Đồng bào Chăm có cuộc sống văn hóa tinh thần rất phong phú và đặc sắc. Trong đó, vũ điệu Chămpa hết sức nổi tiếng. Hôm nay, tới khu di tích đền tháp Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam), người ta vẫn ngỡ ngàng trước sự uy nghiêm, tĩnh lặng và thần bí của những vũ nữ, vị thần… được khắc trên gạch hoặc đá. Những vũ điệu huyền bí như đang trình diễn trên tường tháp cổ khiến lòng ta xao xuyến.
Á hậu Trương Thị May đại diện Việt Nam tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2013 hóa thân trong vũ điệu Apsara.
Thống kê chưa đầy đủ, vũ điệu Chămpa có tất cả 80 điệu múa. Đối với bà con, múa rất quan trọng. Múa tạo không khí linh thiêng, nhưng cũng rất vui tươi, sinh động nhất là trong các lễ hội. Cùng với các vũ điệu mang tính tôn giáo, tín ngưỡng thì múa dân gian phản ánh quá trình sinh hoạt, lao động của người Chăm.
Một điểm rất dễ nhận thấy là các vũ nữ đầu đội mũ chóp nhiều tầng, thân hình uyển chuyển, đôi tay họ vươn lên, tà áo uốn lượn, hai chân nhún nhảy, chân phải hơi co lên, chân trái nhún hất về sau. Khi múa tập thể, các vũ nữ chống nhẹ tay phải của họ vào hông mình, tay trái giơ cao, gắn kết lại thành một tư thế thể hiện vẻ đẹp đầy sinh lực. Ở điệu múa cá nhân, người vũ nữ luôn choàng khăn mỏng, hai tay vòng lên đỉnh đầu kéo theo dải voan, hai chân chùng xuống, trọng lượng cơ thể dồn vào mũi chân. Màu vàng và màu hồng là trang phục chính của các vũ nữ Chămpa.
Đáng chú ý, vũ điệu Chămpa càng đặc biệt hấp dẫn khi có sự phụ hoạ của các loại nhạc cụ cổ truyền như trống Ghi-năng, Paranưng và kèn Saranai.
Trống Ghi-năng có hình dạng tương tự như trống cơm nhưng lớn hơn. Khi diễn tấu, bao giờ trống Ghi-năng cũng đi thành 1 cặp và được đặt chéo nhau, một mặt tiếp đất, một mặt hướng lên trời. Còn trống Paranưng là loại trống tròn, một mặt được căng bằng da và gắn vào tang trống bằng những sợi dây dẻo, đan chéo nhau. Khi chơi trống, người ta đặt trống trước bụng,vành trống tì vào đùi, dùng các ngón tay vỗ vào mặt trống để tạo ra những âm thanh vang rền, trầm bổng khác nhau. Còn kèn Saranai thường được làm bằng ngà voi, sừng trâu… sau này được làm bằng gỗ cây me, nhưng phải lấy phần lõi gỗ, có như thế thì âm thanh mới trong, vang đúng chất. Kèn Saranai gồm 3 phần: Phần chuôi làm bằng đồng để thổi, phần thân bằng gỗ và phần loa kèn.
Bộ 3 nhạc cụ trống Ghi-năng, trống Paranưng và kèn Saranai là không thể thiếu trong bất cứ lễ hội nào của người Chăm từ Quảng Nam cho tới Ninh Thuận, Bình Thuận hay miền Tây Nam bộ.
Điêu khắc trên tường đền tháp Chăm.
Trở lại với vũ điệu Chămpa, người Chăm quan niệm các điệu múa là sự giao thoa giữa thế giới hiện tại và thế giới siêu nhiên, giữa con người và thần linh. Con người gửi gắm trong những điệu múa ước nguyện về mưa thuận gió hòa, xóm làng bình an, sức khỏe để sống và phục vụ cho thế giới hiện tại và cúng tế thần linh. Có thể kể đến một số điệu múa nổi bật như sau:
-Múa chim công: Theo quan niệm của người Chăm, chim công là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn. Vì thế múa chim công (Biyen) luôn có trong các lễ hội, ngày vui của cộng đồng. Múa công không thể thiếu những chiếc quạt. Các vũ nữ cầm hai chiếc quạt như đôi cánh, rập dờn và uyển chuyển.
-Múa đội nước: Điệu múa này được cho là có nguồn gốc từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, vì rằng phụ nữ Chăm thường đội bình nước, hay là đội thúng lúa từ nương rẫy về. Người Chăm đã sáng tạo ra điệu múa đội nước (ndoa buk), trong đó có sự kết hợp khéo léo và tài tình với điệu múa chim công, khiến cho tính tượng hình của vũ điệu tăng lên rất nhiều và nói như cách nói bây giờ thì ngôn ngữ múa cũng nhiều hơn.
-Múa khăn: Trong quan niệm của đồng bào Chăm, khăn tượng trưng cho tấm lòng trong trắng, hiền dịu của người thiếu nữ. Múa khăn chính là để mô tả và tôn vinh những đức tính tốt đẹp ấy. Tuy nhiên, múa khăn không chỉ dành cho nữ, mà nam cũng tham gia. Với nữ là các động tác mềm mại tha thướt, thì ngược lại các động tác của người nam lại mạnh mẽ, rắn rỏi.
-Múa đạp lửa: Đây là điệu múa dành riêng cho nam giới, những người đàn ông mạnh mẽ, kiên cường, trung kiên. Múa lửa thường xuất hiện trong lễ hội Rija Nagar - lễ hội xứ sở của người Chăm. Lửa là yếu tố tượng trưng cho khó khăn, hiểm nguy đang đến với con người. Nghệ nhân múa nam tay cầm roi hay kiếm với động tác vừa múa vừa chiến đấu, vừa bảo vệ xóm làng và thể hiện sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đi đến chiến thắng.
Tất nhiên, cùng với những vũ điệu nổi bật nêu trên, thì khi nghiên cứu vũ điệu Chămpa, người ta không thể không đi sâu tìm hiểu những vũ điệu cung đình trên tác phẩm điêu khắc, vì đó chính là văn hóa Chămpa được khắc dấu vĩnh viễn vào thời gian. Trong nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa, hình tượng người múa thường được gắn ở trán cửa hay trên các dải băng trang trí của những ngôi tháp. Bên cạnh các vũ điệu của thần Siva, nữ thần Uma, nữ thần Sarasvati… thì vũ điệu tiên nữ Apsara cũng là một hình tượng quen thuộc mà chúng ta thường bắt gặp. Ở mỗi phong cách tạo hình, vũ điệu của các tiên nữ Apsara mang những nét sinh động, linh hoạt khác nhau.
Cho tới nay, vũ điệu Chămpa vẫn là nguồn cảm hứng sáng tạo tươi mới cho nhiều biên đạo múa; điều đó chứng tỏ sức sống bền bỉ của múa Chămpa vượt qua trở ngại của thời gian…