Ngày 3/10, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vụ việc cá chết bất thường ở hồ Tây (Hà Nội). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: UBND thành phố Hà Nội tập trung xử lý vụ việc, nhất là xử lý ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra, nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm, đồng thời khẩn trương kiểm tra làm rõ nguyên nhân, sớm thông tin cho nhân dân.
Các đơn vị nỗ lực xử lý hiện tượng cá chết ở Hồ Tây.
Lượng cá chết tính đến thời điểm 9h sáng ngày 3/10 đã vượt qua con số 20 tấn. Toàn bộ lực lượng các ngành của TP Hà Nội đã có mặt tại hiện trường để xử lý và khắc phục hậu quả. Theo thông tin ban đầu, cá chết do nước thiếu ôxi.
Trưa 3/10, có mặt hiện trường, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các cơ quan chức năng tại chỗ tăng cường thêm nữa việc xử lý và khắc phục các hậu quả từ cá chết hàng loạt tại hồ Tây. Chủ tịch đề nghị triển khai các giải pháp trước mắt, đặc thù để đảm bảo an toàn môi trường hồ, xung quanh và các vùng lân cận. Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đã có công văn gửi các ban ngành chức năng yêu cầu rà soát toàn bộ các hồ trên địa bàn TP Hà Nội báo cáo thành phố.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường Trần Hồng Hà đã có trao đổi với Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung về hướng xử lý và khắc phục hậu quả sau sự cố cá chết hàng loạt tại hồ Tây.
Ghi nhận của phóng viên, sáng 3/9, tại nhiều địa điểm xung quanh hồ Tây, các lực lượng chức năng sử dụng ca nô trục vớt lượng cá chết trên mặt hồ. Tại khu vực 128 Thụy Khuê, một đơn vị chỉ đạo trực tiếp gồm UBND TP, quận, phường, Ban QLDA Hồ Tây, các công ty môi trường, Bộ Tư lệnh Thủ đô, công an các cấp, CSGT đường thủy, Sở Y tế Hà Nội… đã được thiết lập tại chỗ để chỉ huy xử lý và khắc phục sự cố nghiêm trọng nhất trong lịch sử hồ Tây.
Đại diện Ban chỉ đạo tại chỗ cho biết, hiện tượng cá chết tại hồ Tây lần này rất bất thường. Trước đây, hiện tượng cá chết có xảy ra nhưng số lượng ít, trôi dạt vào bờ và được trục vớt. Tuy nhiên, lần này, cá chết trắng hồ Tây. Thời điểm sáng ngày 2/10, lượng cá chết được ghi nhận rất ít. Ban QLDA Hồ Tây đã có mặt để xử lý. Tuy nhiên, đến thời điểm 11h trưa cùng ngày, cá chết nổi trắng nhiều nơi trên mặt hồ.
Ngay tại thời điểm, UBND Quận Tây Hồ đã báo cáo TP Hà Nội. Các đơn vị đã được huy động để tiến hành trục vớt, xử lý môi trường do cá chết. Các lực lượng đã sử dụng đèn chiếu trục vớt cá chết và xử lý môi trường cả đêm ngày 2/10.
Tính đến 9h sáng ngày 3/10, lượng cá đã vượt trên con số 20 tấn. “Số lượng cá chết sẽ còn tăng thêm vì số lượng thu vớt mới ở bề mặt. Cá chết còn ở các tầng dưới, chưa thể trục vớt”, vị đại diện Ban chỉ đạo tại chỗ cho biết.
Về vấn đề xử lý và bảo vệ môi trường, hiện nay lượng cá chết đã và đang được Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội và các công ty môi trường thành viên thu gom và chuyển tới chôn lấp tại bãi rác Lam Sơn.
Các xe chuyển cá chết sẽ phải đi theo một cung đường nhất định, biển số xe và người lái được thông báo tại điểm đi và điểm đến. Sở dĩ làm như vậy, theo lãnh đạo công ty, nhằm đảm bào an toàn môi trường cho người dân TP. Đồng thời, việc thu gom đến đâu xử lý tại một điểm cố định sau này các cơ quan chức năng sẽ dễ bề kiểm tra và xử lý.
Đối với môi trường xung quanh hồ Tây, tuy không thể xử lý dứt điểm mùi tanh do cá chết gây nên, song tại các địa điểm trục vớt cá đã được đơn vị chức năng phun thuốc khử trùng, làm sạch môi trường bằng các nghiệp vụ cho phép. Theo ghi nhận của phóng viên, ngoài 5 điểm chính sử dụng ca nô, lực lượng các phường xung quanh hồ Tây phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục trục vớt cá chết trôi dạt gần bờ…
Ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội) cho biết: Qua kiểm tra, nguyên nhân ban đầu được xác định là do nồng độ ôxi hòa tan trong nước hồ Tây rất thấp, chỉ đạt 1,5 mg/l, trong khi theo tiêu chuẩn, nồng độ ô xi hòa tan trong nước phải đạt 6 mg/l cá mới sống.
Được biết, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng đã báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành liên quan để phối hợp xử lý, đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng nhanh chóng làm rõ nguyên nhân báo cáo trong thời gian sớm nhất.