Sáng 7/9, nhiều người dân đã tập trung về chùa Kỳ Quang 2 (đường Lê Hoàng Phái, quận Gò Vấp, TP HCM) để bắt đầu xuống khu vực hầm cất trữ tro cốt.
Theo đó, đại diện chùa Kỳ Quang 2 đã phát các tờ giấy ghi sẵn, đánh số thứ tự cho những người dân có tro cốt thất lạc. Các hộ dân này sẽ cử người thân (có thể là 1-2 người) cùng với đại diện chính quyền địa phương, nhà chùa để xuống hầm nhận dạng hũ tro cốt bằng phương pháp thủ công, quan sát bằng mắt thường để nhận dạng.
Theo đại diện nhà chùa, người thân khi xuống hầm sẽ cố gắng nhớ lại đặc điểm nhận dạng các hũ tro cốt người thân mình như thế nào. Nếu có thêm các di vật đặt trong hũ tro cốt (như di ảnh) thì việc nhận dạng sẽ dễ dàng.
Sau khi nhận dạng hũ tro cốt, người dân sẽ chụp hình, đánh dấu số thứ tự và vẫn đặt nguyên ở vị trí để cho những gia đình tiếp theo xuống nhận dạng. Đây là phương án đầu tiên nhà chùa sử dụng để tìm kiếm các hũ tro cốt thất lạc.
Theo ông Hùng, một hộ dân có gửi 2 hũ tro cốt người thân (bố và mẹ) thì gia đình ông không tin tưởng lắm vào việc nhận dạng hũ tro cốt thông qua cảm quan mắt thường như thế này.
Thế nhưng mấy ngày gần đây, bốn anh em ông cùng nhiều con cháu, dâu rể đang bất an, lo nghĩ nhiều về việc hài cốt cha mẹ, ông bà bị thất lạc. Ông cùng cậu em út được cử đi nhận dạng nhưng ông không nhớ hũ tro cốt cha mẹ mình có đặc điểm gì khác biệt.
“Ngày trước tro cốt cha mẹ tôi đặt cạnh nhau, ở phía tầng 2 của đài sen. Trước hũ tro cốt đều có di ảnh, tên tuổi cũng như bài vị. Do đặt nhiều năm nên chỉ cần đi xuống đường hầm là tới chính xác vị trí đặt để thắp nhang, thờ cúng chứ không nhớ rõ đặc điểm thân hũ tro cốt ra sao. Vì tất cả các hũ đều đúc bằng đá trắng, kích cỡ và hình dáng giống nhau. Nhưng giờ họ bảo tìm thì mình cũng thử xem sao”, ông Hùng chia sẻ thêm.
Theo thống kê, trong khu vực hầm đặt tro cốt có tất cả 883 hũ với khoảng 600 hũ có đặc điểm nhận dạng bên ngoài giống nhau, làm bằng đá trắng đúc nguyên khối. Trong đó có 473 hũ bị mất di ảnh dán bên ngoài.