANH 08/03/2024 07:28

Ngày 7/3, Tòa án nhân dân TPHCM bước vào phiên xét hỏi đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và các đồng phạm.

anh-thay.gif
Bị cáo Trương Huệ Vân khai trước tòa. NguồN: TN.

Là đồng phạm tích cực giúp sức cho bị cáo Trương Mỹ Lan, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (51 tuổi, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) khai nhận, đã được bị cáo Lan ưu ái sắp xếp vào vị trí Phó Tổng Giám đốc, rồi sau đó lên Tổng Giám đốc SCB. Bị cáo này thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố khi đã giúp sức hợp thức hóa hồ sơ để ưu tiên giải ngân các khoản tiền của SCB cho bị cáo Lan và các công ty liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Từ ngày 18/11/2013 đến ngày 11/12/2017, hành vi giúp sức của bị cáo Văn đã gây thiệt hại cho phía Ngân hàng SCB hơn 60.502 tỷ đồng. Cáo buộc của cơ quan công tố cũng xác định, giai đoạn sau đó từ tháng 2/2018 đến tháng 7/2020, bị cáo này còn gây thiệt hại với số nợ lãi phát sinh hơn 101.247 tỷ đồng.

Trả lời xét hỏi của Hội đồng xét xử (HĐXX), cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB thừa nhận, đã thực hiện mọi hành vi phạm tội tại Ngân hàng SCB do Trương Mỹ Lan chỉ đạo và chi phối. Vào thời điểm đó, nhận thức của bị cáo là Ngân hàng SCB chỉ là công cụ tài chính của Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Do đó, dù biết các khoản vay không đứng tên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc bị cáo Lan nhưng bị cáo Văn vẫn giúp sức tích cực cho quá trình rút tiền từ SCB, gây thiệt hại cho chính ngân hàng này hàng nghìn tỷ đồng.

Cũng như bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, bị cáo Bùi Anh Dũng (62 tuổi, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) cũng khai nhận hành vi sai phạm như cáo trạng truy tố. Với việc được trả mức lương cao tại SCB, bị cáo Dũng đã giúp sức tích cực cho bị cáo Trương Mỹ Lan, gây thiệt hại cho SCB số tiền rất lớn trong giai đoạn từ tháng 4/2013 đến tháng 12/2020. Đồng thời, về mặt cá nhân, bị cáo Dũng khai nhận từng được bị cáo Lan cho 500.000 cổ phiếu của SCB, với trị giá vào thời điểm đó khoảng 5 tỷ đồng.

Trước lời khai của các bị cáo, HĐXX nhận định, việc thực hiện các quy trình thủ tục bổ nhiệm cán bộ theo Luật Doanh nghiệp phải là trách nhiệm của HĐQT Ngân hàng SCB. Tuy nhiên, hành vi của bị cáo Văn thực hiện theo chỉ đạo và chi phối của bị cáo Trương Mỹ Lan là hành vi gây thiệt hại cho SCB. Đồng thời, HĐXX cũng cho rằng, vai trò của cả bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn và bị cáo Bùi Anh Dũng là giúp sức tích cực cho các sai phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Trong phiên xét hỏi, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB) cũng thừa nhận, hành vi từ năm 2019 đến tháng 8/2022 đã ký hợp thức cho 617 khoản vay, giúp sức cho bị cáo Lan chiếm đoạt số tiền hơn 200.690 tỷ đồng, đồng thời gây thiệt hại cho chính SCB số tiền là 69.023 tỷ đồng.

Trả lời xét hỏi của tòa, bị cáo Dung khai nhận, mỗi lần bị cáo Trương Mỹ Lan cần tiền đều liên hệ, gọi điện trước cho bị cáo về tài sản đảm bảo khoản vay. Sau đó, bị cáo sẽ triệu tập họp lãnh đạo của SCB để quyết định vấn đề giải ngân...

Cùng ngày, bị cáo Trương Huệ Vân (cháu gái và được bị cáo Trương Mỹ Lan nhận là con nuôi) cũng đã trả lời xét hỏi tại tòa. Bị cáo Vân cũng thừa nhận hành vi như cáo trạng. Bị cáo Vân cho biết, do tin tưởng tuyệt đối vào “mẹ nuôi” nên bị cáo đã thực hiện theo các chỉ đạo, yêu cầu của bị cáo Lan. Tuy nhiên, bị cáo Vân khai, bản thân không ăn chia gì, mỗi lần Tết thì được bị cáo Lan cho tiền... Bản thân bị cáo cũng tham gia tích cực vào quá trình khắc phục hậu quả vụ án và được đại diện Viện Kiểm sát xác định là tình tiết để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại tòa, Luật sư bảo vệ cho bị cáo Trương Mỹ Lan cung cấp đơn với nội dung, bị cáo Lan đang bị tạm giam và hiện tại có một số cá nhân đang giữ tài sản của bị cáo này. Đồng thời, bị cáo Lan có nguyện vọng để những người thân của mình thay mặt thu hồi các tài sản phục vụ khắc phục hậu quả của vụ án.

Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội “đưa hối lộ”, “vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng” và “tham ô tài sản”. Dù không trực tiếp nắm quyền điều hành, bị cáo Lan sở hữu tới 91,5% cổ phần của Ngân hàng SCB và là cổ đông chi phối, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB. Trong thời gian từ năm 2012 đến 2022, bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm đã được Ngân hàng SCB giải ngân hàng nghìn khoản vay, với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng.

Phần lớn hồ sơ khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan và các công ty sân sau được lập khống, tài sản đảm bảo không đủ giá trị pháp lý. Chỉ tính đến tháng 10/2022, tổng dư nợ không có khả năng thu hồi đã lên đến hơn 677.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ án Vạn Thịnh Phát: Bị cáo Trương Mỹ Lan chỉ đạo, chi phối quá trình “rút ruột” SCB

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO