Vụ di chuyển mộ tại Sóc Sơn (Hà Nội): ‘Hợp đồng dịch vụ’ chuyển 666 ngôi mộ?

Hoàng Sa 20/12/2021 06:20

Báo Đại Đoàn Kết ra ngày 14/12/2021 đã nêu việc người dân tố cáo, bức xúc về việc 666 ngôi mộ ở Sóc Sơn (Hà Nội) bị di chuyển, chôn tập thể trái quy định.

Qua tìm hiểu được biết: Công ty TNHH đầu tư dịch vụ và thương mại An Khang đã chi 2,2 tỷ đồng, có “Hợp đồng dịch vụ” ký với cá nhân ông Lê Văn Huê (được xác định là Quản trang nghĩa trang thôn Dược Hạ), để “giao” ông Huê tìm đất, di chuyển 666 ngôi mộ.

Để di chuyển số lượng lớn mồ mả thì phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và đúng cấp có thẩm quyền. Thế nhưng doanh nghiệp khi giải phóng mặt bằng di chuyển 666 ngôi mộ chuyển đến vị trí rộng hơn 100 m2 đất, chôn tập thể sai với quy định pháp luật, trái với phong tục, tập quán và tâm linh thì lại được sự đồng ý của UBND xã Tiên Dược (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội).

Cụ thể, Công ty TNHH đầu tư dịch vụ và thương mại An Khang và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 678 đã thực hiện chuyển nhượng đất để thực hiện dự án xây dựng Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Khi giải phóng mặt bằng (GPMB) nghĩa trang để phục vụ dự án tại xã Tiên Dược, đã di chuyển 666 ngôi mộ vào một mảnh đất khoảng trên dưới 160 m2 thành một nấm mồ chôn tập thể mà không kiểm đếm, bồi thường cây cối…

Về việc này, Luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa) phân tích: Theo quy định, việc di chuyển nghĩa trang là thực hiện việc chuyển toàn bộ thi hài, hài cốt trong nghĩa trang đến một nghĩa trang khác được xây dựng theo quy hoạch (căn cứ theo Khoản 17 Điều 2 Văn bản hợp nhất Nghị định 23/2016 và Nghị định 98/2019 về xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang, cơ sở hỏa táng) thì việc doanh nghiệp là Công ty TNHH đầu tư dịch vụ và thương mại An Khang và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 678 cũng như chính quyền địa phương khi giải phóng mặt bằng (GPMB) nghĩa trang để phục vụ dự án phải tuân thủ theo quy định pháp luật.

Trước khi có phương án thu hồi đất trong phần diện tích đất thu hồi mà có mồ mả thì các cấp chính quyền phải tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng khi lập phương án tổng thể sẽ tiến hành kiểm đếm số lượng mồ mả và lên phương án bồi thường, di chuyển mồ mả, dự kiến địa điểm chuyển đến một cách hợp lý nhất. Phương án tổng thể này được niêm yết công khai và lấy ý kiến của người có đất bị thu hồi. Theo quy định, trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Thẩm quyền thu hồi đất thuộc về UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện.

Tuy nhiên Công ty TNHH đầu tư dịch vụ và thương mại An Khang và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 678 di dời 666 ngôi mộ đi nơi khác và được chôn sơ sài trong một hố dài khoảng trên dưới 160m2 đất nông nghiệp mua lại của một người dân tại khu đồi Ca… mà người dân địa phương không được biết.

Tại các cuộc làm việc giữa UBND xã Tiên Dược và những cán bộ các thôn, đa số đều không biết việc Công ty TNHH đầu tư dịch vụ và thương mại An Khang và Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 678 di chuyển mồ mả, khẳng định không hề được thông báo hay nhận bất cứ một văn bản nào liên quan đến việc thu hồi đất, GPMB nghĩa trang, di chuyển mồ mả... từ phía UBND xã Tiên Dược cũng như UBND huyện Sóc Sơn.

Trong bản hợp đồng dịch vụ giữa Công ty TNHH đầu tư dịch vụ và thương mại An Khang với ông Lê Văn Huê (Quản trang nghĩa trang thôn Dược Hạ) thể hiện Công ty TNHH đầu tư dịch vụ và thương mại An Khang giao cho ông Huê thay mặt công ty mua 720 m2 (2 sào) đất tại khu vực đồi Ca, thôn Dược Thượng để đặt các mộ (có chủ và vô chủ), thực hiện các thủ tục di chuyển mộ từ nghĩa trang Dược Hạ đến mảnh đất đó với giá trị hợp đồng 2,2 tỷ đồng. Bản hợp đồng dịch vụ này được thực hiện tại xã Tiên Dược và được sự đồng ý của UBND xã Tiên Dược.

“Việc UBND xã Tiên Dược tự ý cho 2 doanh nghiệp thực hiện hợp đồng thuê người di chuyển 666 ngôi mộ chôn lấp sơ sài vào 1 mảnh đất trên dưới 160 m2 thành một ngôi mộ tập thể như vậy mà không có quyết định từ cơ quan có thẩm quyền, không có văn bản chỉ đạo thực hiện, không tiến hành thông báo cũng như tổ chức bồi thường, giải tỏa theo quy định là hành vi vi phạm pháp luật” - Luật sư Tùng cho biết.

Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người có hành vi xâm phạm mồ mả bị xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi sai trái của mình gây ra. Người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù và còn phải bồi thường thiệt hại căn cứ theo Luật Dân sự.

Điều 12,13 Nghị định 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng quy định: Các nghĩa trang, phần mộ riêng lẻ nằm trong khu đất giải tỏa phải di chuyển để thực hiện các dự án phát triển đô thị, công nghiệp và các công trình công cộng thì kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ về di chuyển mồ mả thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và xây dựng. Sau đó, tiến hành công tác di chuyển mộ vào các nghĩa trang được xây dựng và quản lý theo quy hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ di chuyển mộ tại Sóc Sơn (Hà Nội): ‘Hợp đồng dịch vụ’ chuyển 666 ngôi mộ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO