Ngày 6/7, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tổ chức lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM)...
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Vụ Bản đạt chuẩn NTM được Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị (thứ 2, từ phải sang) trao cho lãnh đạo chủ chốt của huyện sáng ngày 6/7.
Đây là đơn vị cấp huyện thứ 8 (trong số 10 huyện, thành phố của tỉnh Nam Định) được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, giai đoạn 2010-20120.
Trước đó, các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy, Ý Yên đã được công nhận đạt chuẩn, TP.Nam Định được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Riêng hai huyện Nam Trực, Mỹ Lộc đã hoàn thiện hồ sơ, trình Trung ương thẩm định, công nhận...
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Vụ Bản đạt chuẩn huyện NTM cho lãnh đạo chủ chốt địa phương.
Thông tin tại buổi lễ cho biết, huyện Vụ Bản có 18 xã, thị trấn. Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, mặt bằng chung các xã trong huyện mới chỉ đạt đạt bình quân từ 8-9 tiêu chí/19 tiêu chí; một số xã khó khăn, có xuất phát điểm thấp, chỉ đạt 5-6 tiêu chí/xã...
Thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh Nam Định, 9 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện Vụ Bản đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai nhiều công trình, phần việc cụ thể hướng tới hoàn thành Bộ tiêu chí NTM quốc gia.
Trong đó, huyện đã tập trung thực hiện công tác quy hoạch, quản lý theo quy hoạch; huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân địa phương, con em Vụ Bản xa quê để đầu tư xây mới, nâng cấp hệ thống các công trình hạ tầng phục phục vụ sản xuất, dân sinh; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ...
Theo thống kê, 9 năm qua, tổng vốn huy động xây dựng NTM của huyện đạt 2.392,5 tỷ đồng, gồm ngân sách các cấp (Trung ương, tỉnh; huyện, xã), vốn lồng ghép,vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng, vốn nhân dân đóng góp...Trong đó, nguồn vốn từ đóng góp của nhân dân là 455,8 tỷ đồng, chiếm 19%...
Từ các nguồn lực huy động, huyện đã xây dựng, mở rộng, nâng cấp được nhiều công trình thiết yếu. Chỉ tính riêng đường giao thông, giai đoạn 2010-2019, các xã đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 642,9 km đường giao thông nông thôn, trong đó có 114 km đường liên xã, trục xã; 133,3 km đường trục thôn xóm; 119,6 km đường ngõ xóm; 276 km đường trục chính nội đồng; cải tạo, nâng cấp 60 cầu, cống dân sinh. Về cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, toàn huyện đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 360 phòng học, phòng chức năng của các trường Mầm non, Tiểu học, THCS; 100% các trường Mầm non, Tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất...
Quá trình xây dựng NTM, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong huyện đã hưởng ứng bằng nhiều phong trào, hoạt động cụ thể, thiết thực; đóng vai trò chủ lực trong thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, phương châm xây dựng NTM; vận động đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân trong huyện đóng góp trí tuệ, công của chung sức xây dựng NTM ở địa phương...
Nhiều việc làm cụ thể, thiết thực đã và đang được các tầng lớp nhân dân trong huyện tích cực hưởng ứng như: góp đất, hiến đất, đóng góp ngày công phục vụ việc mở rộng, nâng cấp các công trình hạ tầng; thực hiện dồn điền đổi thửa; thành lập, duy trì các mô hình nhân dân tự quản trong bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự; giám sát đầu tư cộng đồng...
Hệ thống chính trị tích cực vào cuộc; các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng, đến năm 2017, 100% số xã trong huyện đã thực hiện đạt 19 tiêu chí NTM; ngày 27/02/2019, huyện Vụ Bản được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn NTM năm 2018.
Thành quả lớn nhất xây dựng NTM mang lại diện mạo nông thôn huyện Vụ Bản được thay đổi, khang trang, sạch đẹp; hạ tầng KT-XH được đầu tư nhiều hơn, đồng bộ hơn; người dân có thêm nhiều sinh kế, việc làm mới. Đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của các xã trên địa bàn huyện đã 43,94 triệu đồng/người (tăng 28,5 triệu đồng/người so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo không thuộc đối tượng bảo trợ xã hội giảm chỉ còn 0,98%...
Bên cạnh những kết quả, tổng kết 10 năm thực hiện xây dựng NTM, huyện Vụ Bản cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Trong đó, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn ít.
Một số địa phương trong xây dựng NTM chủ yếu tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng đúng mức để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, giảm nghèo, phát triển văn hóa, cải thiện môi trường. Một số địa phương chưa chủ động tạo nguồn lực xây dựng NTM, vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên...
Theo ông Nguyễn Khắc Xung, Chủ tịch UBND huyện Vụ Bản, với phương châm, xây dựng NTM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, trong giai đoạn tiếp theo toàn huyện tập trung thực hiện tốt định hướng: không ngừng củng cố để đảm bảo tính bền vững và nâng chất toàn diện các tiêu chí NTM cấp xã và cấp huyện; hình thành các mô hình NTM kiểu mẫu, các miền quê đáng sống; thực hiện đồng bộ, thực chất các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Giai đoạn 2021-2025, huyện đặt mục tiêu: 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 80 triệu đồng/ người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,3%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 100%...