Sáng 24/3, sau một đêm vật lộn dập lửa, ông Trương Quang Hoài Nam- Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chủ trì cuộc họp với các ngành liên quan bàn biện pháp khắc phục hậu quả đám cháy tại Công ty may Kwong Lung Meko. Trước đó, ngày 23/3, vào lúc 9h15, ngọn lửa đã bùng phát dữ dội tại tầng 5 Công ty này (lô 28, Khu công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ).
Lực lượng cảnh sát PCCC Cần Thơ ngay sau khi nhận điện vào lúc 9h17 phút ngày 23/3 đã huy động toàn lực lượng, phương tiện chữa cháy của thành phố, các quận, huyện ứng cứu. Sau hơn 2 tiếng chữa cháy, lúc hơn 11h trưa, ngọn lửa cơ bản được khống chế. Nhưng đến 21h đêm cùng ngày, ngọn lửa lại bùng phát dữ dội. Sau khi được dập tắt, đến 7h sáng 24/3, ngọn lửa lại bùng phát lần thứ 3.
Cảnh sát PCCC Cần Thơ đã huy động toàn lực lượng, phương tiện chữa cháy
của thành phố, các quận, huyện dập lửa.
Thiếu nước, thiếu phương tiện
Thiếu tướngTrần Thị Ngọc Đẹp, Giám đốc cảnh sát PCCC Cần Thơ và Đại tá Trần Đức Đình, Phó giám đốc chỉ huy trực tiếp lực lượng cứu hỏa, trong dáng uể oải sau hơn 24 giờ vật lộn với giặc lửa nhận định: Đây là vụ cháy lớn nhất ở Cần Thơ từ trước đến nay và gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của doanh nghiệp. Rất may không xảy ra thiệt hại về người. Công tác tổ chức, hiệp đồng, tổ chức chữa cháy lần này đúng qui trình, đúng nguyên tắc nhưng vướng phải những trở ngại là đám cháy ở tầng 5, khó tiếp cận, công trình thiết kế khó chữa cháy. Hơn nữa vật liệu gây cháy là lông vũ và sản phẩm may mặc nên dễ bắt lửa, bốc cháy nhanh, dữ dội.
Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ PCCC gặp phải khói dày đặc gây ngạt, phải mang mặt nạ chống độc, chống ngạt và phải đập tường để thông khói. Đặc biệt là trong đợt chữa cháy tại Công ty trong 2 ngày qua, không có cán bộ chiến sĩ nào bị thương phải đưa đi viện, không ảnh hưởng đến công tác chữa cháy. Tuy nhiên, ngay từ đầu, công tác PCCC gặp phải trở ngại lớn nhất là thiếu nước. Khu công nghiệp thiếu trạm bơm chữa cháy, chỉ có 1 trạm gần Công ty may để xe chữa cháy lấy nước. Tuy gần sông Hậu và các rạch nhưng xe chữa cháy không dễ tiếp cận vì không thể áp sát được bến sông. Cả thành phố Cần Thơ không có bến để xe chữa cháy áp sát bến nước, hút nước.
Ngoài ra, phương tiện của lực lượng chữa cháy Cần Thơ có 12 chiếc nhưng xe trạm bơm đang bị hỏng, đang sửa chữa. Do vậy phải điều động xe trạm bơm của TP Hồ Chí Minh ứng cứu. Cho đến chiều 23/3, có tất cả 28 phương tiện chữa cháy có mặt tại hiện trường với hơn 200 người trong lực lượng chữa cháy, chưa tính đến lực lượng công an hỗ trợ cho việc bảo đảm trật tự, bảo vệ hiện trường và phân luồng giao thông.
Trả lời câu hỏi về việc lực lượng PCCC có kiểm tra an toàn PCCC cũng như phương tiện chữa cháy của Công ty Kwong Lung Meko hay không, Đại tá Trần Đức Đình- Phó giám đốc CS PCCC Cần Thơ cho biết: Công ty này gần đây đã được lực lượng CS PCCC kiểm tra đúng định kỳ tuy có một vài lần vi phạm xung quanh vấn đề chấp hành việc an toàn phòng cháy chữa cháy, sử dụng điện...
Qua vụ cháy này, từ góc độ lực lượng PCCC, Đại tá Trần Đức Đình nhận thấy có mấy vấn đề phải tính là tất cả những người đứng đầu các doanh nghiệp cần phải quan tâm đến công tác phòng cháy, chữa cháy, vừa quan tâm đến luật, các biện pháp để tự tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy hàng qúy, 6 tháng, năm theo qui định; huấn luyện tự chữa cháy tại chỗ. Cảnh sát PCCC Cần Thơ cũng sẽ kiến nghị với lãnh đạo Bộ, thành phố Cần Thơ trang bị thêm thiết bị và phương tiện hiện đại phục vụ cho công tác chữa cháy.
Nỗ lực chữa cháy.
