Dư luận đang “sôi” lên với quyết định của TAND tỉnh Bình Thuận là chỉ phê bình, rút kinh nghiệm các thành viên HĐXX từng xử oan ông Huỳnh Văn Nén. Hành vi vô trách nhiệm của HĐXX đã khiến một người vô tội phải ngồi tù trong hơn 17 năm, vậy mà chỉ phải rút kinh nghiệm là điều khó có thể chấp nhận được?
Ông Huỳnh Văn Nén.
Nhiều chuyên gia luật, luật sư khẳng định, so với vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn thì vụ ông Nén có nhiều điểm tương đồng: Đều là án oan, bị cáo bị kết án chung thân và đã phải ngồi tù hơn chục năm. Vậy tại sao ở vụ ông Chấn, nhiều người liên quan đã phải chịu trách nhiệm hình sự, trong đó có một thẩm phán xét xử phúc thẩm đã bị khởi tố với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Còn ở vụ án ông Nén, các thẩm phán phán quyết đưa người vô tội vào tù lại chỉ bị phê bình nội bộ?
Lý do mà TAND tỉnh Bình Thuận đưa ra để giải thích cho việc xử nhẹ các thành viên trong HĐXX lại hết sức... nực cười: Khi xét xử, ông Nén nhận tội tuốt tuồn tuột, không kêu oan. Khi bản án hình sự sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật, TAND Tối cao cũng có văn bản khẳng định “không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm”... Ô hay, nếu chỉ đơn giản như vậy thì làm thẩm phán dễ quá, cần gì phải chọn lọc những người có tâm, có trình độ năng lực chuyên môn để bổ nhiệm?
Không ít luật sư khi được hỏi đã phát biểu: Nếu vậy hóa ra các thẩm phán chỉ dừng lại ở việc “ăn theo, nói leo”, chứ không cần phải có chính kiến, nghiệp vụ, sự tinh tường và quan trọng là kinh nghiệm xét xử hay sao? Dù điều tra viên đã ngụy tạo chứng cứ làm sai lệch sự thật của vụ án, dù VKS đã “mắt nhắm, mắt mở” để ra cáo trạng truy tố ông Nén, song nhiệm vụ của HĐXX là phải kiểm tra, đánh giá tài liệu chứng cứ theo quy định của pháp luật để tìm ra sự thật chứ không thể phán bừa, phán ẩu.
Hiến pháp 2013 quy định: TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Do vậy, việc điều tra, xem xét, xử lý những người có trách nhiệm để xảy ra oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén là hết sức cần thiết nhằm đem lại sự công bằng trong xã hội, răn đe, phòng ngừa những hành vi sai trái tương tự, giữ gìn kỷ cương phép nước.
Nếu đã không làm hết trách nhiệm dẫn đến kết án oan, HĐXX phải chịu trách nhiệm pháp lý tương xứng với yếu tố lỗi và hậu quả nghiêm trọng đã gây ra, mà trong trường hợp cụ thể này là trách nhiệm hình sự.
Điều đáng tiếc là thay vì xử nghiêm, các thành viên của HĐXX đã đẩy người vô tội vào tù, TAND Bình Thuận lại “đá quả bóng trách nhiệm lên TAND tối cao”. Song, ngay cả việc xem xét trách nhiệm của thẩm phán được giao nhiệm vụ xem xét vụ án là của TAND tối cao cũng không liên quan đến việc TAND tỉnh Bình Thuận phải làm rõ, xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị của mình khi mắc sai lầm.