Vũ khí để đối phó với virus đột biến

Việt Hà (thực hiện) 02/06/2021 06:30

Sự biển đổi gene/đột biến gene của virus khiến cho việc chẩn đoán và dự phòng vaccine sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi ngành Y tế cần phải tập hợp đầy đủ thông tin, bằng chứng khoa học để đáp ứng nhanh, chính xác với các biến thể này. Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Trần Huy Thịnh (Trường  Đại học Y Hà Nội) về đề tài mà trường đang gấp rút triển khai: “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu đột biến gene của SARS-CoV-2 tại Việt Nam”.

PGS.TS Trần Huy Thịnh.

PV:Thưa ông, có phải một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đoàn công tác Trường Đại học Y Hà Nội trong những ngày vào điểm nóng Bắc Ninh là triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu đột biến gene của SARS-CoV-2 tại Việt Nam”?

PGS.TS Trần Huy Thịnh: Dịch bệnh Covid-19 gây ra bởi virus SARS-CoV-2 diễn biến phức tạp, khó lường không chỉ trên thế giới mà ở cả nước ta với 2 điểm nóng nhất là Bắc Ninh và Bắc Giang. Hiện chúng ta đang tập trung cao độ, áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, phòng chống, kiểm soát. Tuy nhiên dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Đặc biệt, sự biển đổi gene/đột biến gene theo thời gian của virus khiến cho việc chẩn đoán và dự phòng vaccine sẽ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi ngành y tế cần phải tập hợp đầy đủ thông tin, bằng chứng khoa học rất cụ thể, thực tế để đáp ứng nhanh, chính xác với các biến thể virus SARS-CoV-2 mới cho chẩn đoán và dự phòng.

Đây là vấn đề hết sức khó khăn bởi virus SARS-CoV-2 xuất hiện các đột biến gen nhanh hơn so với các chủng virus cúm khác và thực tế cho thấy trên thế giới liên tiếp xuất hiện các biến chủng mới của virus này, như biến chủng B.1.1.7 ở Anh; B.1.351 ở Nam Phi; B.1.617.2 ở Ấn Độ, P1 ở Brazil....

Một số biến chủng virus SARS-CoV-2 có khả năng làm tốc độ lây truyền nhanh hơn, điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh, làm quá tải, tăng gánh nặng của công tác điều trị.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện các nghiên cứu đánh giá tác dụng phòng bệnh của một số loại vaccine đã được cấp phép sử dụng hiện nay khi xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Xuất phát từ thực tế đó, Trường Đại học Y Hà Nội đã nhận nhiệm vụ từ Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nghiên cứu “Xây dựng cơ sở dữ liệu đột biến gene của SARS-CoV-2 tại Việt Nam”, với mục tiêu tạo cơ sở dữ liệu về các đột biến gen/biến chủng của virus SARS-CoV-2 lưu hành tại các địa phương và quan sất các làn sóng dịch khác nhau ở nước ta.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng phần mềm phân tích, dự báo tác động của các biến chủng virus SARS-CoV-2 mới nhằm cung cấp thêm các bằng chứng khoa học hữu ích để góp phần vào công tác kiểm soát dịch bệnh và dự phòng vaccine.

Đà Nẵng hỗ trợ Bắc Giang và Bắc Ninh 12.000 sinh phẩm xét nghiệm Covid-19 để kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: A.Q.

Thưa ông, tốc độ thực hiện dự án đến đâu rồi?

- Thực tế đề tài cũng bắt đầu triển khai sau khi dịch bệnh bùng phát. Nhóm nghiên cứu bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế và sự điều phối của Trường cũng rất tích cực thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Nhóm cũng đã thu thập các thông tin dịch tễ, phân nhóm, đánh giá các đặc điểm liên quan đến bệnh và đặc biệt là đã thu thập được hàng trăm mẫu bệnh phẩm từ các bệnh nhân Covid-19.

Hiện nhóm đã sàng lọc và đang tiến hành các lô đầu tiên giải mã toàn bộ hệ gen để xác định các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 trên các nhóm bệnh nhân này. Nhóm nghiên cứu sẽ sớm công bố các kết quả giải mã gen này.

Việc xác định xem chủng virus ở các điểm nóng có phải chủng đột biến không quan trọng như thế nào trong công tác phòng dịch, thưa ông?

Tại các nước phát triển, song song với xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, họ đã xây dựng hệ thống thực hiện giám sát, đánh giá biến đổi gene của virus SARS-Cov-2, theo dõi sự xuất hiện của các biến chủng virus mới, đưa ra các dự báo và các giải pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

- Không chỉ ở Bắc Ninh, Bắc Giang mà ở bất kỳ địa phương nào trong cả nước, việc xác định chính xác chủng virus SARS-CoV-2 đang lưu hành tại địa phương hết sức quan trọng. Khi đối chiếu với các dữ liệu của biến chủng đó trên thế giới thì đây là các bằng chứng khoa học và khách quan nhất để đánh giá tốc độ lây lan, nguy cơ gia tăng các ca bệnh nặng để từ đó đưa ra các chính sách tiếp cận để phòng và chống dịch bệnh theo đặc điểm và tình hình thực tế, phát huy tối đa năng lực của mỗi địa phương.

Tại các nước phát triển, song song với xét nghiệm chẩn đoán và điều trị thì họ đã xây dựng hệ thống thực hiện giám sát, đánh giá biến đổi gen của virus SARS-Cov-2, theo dõi sự xuất hiện của các biến chủng virus mới, đưa ra các dự báo và các giải pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.

Điểm mạnh đáng chú ý của hệ thống giám sát này là việc thu thập thường xuyên nhiều mẫu bệnh phẩm đại diện từ khắp nơi trên cả nước và xác định đặc tính của virus dựa vào giải trình tự toàn bộ hệ gen của virus SARS-CoV-2. Đây là giải pháp chủ động, nhanh chóng và tối ưu nhất nhằm phát huy nội lực, thích ứng với điều kiện thực tế của chúng ta hiện nay.

Một số ý kiến cho rằng, chủng virus Ấn Độ có những biến thể làm lây lan nhanh hơn (đặc tính của chủng biến thể Anh) và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vaccine (đặc tính của chủng virus Nam Phi), nên được gọi là chủng virus biến thể kép. Vậy virus đột biến có làm giảm đi hiệu quả vaccine không?

- Thực tế chống dịch hiện nay ở các địa phương cho thấy sự lưu hành cả biến chủng virus Ấn Độ và biến chủng virus Anh. Các thống kê về dịch tễ, điều tra truy vết, xét nghiệm chẩn đoán... đều cho thấy tốc độ lây lan của các biến chủng trong vụ dịch này nhanh hơn so với các vụ dịch trước. Điều này gây khó khăn trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học rõ ràng chứng minh các biến chủng mới này làm giảm hiệu lực bảo vệ của các loại vaccine đã được cấp phép và đang được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Chính vì vậy, việc tiêm đủ liều vaccine với mức độ bao phủ lớn trong cộng đồng sẽ là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam đang đi theo hướng này với những hành động cụ thể khi chủ động mở rộng tìm nguồn cung vaccine bên cạnh những hoạt động tích cực, hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch bệnh với tinh thần “Vaccine + 5K”.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vũ khí để đối phó với virus đột biến