Công nhân hoang mang, lo lắng
Sáng 24/3, sau một đêm vật lộn dập lửa, UBND thành phố Cần Thơ do ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chủ trì đã có cuộc họp với các ngành bàn biện pháp khắc phục hậu qủa sau đám cháy tại Công ty May Kwong Lung Meko.
Trong khi cuộc họp đang diễn ra, ông Nguyễn Hùng Việt, Bí thư Đảng ủy phường Trà Nóc báo cáo với Phó Chủ tịch Trương Quang Hoài Nam là ngọn lửa lại bùng phát lần thứ 3. Nhiều bức tường lớn của tòa nhà đã bị đổ sập. Phần phía sau của tòa nhà 5 tầng khói và lửa vẫn bốc lên nghi ngút. Lực lượng PCCC chỉ có thể tiếp cận ngọn lửa qua các cửa sổ của tòa nhà nên việc khống chế ngọn lửa gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Hùng Việt cho biết thêm: học sinh ở Trường Tiểu học Trà Nóc đã được cho nghỉ để tránh nguy hiểm, hít phải khói độc. Chính quyền địa phương đã tập trung mọi nỗ lực để chăm lo đời sống cho hàng trăm hộ dân tại đây. Ngoài ra, khoảng 200 hộ dân với gần 500 nhân khẩu gần công ty may đã được sơ tán.
Phóng viên Đại Đoàn Kết có mặt tại hiện trường tiếp cận được với nhiều công nhân đang đứng bên kia đường nhìn vào công ty. Nhiều người cho biết, chiều qua, đã cùng với công an sơ tán tài sản của công ty để tránh bị lửa thiêu rụi. Anh Trần Chí Hùng, ngụ tại Kiên Giang, là công nhân của Công ty Kwong Lung Meko bộc bạch: Mỗi tháng thu nhập được 5,5 triệu đồng, trừ chi phí sinh hoạt, nhà trọ, tôi phải gửi tiền về quê nuôi cha mẹ già. Hôm qua, công ty bị cháy, mặc dù được thông báo không đến làm nhưng tôi vẫn muốn có mặt tại hiện trường để theo dõi và hỗ trợ công ty khi cần. Hiện tôi và nhiều công nhân khác đang rất lo lắng về công ăn việc làm sau khi sự cố xảy ra. Anh Lê Quốc Phong, ngụ tại quận Ô Môn cho biết: Tôi và vợ đều là công nhân của Công ty Kwong Lung Meko. Lương mỗi tháng của hai vợ chồng là thu nhập chính của cả gia đình. Giờ công ty gặp sự cố ngoài ý muốn, như vậy, vợ chồng tôi rất hoang mang không biết thời gian sắp tới phải sống ra sao?
Chăm sóc sức khỏe cho lực lượng tham gia chữa cháy.
Khẩn trương khắc phục hậu quả
Còn ông Trương Quang Hoài Nam- Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, đã giao Liên đoàn lao động thành phố tập trung bàn cách hỗ trợ đời sống cho công nhân; đồng thời phối hợp với các ngành chức năng cần có sự quan tâm hỗ trợ về thuế, tiền thuê hạ tầng, điện, nước,… cho Công ty Kwong Lung Meko để công ty nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ cháy và ổn định để trở lại sản xuất.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cần Thơ, Liên đoàn Lao động, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ, các bên đang khẩn trương tiếp cận với ban lãnh đạo công ty nắm chắc số lượng công nhân, hoàn cảnh kinh tế của công nhân để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ. Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ thông tin: Công ty đang chuẩn bị đưa vào hoạt động cơ sở 2 tại Khu công nghiệp Trà Nóc 2, trước mắt sẽ điều chuyển 200 công nhân sang cơ sở 2.
Đại diện Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, công ty hàng ngày thường xuyên có 10 bộ đơn hàng đăng ký xuất nhập khẩu. Do vậy, Sở sẽ chủ động cùng với lãnh đạo công ty bàn bạc, trao đổi với các đối tác để giãn hợp đồng giao hàng trước sự cố cháy này. Sở Tài chính cũng cho biết công ty có mua bảo hiểm cháy nổ là điều rất may mắn. Lãnh đạo thành phố cùng các cơ quan chức năng sau khi dập tắt đám cháy sẽ bàn bạc phương án kiểm kê, tính mức thiệt hại để đền bù. Trước mắt, với 1.200 công nhân cần được trả mức lương tối thiểu 3 triệu đồng/tháng trong 3 tháng khoảng 11 tỉ đồng.
Trong 2 ngày qua, chúng tôi chứng kiến nhiều tấm lòng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân mang cơm, bánh mì, nước uống, nước đá, cả vitamine C sủi bọt tiếp sức cho lực lượng cảnh sát PCCC, công an, công nhân. Buổi tối, có người còn nấu cháo mang đến tận nơi cho các chiến sĩ PCCC tại hiện trường. Ông Trương Quang Hoài Nam cho biết cũng nhận được phần cơm hộp do bà con mang tặng.
Nguyên nhân chính xác của vụ hỏa hoạn đang được các cơ quan chức năng điều tra làm rõ.